Tag Archives: sách nhiễu

Bị sách nhiễu vì in áo thun có chữ «Khmer Krom»

Thượng tá công an Võ Văn Liệt trong một đợt đi tuyên truyền về cái gọi là «bảo vệ an ninh tổ quốc»

RIPVN | Một chủ cơ sở in áo thun ở tỉnh Trà Vinh liên tục bị công an sách nhiễu, doạ nạt vì nhận in áo thun có dòng chữ «Khmer Krom Chào mừng Quốc tế Phụ nữ 8 /3» bằng chữ Khmer. 

Kể từ đầu tháng 3 năm 2021 đến nay, anh Thạch Sang, một người Khmer Krom ở xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, là chủ cơ sở in ấn liên tục bị công an xã, huyện sách nhiễu và đe doạ. 

Anh Sang cho biết, hồi ngày 4 tháng 3 năm 2021, lợi dụng lúc anh đi quay phim thuê ở ngoài, một toán công an do phó trưởng công an huyện Cầu Kè Võ Văn Liệt đi đầu, đã đến nhà anh và «tịch thu» 18 chiếc áo thun được khách hàng đặt in để mặc dịp Quốc tế phụ nữ 8 tháng 3. 

Vị đại diện công quyền này cho biết công an tịch thu áo vì có in chữ «Khmer Krom» là cụm từ bị cấm ở Việt Nam do mang hàm ý phân biệt dân tộc. 

Sau đó, anh liên tục nhận được «giấy mời» từ công xã, huyện để làm việc xung quanh việc anh in áo có chữ «Khmer Krom», cũng như điều tra về khách hàng đặt in áo.

Liên tục sau đó cho đến gần đây nhất là ngày 29 tháng 3 năm 2021, anh Thạch Sang nhận được giấy mời đến cơ quan công an để «làm việc», cũng như phải đón tiếp các cuộc «kiểm tra» của chính quyền địa phương liên quan đến các vấn đề như «giấy phép kinh doanh», «an toàn lao động», …

Không những thế, các chức sắc địa phương còn đe doạ anh Sang phải xoá bỏ tất các các hình ảnh, bài viết, video mà anh này đã đăng trên mạng xã hội Facebook liên quan đến các đợt sách nhiễu của công an.

Về phần mình, anh Sang khẳng định bản thân luôn chấp hành đúng pháp luật nhà nước và các quy định của chính quyền sở tại và không chính quyền địa phương phải chấm dứt việc hạch sách vô cớ này. 

Thạch Tha

Công an mời làm việc 2 lần và dọa bắt bỏ tù một thanh niên Khmer Krom

http://vi.ripvn.org/wp-content/uploads/2020/10/mot-cong-nhan-khmer-krom-bi-de-doa-bat-giam.mp3

RIPVN | Dương Phúc, một thanh niên Khmer Krom quê Sóc Trăng hiện đang là công nhân tại khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, vừa bị công an xã Sông Trầu mời «làm việc» trong 2 ngày 20 và 23 tháng 10 năm 2020 và bị đe dọa bắt giam. 

Theo anh Phúc việc mời và đe dọa của công an xã Sông Trầu nhằm mục đích sách nhiễu và làm suy yếu tinh thần sau khi anh trai của anh, ông Dương Khải hồi ngày 17 tháng 7 năm 2020 vừa qua đã đại diện 200 công nhân Khmer Krom tại khu công nghiệp này gửi kiến nghị thư yêu cầu Bộ Lao động Việt Nam can thiệp việc công an địa phương và quản lý một công ty tại khu công nghiệp này kỳ thị người Khmer Krom. 

Trong đơn yêu cầu do ông Dương Khải và nhiều công nhân Khmer Krom khác ký tên và lăn dấu tay nhắc đến trường hợp một công nhân Khmer Krom quê Kiên Giang tên Danh Việt Trung bị công an xã Sông Trầu và dân quân tự vệ đánh một cách vô cớ ; cũng như tường trình về việc cán bộ phòng tuyển dụng của công ty Sanlim tuyên bố «(công nhân) dân tộc nào cũng nhận, nhưng Khmer thì không nhận (vào làm)». 

Cũng theo nội dung đơn này thì nguyện vọng của các công nhân Khmer Krom là «Xin Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết cho chúng tôi được bình đẳng công việc làm và cuộc sống ấm no hơn».

Tuy nhiên, ngay sau đó ông Dương Khải liên tiếp bị công an huyện Trảng Bom mời làm việc nhiều lần và Dương Khải bị cáo buộc là «nghe theo chỉ đạo từ nước ngoài viết đơn yêu cầu nhằm mục đích gây bất ổn». 

Ông Khải khẳng định việc gửi đơn yêu cầu đến Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Việt Nam là nhằm mục đích tìm kiếm sự ổn định việc làm và sự bình đẳng trong cuộc sống. 

Hai anh em ông Khải và Phúc cho biết hiện tại công nhân người Khmer Krom tại khu công nghiệp Bàu Xéo không được hưởng đầy đủ quyền lợi như công nhân người Việt và thường xuyên xảy ra mâu thuẫn giữa công nhân người Việt và công nhân người Khmer và chính quyền (cụ thể là công an xã Sông Cầu) thì luôn cáo buộc là công nhân Khmer bị xúi dục để gây bất ổn. 

Cũng xin thông tin thêm rằng, theo nguồn tin của Văn phòng các Hội – Đoàn Khmer Kampuchea Krom tại Campuchia thì trong năm 2020, có ít nhất hơn 10 trường hợp thanh niên Khmer Krom bị chính quyền Việt Nam «mời làm việc» với các cáo buộc khác nhau. 

Tuy nhiên theo các hội đoàn Khmer Kampuchea Krom thì đó là sự sách nhiễu nhằm cấm đoán mọi hình thức phản đối, dù là ôn hòa nhất, với những bất công mà người Khmer Krom đang phải từng ngày gánh chịu.