RIPVN | Là quốc gia phát triển và tự do dân chủ nhất thế giới, người bản địa ở Hoa Kỳ cũng phải đối mặt với những bất công và các mối đe dọa từ các cá nhân, tổ chức phi bản địa.
Hồi đầu tháng Giêng năm 2022, Tổng chưởng lý bang Washington, ông Bob Ferguson và Dân biểu bang, bà Debra Lekanoff đã ra thông cáo chung yêu cầu hành pháp bang này thành lập hệ thống thông tin về các trường hợp người bản địa bị mất tích.
Nếu được thiết lập, đây sẽ là hệ thống thông tin về việc mất tích liên quan đến người bản địa đầu tiên tại bang này, sau khi xảy ra một số trường hợp phụ nữ và trẻ em gái người bản địa bị mất tích không lý do.
Hệ thống thông tin này sẽ đăng tin về người bị mất tích trên các trục đường lớn, trên các cơ quan truyền thông, thông cáo của chính quyền, báo in, truyền hình trong bang, cũng như ở các địa phương lân cận.
Điều này giúp nhanh chóng tìm ra người bị mất tích cũng như dễ dàng hơn trong việc điều tra thủ phạm gây án.
Trong năm 2021, bang Washington đã ghi nhận tới hơn 110 trường hợp thiếu nữ người bản địa bị mất tích.
Ngoài ra, người ta cũng tin rằng có nhiều trường hợp mất tích khác đã không được báo cáo cho cảnh sát và cũng không được giới chức bang này quan tâm, điều tra.
Cảnh sát Washington cho biết các vụ mất tích xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em gái cả người bản địa và người da trắng, tuy nhiên, nạn nhân là người bản địa chiếm đến 80%.
Trong thông cáo của mình, Tổng chưởng lý Bob Ferguson khẳng định, các vụ bắt cóc và giết người mà nạn nhân là người bản địa đang là vấn nạn lớn của bang Washington.
Đồng thời ông cũng tuyên bố sẽ tìm nhiều biện pháp có hiệu quả hơn nữa ngoài hệ thống thông tin này để giúp nhanh chóng giải cứu các nạn nhân và ngăn chặn các vụ bắt cóc.
Cũng liên quan đến vấn đề này, hồi tháng 12 năm 2021, đại diện 12 sắc dân bản địa ở Washington, với dân số hơn 140 ngàn người đã tổ chức hội nghị chung đầu tiên để yêu cầu chính quyền bang này có các biện pháp bảo vệ và điều tra các vụ bắt cóc, giết người liên quan đến người bản địa.
RIPVN | Ông Thạch Rine, một người bản địa Khmer Krom ở xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, hôm 14 tháng 10 vừa qua đã bị công an huyện bắt giam với tội danh «lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân».
Theo đó công an Trà Vinh cáo buộc ông Rine «xúc phạm chân dung lãnh tụ» do ông đăng tải hình ảnh chân dung của Hồ Chí Minh đã bị chỉnh sửa «có tính chất xúc phạm lãnh tụ».
Theo tìm hiểu của chúng tôi trên Facebook «Thach Rine» có đăng một ảnh động trong đó có gương mặt của một người đàn ông lớn tuổi, được người ta cho là Hồ Chí Minh, gương mặt này từ từ biến dạng thành một gương mặt xấu xí như mặt quỷ.
Cũng công an Trà Vinh cáo buộc ông Rine đăng tải hình ảnh này là nhằm «tuyên truyền, xuyên tạc sai về lịch sử vùng đất Tây Nam bộ».
Ông Thạch Rine, 61 tuổi, là một tín hữu Tin lành thuộc Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam, thường có các hoạt động thiện nguyện trong cộng đồng người Khmer Krom ở Trà Vinh.
Hồi tháng 7 năm 2021, ông Rine cũng đã bị công an huyện bắt giữ, chiếm lấy điện thoại và ba chiếc áo thun, trong đó có một chiếc áo ghi 17 chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam có tham gia ký, một áo thun khác có in bản đồ Kampuchea Krom cùng với dòng chữ tiếng Khmer là «kỷ niệm 72 năm ngày Pháp giao vùng đất Khmer Krom cho Việt Nam».
Công an Trà Cú cũng cho biết thêm là họ có thu thập được tài liệu về việc ông Thạch Rine thường xuyên đăng tải, chia sẻ biểu tượng, tài liệu liên quan đến tổ chức phản động bên ngoài, tuy nhiên họ không đề cập là những tổ chức nào.
Người Khmer Krom là người bản địa, chủ nhân của vùng đất Kampuchea Krom (mà ngày nay là Nam Bộ ở Việt Nam, kéo dài từ Đồng Nai – Vũng Tàu đến Cà Mau).
Người Khmer Krom phần lớn theo Phật giáo Nguyên thủy, một số ít theo các hệ phái Tin Lành, cả Phật tử và Ki-tô hữu Khmer đều sống chan hòa, thờ Phật, kính Chúa và gìn giữ truyền thống văn hóa, ngôn ngữ dân tộc.
Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam luôn tìm mọi biện pháp đồng hóa người Khmer Krom, cấm đoán việc dạy ngôn ngữ, chữ viết không theo định hướng của chính quyền, và liên tục bắt giam, đe dọa những người phổ biến văn hóa, lịch sử dân tộc, và lãnh thổ Kampuchea Krom.
RIPVN | Chính phủ Việt Nam đã thừa nhận rằng họ đã bắt giữ một nhà hoạt động vì quyền của người bản địa vì người này sở hữu bản dịch «Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của người bản địa».
Trong một tuyên bố bất thường gửi cho Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đề ngày 20 tháng 9 năm 2021 nhưng vừa mới được công bố, chính phủ Việt Nam đã thừa nhận có bắt giữ một thanh niên Khmer Krom, tên Dương Khải hồi ngày 13 tháng 4 năm 2021.
Tuy nhiên, thay vì xin lỗi người bị hại và hứa sửa sai, Việt Nam đã biện minh rằng vụ bắt giữ này là cần thiết để bảo vệ chính sách đoàn kết dân tộc ở Việt Nam, cũng như nặn ra cái cớ hợp pháp cho việc bắt giam này là «Dương Khải vi phạm luật báo chí và xuất bản».
Xin nhắc lại thêm rằng hồi tháng 4 năm 2021, hàng chục công an Việt Nam đã bao vây nhà trọ của Dương Khải, người Khmer Krom, quê Sóc Trăng, là công nhân khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, tịch thu 120 quyển sách Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền của người bản địa (UNDRIP), máy tính xách tay, điện thoại di động, và đưa anh này về đồn công an.
Vào tháng 6 năm 2021, một nhóm chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc đã viết Thư cáo buộc chung gửi chính phủ Việt Nam yêu cầu câu trả lời và bày tỏ «lo ngại rằng những mối đe dọa được báo cáo này có thể liên quan đến nỗ lực của ông trong việc phổ biến các tài liệu của Liên hợp quốc, đặc biệt là việc phổ biến và dịch UNDRIP ra các ngôn ngữ, và có thể có tác động tiêu cực đến việc thừa nhận các tài liệu của Liên Hiệp Quốc, thậm chí là đối với những người bảo vệ nhân quyền, những người quan tâm đến các vấn đề về người thiểu số và người bản địa trong nước».
Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền của người bản địa được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 13 tháng 9 năm 2007 với 144 phiếu thuận, 11 phiếu trắng và 4 phiếu chống.
Việt Nam là một trong 144 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ ngay từ ngày đưa ra bản tuyên bố.
Trớ trêu thay Việt Nam nhất quyết tuyên bố rằng ở nước này không có «người bản địa», bất chấp sự thật là người dân bản địa chiếm khoảng 15% dân số Việt Nam, có khu vực định cư cụ thể, có văn hóa, lịch sử, truyền thống bản địa, bao gồm người Khmer Krom, người Chăm, các sắc dân Tây Nguyên, Tây Bắc, ..
Trường hợp của Dương Khải là một cơ sở đáng lo ngại cho tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Nếu, ở Việt Nam, một người có thể bị hình sự hóa chỉ vì sở hữu và phổ tiền các tài liệu về nhân quyền của Liên hợp quốc mà đặc biệt là có sự tham gia soạn thảo từ chính phủ Việt Nam, thì không thể không có khả năng nhà nước này sẽ thẳng tay đàn áp công dân và xóa bỏ quyền tự do ngôn luận. và bày tỏ chính kiến.
RIPVN | Hồi ngày 25 tháng 6 năm 2021, công an xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã chặn xe máy của ông Thạch Tha, người Khmer Krom, để thực hiện cái gọi là «kiểm tra phòng chống COVID», và sau đó đã ngang nhiên cướp lấy 150 quyển sách trên xe của ông Tha.
Trong biên bản «tạm giữ tài liệu» được viết và không đề rõ ngày tháng, ông Dương Quốc Túy (Tủy?) phó trưởng công an xã cho biết việc tịch thu với lý do là người chở (tức ông Tha) không xuất trình được nguồn gốc số sách này.
Trong một video được lan truyền trên mạng xã hội bởi ông Tô Hoàng Chương, một người hoạt động phổ biến quyền người bản địa ở Việt Nam, cho thấy số sách bị công an thu giữ này gồm 2 loại là «Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền», và «Tuyên ngôn của Liên hiệp quốc về quyền người bản địa», cả hai sách này đều bằng tiếng Khmer, được in và phổ biến bởi Văn phòng Cao ủy LHQ Phụ trách về nhân quyền tại Kampuchea từ tháng 9 năm 2006.
Trong một diễn biến khác, cũng hồi ngày 25 tháng 6 năm 2021, một người Khmer Krom khác là Thạch Rine đã bị công an tỉnh Trà Vinh tạm giữ điều tra hơn 10 giờ đồng hồ vì anh này mặc áo thun có logo của Chương trình «17 Mục tiêu phát triển bền vững»(17 Sustainable Development Goals – SDGs).
Điều đáng nói là hai tài liệu về quyền con người trên và chương trình SDGs đã được LHQ thông qua và đề xướng, các tuyên ngôn và chương trình này cũng được chính quyền Việt Nam ký tên công nhận, cũng như cam kết phổ biến rộng rãi, và phổ biến thực hiện ở Việt Nam.
Điểm 2, Điều 11 của Tuyên ngôn LHQ về quyền người bản địa nêu rõ:
«Nhà nước cần có những biện pháp hiệu quả để đảm bảo rằng quyền này được bảo vệ và cũng đảm bảo rằng các dân tộc bản địa có thể hiểu và được hiểu trong các thủ tục về chính trị, pháp lý và hành chính, khi cần thiết thông qua việc cung cấp thông ngôn hay các biện pháp thích hợp khác».
Theo đó. việc người Khmer Krom in, tặng, chia sách về nhân quyền và quyền người bản địa và phổ biến các mục tiêu phát triển bền vững là góp phần cùng với nhà nước Việt Nam phổ biến các Tuyên ngôn, Công ước quốc tế, các chương trình LHQ mà Việt Nam là thành viên bảo trợ.
Các hành động này đáng được tuyên dương và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền Việt Nam, hơn nữa, Hà Nội cũng nên giáo dục để chính quyền các cấp địa phương có thể học tập để nhận biết được các tài liệu, tuyên ngôn, công ước quốc tế đã được nước CHXHCN Việt Nam thông qua.
RIPVN | Hôm 6 tháng 4 năm 2021 vừa qua, Văn phòng các Tổ chức Khmer Kampuchea Krom tại Kampuchea (SKKKA) ra thông cáo báo chí lên án công an quận Gò Vấp sách nhiễu, hành hung thanh niên Khmer Krom đang làm việc tại Sài Gòn.
Theo bản thông cáo thì hồi lúc 10 giờ tối đêm 4 tháng 4 năm 2021, khoảng 10 công an thường phục và sắc phục cùng chính quyền phường 16, quận Gò Vấp xông vào tiệm trang điểm của anh Thạch Cương, với lý do anh này «tàng trữ tài liệu phản động».
Cái cớ cho việc sách nhiễu là chính quyền nghi ngờ anh Cương đang giữ khoảng 100 quyển in của sách «Ánh sáng quyền dân tộc tự quyết», viết bởi một nhà sư Khmer Krom đang sống tại Hoa Kỳ và được phổ biến trên mạng internet, và chờ phân phát cho các thanh niên Khmer Krom.
SKKKA cho biết thêm rằng, dù không tìm được bất kỳ quyển sách nào, nhưng công an Gò Vấp liên tục có hành vi hung hãn với anh Cương như bóp cổ, vặn tay khi anh này lên tiếng khán cự việc công an lục soát nơi ở của mình.
Không những thế, công an còn cướp lấy hai điện thoại di động của anh Cương và tự ý mở xem, chụp lại tất cả các cuộc gọi và nội dung tin nhắn mạng xã hội trên điện thoại.
Khoảng 30 phút, sau khi không tìm được sách, cũng như ép buộc anh Cương ký vào cam kết «không in ấn sách báo và áo thun», công an trao trả điện thoại và không quên lời đe dọa «cấm không cho báo tin này cho ai khác, nhất là người Khmer Krom nào ở nước ngoài».
Theo SKKKA, Thạch Cương là nhà hoạt động vì quyền công nhân Khmer Krom tại Sài Gòn và các vùng lân cận.
Cùng với một số người bạn của mình, anh Cương đã nhiều lần kiến nghị chính quyền Hà Nội cho phép công nhân người Khmer Krom được phép nghỉ không bị trừ lương trong dịp năm mới của người Khmer (Chol Chhnam Thmey).
Hồi tháng 6 năm 2020, anh Thạch Cương cũng từng bị Sở TTTT tỉnh Trà Vinh phạt số tiền 7 triệu đồng vì chia sẽ trên mạng xã hội thông tin chính quyền phát gạo kém chất lượng cho người Khmer nghèo.
SKKKA là liên hiệp các tổ chức, hội đoàn Khmer Krom tại Kampuchea, hiện do ông Sambath Sina, tổng thư ký Hội Ái hữu Khmer Kampuchea Krom (FKKKA) làm chủ tịch luân phiên.
Trong bản thông cáo, SKKKA kịch liệt lên án và yêu cầu chấm dứt ngay lập tức hành vi bạo lực, đe dọa có hệ thống cũng như việc xâm phạm thông tin riêng tư hết sức thô bạo của công quyền Việt Nam lên bất kỳ một người Khmer Krom nào.
RIPVN | Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 13 tháng 1 công bố «Phúc trình Toàn cầu 2021» và lên án Việt Nam tiếp tục gia tăng hạn chế các quyền dân sự và chính trị cơ bản của người dân trong năm 2020.
Theo tổ chức nhân quyền quốc tế này, chủ trương của Hà Nội trong việc siết chặt quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận của người dân «dường như có liên quan tới Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội 13)», dự kiến diễn ra từ ngày 25 tháng 1 đến 2 tháng 2.
«Lại thêm một năm đen tối nữa cho nhân quyền ở Việt Nam», Giám đốc vận động châu Á của HRW, ông John Sifton, nói trong thông cáo báo chí hôm 13 tháng 1.
Theo lời đại diện của HRW, «Trong suốt năm 2020, ngoài một số nhà bất đồng chính kiến trực ngôn, công an cũng bắt giam nhiều người khác vì đã nói lên chính kiến của mình và thực hành các quyền tự do ngôn luận cơ bản.»
Trong bản Phúc trình dài 761 trang, ấn bản hàng năm của HRW nhằm đánh giá việc thực hành nhân quyền tại hơn 100 quốc gia, tổ chức nhân quyền nói Việt Nam trong năm 2020 «tiếp tục vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống», qua việc siết chặt quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tôn giáo, chặn truy cập nhiều trang mạng, gây sức ép buộc các công ty viễn thông phải gỡ bỏ các nội dung phê phán Đảng Cộng sản và chính quyền…
Dẫn chứng nhiều trường hợp bị bắt giam trong năm qua như nhà báo Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Lê Hữu Minh Tuấn, các nhà hoạt động như Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, bà Cấn Thị Thêu…, HRW cho rằng Việt Nam đã «hình sự hoá» các hành vi ngôn luận có tính phê phán chính quyền.
Đánh giá về cam kết của Việt Nam về vấn đề công đoàn độc lập trong các hiệp định tự do thương mại với quốc tế, Phúc trình của HRW cho rằng việc Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực vào tháng 1/2021, trong đó cho phép thành lập «các tổ chức đại diện của người lao động», chỉ là «bề nổi», trên thực tế chắc chắn sẽ bị kiểm soát chặt chẽ vì những người vận động để thành lập công đoàn hay các nhóm hội của người lao động hiện đang phải đối mặt với sự sách nhiễu, đe dọa và trả đũa từ cả phía chính quyền lẫn những người sử dụng lao động.
«Chính quyền Việt Nam sợ dân chủ, báo chí độc lập, và quyền tự do», ông Sifton nói trong thông cáo báo chí.
Theo đại diện của HRW, «Các đối tác thương mại và nhà tài trợ cần công khai nêu quan ngại về hồ sơ nhân quyền tồi tệ của chính phủ Việt Nam và gây sức ép để Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình về nhân quyền».
Trong phần giới thiệu phúc trình, Giám đốc Điều hành Kenneth Roth của HRW cho rằng Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Trump vừa qua «gần như bỏ rơi việc bảo vệ nhân quyền». Vì vậy, ông kêu gọi chính quyền Biden sắp tới cần đưa việc tôn trọng nhân quyền vào các chính sách đối nội và đối ngoại của mình.
Việt Nam lâu nay vẫn tuyên bố luôn «tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người». Trong một phản ứng đối với Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 3 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói báo cáo của Mỹ có nhiều nội dung «thiếu khách quan».
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trong dịp này nói rằng «Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tham gia các điều ước quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân».
Phúc trình của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm ngoái nói Việt Nam vi phạm nhân quyền trong một loạt lĩnh vực, trong đó có giam giữ người tuỳ tiện, tra tấn người bị bắt giam, đối xử bất công với tù nhân, hạn chế quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet và tự do tôn giáo.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Việt Nam vừa cho biết các mạng xã hội Facebook và YouTube từ đầu năm đến nay đã gỡ bỏ hàng ngàn bài viết bị cho là «vi phạm luật pháp» và xoá hàng trăm tài khoản, fanpage và các kênh chứa thông tin «tuyên truyền chống Nhà nước», «chống Đảng» , theo yêu cầu của Bộ này.
Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng về các biện pháp phòng chống «luận điệu xuyên tạc» từ các «thế lực thù địch, chống Cộng cực đoan» trên không gian mạng, Bộ TTTT cho biết sau khi Bộ này triển khai nhiều giải pháp «đấu tranh về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật» để buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, Google, Apple tuân thủ yêu cầu kiểm soát, ngăn chặn và gỡ bỏ các thông tin bị cho là «xấu, độc», chỉ riêng Facebook đã gỡ đến 2.311 bài viết, tăng 400% so với cả năm ngoái, tính đến ngày 10/11.
290 tài khoản bị cho là «giả mạo cá nhân, tổ chức tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam» cũng đã bị xoá bỏ cùng với 154 fanpage đăng thông tin «sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân», văn bản của Bộ TTTT cho biết thêm.
Riêng với Google, tính đến ngày 10/11, trang YouTube của tập đoàn này đã ngăn chặn và gỡ bỏ đến 29.009 video clip bị cho là vi phạm luật pháp Việt Nam và xoá 24 kênh YouTube «phản động» thường đăng nội dung «chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước». Theo Bộ TTTT Việt Nam, mỗi kênh trong số này có hàng nghìn video và tỷ lệ gỡ chặn của YouTube là 87%.
Ngoài ra, cơ quan quản lý truyền thông trong năm qua cũng «chủ động chặn kỹ thuật» trên không gian mạng. Số trang web và blog đã bị chặn lên đến 1.714 trang «với hàng chục ngàn bài viết», vẫn theo văn bản của Bộ.
Facebook và YouTube là hai trang mạng xã hội có số lượng người sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Mỗi nền tảng hiện có trên 60 triệu người sử dụng, chiếm khoảng 2/3 dân số. Chính vì vậy, việc kiểm soát các trang mạng xã hội có trụ sở tại Mỹ này vẫn là mục tiêu nhiều năm nay của chính quyền Việt Nam.
Tại «Hội thảo đánh giá hoạt động Thông tin Điện tử năm 2020» vào cuối tháng trước, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông, nói rằng trong năm 2020, do các mạng xã hội xuyên biên giới có ảnh hưởng lớn đến truyền thông xã hội trong nước, nên các cơ quan chức năng đã phải tăng cường làm việc với các nền tảng này để chặn, gỡ các tài khoản.
Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ TTTT, ông Lê Quang Tự Do, còn khẳng định «Việt Nam đứng số một thế giới về số lượng tài khoản và bài viết bị Facebook xử lý trong năm qua».
Hôm 2/12, Tổ chức Ân xá Quốc tế công bố báo cáo dài 78 trang, trong đó cáo buộc Facebook và Google đã thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc kiểm duyệt tiếng nói bất đồng để có thể được tiếp tục hoạt động tại thị trường tiềm năng này.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng, ngay ngày hôm sau lên tiếng bác bỏ báo cáo và nói rằng Việt Nam «hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi» cho các doanh nghiệp nước ngoài «trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam».
Trước đó, trả lời tại buổi điều trần ở Quốc hội Hoa Kỳ hôm 17/11, người sáng lập và là CEO của Facebook, ông Mark Zuckerberg, cũng nói rằng mạng xã hội này «không kiểm duyệt» mà chỉ «tuân thủ theo luật pháp địa phương của các quốc gia» mà họ hoạt động.
Trong khi đó, một số nguồn tin cho biết Facebook, Google đang chịu áp lực rất lớn tại Việt Nam. Hà Nội thậm chí đe dọa đóng cửa Facebook nếu tập đoàn này không tuân theo yêu cầu siết chặt hơn nữa việc kiểm duyệt các nội dung chính trị.
Tuy nhiên, theo văn bản mới công bố của Bộ TTTT, thì Hà Nội có vẻ vẫn «cân nhắc» với giải pháp mạnh tay, vì lý do «nếu áp dụng việc chặn triệt để sẽ gây phản ứng của dư luận trong nước do nước ta chưa có dịch vụ tương tự thay thế được Facebook, Google».
Trong những năm qua, bất chấp nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển mạng xã hội trong nước, cho tới nay, chỉ có vài trang mạng của Việt Nam có thể tồn tại và phát triển như Zalo với khoảng 60 triệu người dùng, kế đó là Mocha với 12 triệu thành viên, Gapo 6 triệu thành viên và Lotus 2,5 triệu thành viên, theo thống kê của Vietnamnet. Nhưng để các trang mạng này thay thế được Facebook và Google thì không thể ngày một ngày hai, theo nhận định của một số chuyên gia.
RIPVN | Hôm 30 tháng 10 năm 2020, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch -HRW) đã ra thông cáo đề nghị chính phủ Nhật Bản «ngay lập tức hủy bỏ các kế hoạch cung cấp hỗ trợ tài chính cho bộ Công An Việt Nam», vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của cơ quan này.
Thông cáo của HRW nêu rõ, hồi ngày 19 tháng 10 năm 2020, bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố khoản tài trợ 300 triệu Yen (2.84 triệu đô la Mỹ) cho bộ Công an Việt Nam để mua trang thiết bị chống khủng bố.
Theo Nhật, khoản tài trợ trên là để giúp «tăng cường các biện pháp chống khủng bố và giữ gìn trật tự công cộng», ổn định xã hội Việt Nam.
Tuy nhiên, theo lời của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Châu Á của HRW thì «cung cấp thiết bị cho Việt Nam dưới vỏ bọc chống khủng bố và bảo vệ trật tự công cộng sẽ chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công an Việt Nam đàn áp những người biểu tình ôn hòa một cách khốc liệt hơn», trong khi mà bộ Công An Việt Nam là đối tượng chủ yếu vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống, với các vụ tra tấn ngược đãi các nghi can hình sự, cũng như các nhà hoạt động nhân quyền.
Thông cáo của HRW cũng dẫn ra một số trường hợp nghi can hình sự hay tù chính trị, những người bị giam giữ chỉ vì thực hành hoặc đòi các quyền cơ bản một cách ôn hòa, đã bị công an Việt Nam tra tấn, ngược đãi trong những năm gần đây.
«Những người đóng thuế cho chính phủ Nhật Bản cần yêu cầu chính phủ mình đề cao các nguyên tắc nhân quyền trong các chương trình tài trợ nước ngoài, bắt đầu bằng việc hủy bỏ gói tài trợ này cho cơ quan cấp bộ của Việt Nam xâm phạm nhân quyền nặng nề nhất», ông Robertson nói trong thông cáo.
RIPVN | Các giám mục Công giáo La Mã ở Philippines đã kêu gọi chính phủ tăng cường các nỗ lực để bảo vệ quyền và phẩm giá của những người bản xứ đang phải hứng chịu các hành động cướp đất và phân biệt đối xử.
Trong một tuyên bố phát đi hồi ngày 6 tháng 10 năm 2020, Ủy ban Giám mục phụ trách các vấn đề Người bản địa kêu gọi chính phủ đưa ra công lý những trường hợp vi phạm luật người bản địa của Philippines.
«Sự phân biệt đối xử đối với người bản địa đã ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội Philippines. Sự bài trừ xã hội đã trở nên phổ biến, đến mức gây ra mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định xã hội, cũng như ảnh hưởng đến khả năng đạt được sự tiến bộ và ổn định kinh tế của đất nước,» tuyên bố trên khẳng định.
Các giám mục cho biết họ đã xem xét việc thực hiện một phần luật «mang tính bước ngoặt» được gọi là Đạo luật Quyền của Người bản địa, trong đó cấm chiếm đất của người bản địa kể từ năm 1997.
Luật này cho người bản xứ quyền đòi quyền sở hữu và sử dụng đối với những vùng đất mà họ đã chiếm giữ, chiếm hữu từ thời xa xưa.
Theo số liệu của chính phủ Philippines, nước này hiện có khoảng 14 đến 17 triệu người bản địa thuộc 110 nhóm ngôn ngữ dân tộc chủ yếu tập trung ở phía bắc Luzon và phía nam Mindanao.
Tuy nhiên, các giám mục nói rằng hàng triệu người bản địa phải chịu đựng các vụ chiếm đoạt đất đai từ các tập đoàn, trong khi các nhà lãnh đạo của các cộng đồng bản địa thì đang trở thành nạn nhân của những vụ giết người phi pháp.
«Chúng tôi nhận thức được những thực tế khắc nghiệt mà người bản địa phải gánh chịu, vốn chiếm 10 đến 20 phần trăm tổng dân số Philippines. Chúng tôi đau xót về sự coi thường đối với quyền của người bản địa đối với đất đai tổ tiên của họ và quyền nói không với các dự án phát triển làm xói mòn và phá vỡ cuộc sống, văn hóa và tâm linh của họ», bản thông cáo của các mục sư nói thêm.
Vào năm 2016, giáo sư địa lý người Canada William H. Holden đã thực hiện một nghiên cứu về khoa học môi trường và tác động của việc sử dụng khoa học môi trường đối với người dân bản địa của Philippines.
Holden kết luận rằng mặc dù Philippines giàu tài nguyên thiên nhiên, nhưng mô hình dựa trên khai thác đã mâu thuẫn với người bản địa của quốc gia này.
Holden nói: «Xung đột này đã kéo theo tranh chấp giữa ngành khai thác mỏ và người dân bản địa về giá trị thực thi của luật nhân quyền của người bản địa Philippines»
Các giám mục cũng nói rằng khai thác mỏ không phải là hoạt động duy nhất đe dọa quyền của người bản địa.
Họ nói: «Các dự án cơ sở hạ tầng được thực hiện một cách cưỡng bức mà không lắng nghe tiếng nói và mối quan tâm của người dân bản địa đều là các mối đe dọa đối với quyền của người bản địa Philippines».
RIPVN | Ngày 25 tháng 9 vừa qua, 64 nghị sĩ Quốc hội Châu Âu đã ký một bức thỉnh nguyện thư chung gửi ông Valdis Dombrovskis, Cao ủy Thương mại Liên minh Châu Âu (EU) và ông Josep Borrell Fontelles, Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại và là Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), đề nghị EU có những biện pháp gây sức ép lên Việt Nam về vấn đề nhân quyền.
Theo bức thư, mặc dù Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam đã được quốc hội hai bên thông qua và đi vào hiệu lực từ ngày 1 tháng 8 năm nay, nhưng tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam vẫn gia tăng trong năm 2020, ngay trước khi diễn ra Đại hội Đảng 13 vào tháng 1 năm 2021.
Bức thư có đoạn «Việc bắt giữ các blogger, và nhà báo, những người chỉ trích chính phủ thậm chí đã gia tăng trong năm 2020…. Ông chỉ là một trong nhiều người cất tiếng nói chỉ trích thường xuyên bị sách nhiễu, bắt bớ, truy tố theo các điều luật mập mờ như điều 109, 117 và 331 của Bộ Luật hình sự vốn đã bị Quốc hội Châu Âu và các quốc gia thuộc EU lên án trong phiên kiểm điểm định kỳ với Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ».
Các nghị sĩ Châu Âu đề nghị EU cần gia tăng đối thoại với Việt Nam về vấn đề nhân quyền, thiết lập cơ chế giám sát độc lập về nhân quyền đối với Việt Nam, và lập các Nhóm Tư vấn Nội địa, cảnh báo giới chức Việt Nam không nên can thiệp vào hoạt động của các nhóm này.
Ngoài ra, các nghị sĩ cũng kiến nghị một báo cáo gửi Quốc hội EU về vấn đề nhân quyền Việt Nam và nhắc nhở Việt Nam về điều khoản nhân quyền trong EVFTA và IPA mà theo đó EU có thể ngừng thực hiện các hiệp định nếu giới chức Việt Nam tiếp tục không có những cải thiện trong tình hình nhân quyền.
Hiện EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt hơn 56 tỷ dollar Mỹ, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt hơn 41 tỷ dollar Mỹ
Thông tin về các sắc dân bản địa ở Việt Nam: Khmer Krom, Cham, Dega: Rhade, Jrai, K'hor, Mnong, Stieng, etc.)