
RIPVN | Hồi ngày 25 tháng 6 năm 2021, công an xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã chặn xe máy của ông Thạch Tha, người Khmer Krom, để thực hiện cái gọi là «kiểm tra phòng chống COVID», và sau đó đã ngang nhiên cướp lấy 150 quyển sách trên xe của ông Tha.
Trong biên bản «tạm giữ tài liệu» được viết và không đề rõ ngày tháng, ông Dương Quốc Túy (Tủy?) phó trưởng công an xã cho biết việc tịch thu với lý do là người chở (tức ông Tha) không xuất trình được nguồn gốc số sách này.
Trong một video được lan truyền trên mạng xã hội bởi ông Tô Hoàng Chương, một người hoạt động phổ biến quyền người bản địa ở Việt Nam, cho thấy số sách bị công an thu giữ này gồm 2 loại là «Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền», và «Tuyên ngôn của Liên hiệp quốc về quyền người bản địa», cả hai sách này đều bằng tiếng Khmer, được in và phổ biến bởi Văn phòng Cao ủy LHQ Phụ trách về nhân quyền tại Kampuchea từ tháng 9 năm 2006.
Trong một diễn biến khác, cũng hồi ngày 25 tháng 6 năm 2021, một người Khmer Krom khác là Thạch Rine đã bị công an tỉnh Trà Vinh tạm giữ điều tra hơn 10 giờ đồng hồ vì anh này mặc áo thun có logo của Chương trình «17 Mục tiêu phát triển bền vững» (17 Sustainable Development Goals – SDGs).
Điều đáng nói là hai tài liệu về quyền con người trên và chương trình SDGs đã được LHQ thông qua và đề xướng, các tuyên ngôn và chương trình này cũng được chính quyền Việt Nam ký tên công nhận, cũng như cam kết phổ biến rộng rãi, và phổ biến thực hiện ở Việt Nam.
Điểm 2, Điều 11 của Tuyên ngôn LHQ về quyền người bản địa nêu rõ:
«Nhà nước cần có những biện pháp hiệu quả để đảm bảo rằng quyền này được bảo vệ và cũng đảm bảo rằng các dân tộc bản địa có thể hiểu và được hiểu trong các thủ tục về chính trị, pháp lý và hành chính, khi cần thiết thông qua việc cung cấp thông ngôn hay các biện pháp thích hợp khác».
Theo đó. việc người Khmer Krom in, tặng, chia sách về nhân quyền và quyền người bản địa và phổ biến các mục tiêu phát triển bền vững là góp phần cùng với nhà nước Việt Nam phổ biến các Tuyên ngôn, Công ước quốc tế, các chương trình LHQ mà Việt Nam là thành viên bảo trợ.
Các hành động này đáng được tuyên dương và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền Việt Nam, hơn nữa, Hà Nội cũng nên giáo dục để chính quyền các cấp địa phương có thể học tập để nhận biết được các tài liệu, tuyên ngôn, công ước quốc tế đã được nước CHXHCN Việt Nam thông qua.
Hồng Ngọc