RIPVN | Một nhà thơ người Chăm mất tích 3 ngày sau khi bị công an mời lên làm việc
Đến tối ngày 10 tháng 4 gia đình và bạn bè của nhà thơ người Chăm – Đồng Chuông Tử, tên thật là Nguyễn Quốc Huy vẫn không liên lạc được với ông này sau hơn hai ngày bị công an đưa đi làm việc.
Theo thông tin từ bạn bè thì ông Huy vào trưa ngày 7 tháng 4 nhắn tin cho bạn bè biết ông bị công an thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đưa về làm việc không rõ lý do, và cũng không ai trong số người thân của ông được nhìn thấy nội dung của thư mời.
Vợ của ông Nguyễn Quốc Huy đang hái cà phê ở tỉnh Bình Phước cũng không hay biết gì về tin tức của chồng mình.
Một người bạn cho biết ông Đồng Chuông Tử làm thơ, viết báo và thời gian qua có kêu gọi hỗ trợ người dân nghèo, học sinh ở thị trấn Ma Lâm và xây dựng thư viện thiện nguyện cho người dân đến đọc sách.
Trong một bài đăng trên Facebook cá nhân hồi tháng 6 năm 2020, nhà thơ cho biết «sẽ tự ứng cử Đại biểu Quốc hội để chăm lo cho đồng bào Chăm của mình».
Theo ông dù biết sẽ chắc chắn là sẽ bị loại, nhưng nhìn thấy các đại biểu Quốc người bản địa chủ yếu «để làm kiểng» nên ông quyết định tự ứng cử.
Hồi ngày 17 tháng 02 năm 2020, một thanh niên người Chăm là Báo Anh Ty cũng đột ngột mất tích trên đường từ nhà ở Ninh Thuận vào Sài Gòn đi làm, đến 16 tháng 5 năm 2020, gia đình anh này nhận được lệnh báo của công an cho biết anh này chết tại đồn công an, nguyên nhân cái chết được phía công an khẳng định là bị bệnh.
RIPVN | Hôm 19 tháng 8 năm 2020, Ông Bá Trung Tướng cùng hai người con là Bá Văn Zet, Bá Văn Sỹ Liêm, trú tại thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận bị chính quyền huyện Thuận Nam bắt giam với cáo buộc «chống người thi hành công vụ».
Tuy nhiên, gần hai tháng trôi qua, cả ba người này vẫn chưa được đem ra xét xử và cũng như chưa biết được tương lai của mình như thế nào.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát Thuận Nam, cơ quan ban hành lệnh bắt này thì vào ngày 15 tháng 6 năm 2020, ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam và Hạt kiểm lâm huyện này đến cắm cờ tại vị trí mà chính quyền cho là «rừng nguyên sinh» thì bị gia đình ông Bá Trung Tướng chửi bới và đánh nhân viên kiểm lâm bị thương với tỷ lệ thương tật là 00% (không phần trăm), và làm hư hại tài sản của ban quản lý rừng là 216 ngàn đồng.
Như vậy, cũng theo công quyền Thuận Nam thì cả ba người này bị khởi tố «về tội Chống người thi hành công vụ», chiếu theo «khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự» của nhà cầm quyền Hà Nội, theo đó, 3 người này có khả năng phải lãnh án tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Liên quan đến vụ bắt bớ này, vợ của ông Bá Trung Tướng tường thuật với chúng tôi rằng, gia đình ông Bá Trung Tướng khai phá mảnh đất rừng từ những năm 1980 và canh tác trên phần đất này từ đó đến nay.
Đến khoảng năm 2018 – 2019, khi có các dự án điện gió, điện mặt trời ở Thuận Nam thì chính quyền địa phương bắt đầu sách nhiễu gia đình ông bà và cáo buộc gia đình này chiếm đất rừng.
Cũng theo vợ của ông Tướng, đến ngày 15 tháng 6 năm 2020, khi phát hiện có người lạ đến giăng lều bạt, tổ chức ăn nhậu trong phần đất rẫy của gia đình, ba cha con ông Tướng đã cắt dây lều và đuổi những người này đi, mặc dù có to tiếng qua lại nhưng không hề có ẩu đả, đến ngày 19 tháng 8 thì bị công an đến bắt với cáo buộc chống người thi hành công vụ.
Điều đáng nói ở đây, trong bài «Kiên quyết xử lý đối tượng lấn chiếm đất rừng, hành hung bảo vệ rừng» đăng trên trang «Nhân dân điện tử», cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam tối ngày 18 tháng 6 năm 2020 để phụ họa, định hướng dư luận buộc tội gia đình ông Bá Trung Tướng, cộng sản Việt Nam viết:
«Theo quy hoạch ba loại rừng của UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt tại Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày ngày 14-9-2007 và Quyết định số 199/QĐ-UBND ngày 28-6-2018, thì tại khu vực tiểu khu 204…»
Như vậy, chính họ khẳng định cái quy hoạch rừng của chính quyền tỉnh Ninh Thuận thực chất là quy hoạch trên rẫy của người dân.
Nhằm để phụ họa thêm cũng như đưa ra luận điểm bảo vệ hành vi cướp đất, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam còn đưa ra câu hỏi hết sức ngớ ngẫn là «Ông Bá Trung Tướng cho biết, đất do ông khai hoang từ năm 1984 và trồng ngô, chăn nuôi bò. Điều đáng nói là ông Tướng sinh năm 1974, vậy năm 1984, ông tròn 10 tuổi, với dụng cụ thô sơ, thử hỏi ông có thể khai hoang được diện tích rừng hơn 62 ha không.»
Chắc chắn là hồi năm 1984, ông Tướng, khi ấy 10 tuổi thì không thể khai hoang được điện tích đất này, tuy nhiên cha mẹ, anh em của ông Tướng thì sao, họ ở đâu, làm gì?
Ban đầu, chúng tôi cho rằng đây có thể là một trường hợp quan liêu của giới chức địa phương, muốn chiếm đoạt đất đai của người dân vì lợi ích cá nhân, tuy nhiên, khi cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam vào cuộc, cầm đầu hệ thống tuyên truyền, dùng các mánh khóe lươn lẹo để định hướng dư luận thì chắc chắn đây là một kế hoạch có tính hệ thống của nhà cầm quyền Việt Nam.
Những trường hợp chính quyền chiếm đất người dân không phải là hiếm, đương cử như vụ Thủ Thiêm, vụ Vườn rau Lộc Hưng hay vụ Đồng Tâm, những vụ mà người bị hại là người Việt và được các cơ quan, tổ chức của người Việt lên tiếng và cộng đồng quốc tế bên vực mà kết quả là ông Lê Đình Kình bị bắn chết ngay tại phòng ngủ của mình.
Đối với các trường hợp của những người bản địa như trường hợp của gia đình ông Bá Trung Tướng, người Chăm ở Ninh Thuận, trường hợp ông Huỳnh Văn Đẹp, người Khmer Krom ở Kiên Giang, những người thấp cổ bé họng, không có chỗ dựa thì không biết chính quyền cộng sản Hà Nội sẽ mạnh bạo đàn áp đến mức nào đây?
Rồi liệu sẽ có thêm một người bản địa nào đó sẽ bị bắn như ông Lê Đình Kình hay bị giết chết trong trại giam như chàng thanh niên Chăm Báo Anh Ty hay không?
Ông Rong Nay (bên trái) và ông Tan Dara (bên phải) là Phó Chủ tịch và Chủ tịch CIP-TVN, chụp tại Trụ sở LHQ năm 2016
RIPVN | Hội đồng các Dân tộc Bản địa Việt Nam ngày nay (The Council of Indigenous Peoples in Today’s Vietnam – CIPTVN) là tổ chức liên minh đấu tranh của các dân tộc bản địa tại Việt Nam được thành lập tại Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2012.
Hội đồng này đại diện cho những ai và được thành lập nhằm mục đích gì?
Kính mời quý vị nghe bài phỏng vấn giữa đài Phát thanh Dân bản địa Việt Nam với ông Nay Rong, Phó Chủ tịch Hội đồng các Dân tộc Bản địa tại Việt Nam ngày nay để tìm hiểu rõ hơn về Hội đồng.