Tag Archives: khmer krom

Một người bản địa bị bắt vì phổ biến lịch sử Kampuchea Krom

http://vi.ripvn.org/wp-content/uploads/2021/10/cong-an-tra-vinh-bat-nguoi-ban-dia-khmer-krom.mp3

RIPVN | Ông Thạch Rine, một người bản địa Khmer Krom ở xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, hôm 14 tháng 10 vừa qua đã bị công an huyện bắt giam với tội danh «lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân». 

Theo đó công an Trà Vinh cáo buộc ông Rine «xúc phạm chân dung lãnh tụ» do ông đăng tải hình ảnh chân dung của Hồ Chí Minh đã bị chỉnh sửa «có tính chất xúc phạm lãnh tụ».

Theo tìm hiểu của chúng tôi trên Facebook «Thach Rine» có đăng một ảnh động trong đó có gương mặt của một người đàn ông lớn tuổi, được người ta cho là Hồ Chí Minh, gương mặt này từ từ biến dạng thành một gương mặt xấu xí như mặt quỷ. 

Cũng công an Trà Vinh cáo buộc ông Rine đăng tải hình ảnh này là nhằm «tuyên truyền, xuyên tạc sai về lịch sử vùng đất Tây Nam bộ». 

Ông Thạch Rine, 61 tuổi, là một tín hữu Tin lành thuộc Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam, thường có các hoạt động thiện nguyện trong cộng đồng người Khmer Krom ở Trà Vinh. 

Hồi tháng 7 năm 2021, ông Rine cũng đã bị công an huyện bắt giữ, chiếm lấy điện thoại và ba chiếc áo thun, trong đó có một chiếc áo ghi 17 chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam có tham gia ký, một áo thun khác có in bản đồ Kampuchea Krom cùng với dòng chữ tiếng Khmer là «kỷ niệm 72 năm ngày Pháp giao vùng đất Khmer Krom cho Việt Nam».

Công an Trà Cú cũng cho biết thêm là họ có thu thập được tài liệu về việc ông Thạch Rine thường xuyên đăng tải, chia sẻ biểu tượng, tài liệu liên quan đến tổ chức phản động bên ngoài, tuy nhiên họ không đề cập là những tổ chức nào. 

Người Khmer Krom là người bản địa, chủ nhân của vùng đất Kampuchea Krom (mà ngày nay là Nam Bộ ở Việt Nam, kéo dài từ Đồng Nai – Vũng Tàu đến Cà Mau). 

Người Khmer Krom phần lớn theo Phật giáo Nguyên thủy, một số ít theo các hệ phái Tin Lành, cả Phật tử và Ki-tô hữu Khmer đều sống chan hòa, thờ Phật, kính Chúa và gìn giữ truyền thống văn hóa, ngôn ngữ dân tộc. 

Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam luôn tìm mọi biện pháp đồng hóa người Khmer Krom, cấm đoán việc dạy ngôn ngữ, chữ viết không theo định hướng của chính quyền, và liên tục bắt giam, đe dọa những người phổ biến văn hóa, lịch sử dân tộc, và lãnh thổ Kampuchea Krom.

Daneth

2 công nhân bị đánh chết vì nói tiếng Khmer ở Bình Dương

RIPVN | Hồi đêm 11 tháng 4 năm 2021, một nhóm nhân người Khmer Krom ở thị trấn Tân Uyên tỉnh Bình Dương đã bị một nhóm công nhân người Việt hành hung khiến 2 người chết và  1 người khác bị thương nặng.

Hai công nhân Khmer Krom bị đâm chết là Thạch Chiên (sinh năm 1998) và Thạch Chum Rơne (sinh năm 1996) là hai cậu cháu ruột, cùng quê ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. 

Theo thông tin của người nhà nạn nhân, sau khi đi hát karaoke về, nhóm công nhân Khmer Krom nói chuyện với nhau bằng tiếng Khmer thì bị nhóm 8 người Việt đánh và bị đâm khiến Thạch Chiên và Thạch Chum Rơne chết, và Kim Hồng Chương bị thương nặng.

Tin tức do báo chí nhà nước Việt Nam đưa thì hung thủ giết người tên Nguyễn Đức Thành, quê Kiên Giang,  đã bị bắt vào chiều 18 tháng 4 năm 2021. 

Trò chuyện với chúng tôi, K.T., một công nhân Khmer Krom chứng kiến vụ việc cho biết, đêm 11 tháng tư, khi ra khỏi phòng hát karaoke và nói chuyện với nhau bằng tiếng Khmer thì họ bị nhóm người Việt liếc nhìn với ánh mắt thù nghịch mà không hề biết lý do gì. 

Anh này chia sẽ: «Nhóm tụi em đi ăn liên hoan chia tay nhau để về quê ăn Chol Chhnam, trước khi ra về, nhóm em 4 người tụm lại nói chuyện thì có một nhóm người Việt vì không hiểu tụi em nói gì nên họ nghĩ nói xấu họ nên họ đến đánh và dùng dao đâm vào nhóm tụi em». 

Cũng đang làm việc tại Bình Dương , anh Sơn H., từng tốt nghiệp Cử nhân ngành Xã hội học, cho biết việc ẩu đả đến chết người là một trường hợp nghiệm trọng, tuy nhiên việc công nhân Khmer Krom bị công nhân người Việt gây gổ đánh đập không phải là chuyện hiếm. 

Đặt biệt, theo anh Sơn H., ở các quán nhậu hoặc các địa điểm ăn uống thường xảy ra các mâu thuẫn với lý do đơn giản là người Khmer Krom thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Khmer, trong khi đó các công nhân người Việt thì cho rằng nhóm người Khmer đang «nói xấu» hoặc «chửi rủa» mình.

Cũng trong sự kiện này, theo báo nhà nước, có 2 công nhân Khmer Krom khác là Thạch Tấn (sinh năm 2002), và Thạch Hiệp (sinh năm 2000) cũng bị Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ vì «hành vi gây rối trật tự». 

Liên quan đến vấn đề này anh Sơn H. nhận định cả Tấn và Hiệp là nạn nhân của hành vi bạo lực liên quan đến nạn kỳ thị sắc tộc ở Việt Nam và đáng lý phải được nhà nước bảo vệ chứ không phải bị bắt như tội phạm hình sự. 

Thạch Phirum

Văn phòng các tổ chức Khmer Krom tại Kampuchea bầu Chủ tịch nhiệm kỳ mới

RIPVN | Hôm 21 tháng 2 năm 2021, tại Phnom Penh, Văn phòng các tổ chức Khmer Kampuchea Krom tại Vương quốc Kampuchea (SKKKA) đã tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 8 và bầu chức danh Chủ tịch Văn phòng nhiệm kỳ 9.

Tại hội nghị, Ông Sambath Sia, Tổng thư ký Hội Ái hữu Khmer Kampuchea Krom (FKKKA) được bầu chọn giữ chức vụ luân phiên của SKKKA nhiệm kỳ 9, năm 2021-2022. 

Cũng trong buổi lễ Ông Sambath Sina thông báo 14 điểm quan trọng trong cương lĩnh hoạt động của nhiệm kỳ 9 với Hội nghị, trong đó có việc tăng cường hệ thống của SKKKA để cơ quan này hoạt động hiệu quả hơn và minh bạch hơn ; làm thế nào đó để cơ quan này không ảnh hưởng và không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động chính trị của Chính quyền Kampuchea ; tăng cường hợp tác và tiếp cận hơn nữa với các Đại sứ quán, Lãnh sự quán các nước tại Kampuchea để các quốc gia này công nhận vị thế của người Khmer Krom ; chuẩn bị các tài liệu, hồ sơ bảo hộ công dân Khmer Krom có thể sinh sống hợp pháp tại vương quốc Kampuchea ; tổ chức các hoạt động, sự liện liên quan tới Khmer Krom. 

Hội nghị đã biểu quyết ủng hộ cương lĩnh hoạt động của Tân Chủ tịch và tuyên bố nổ lực yểm trợ Chủ tịch để tạo lợi ích cho cộng đồng người Khmer Krom không chỉ trong Vương quốc Kampuchea mà còn trên lãnh thổ Kampuchea Krom và trên toàn thế giới. 

Cũng xin thông tin thêm rằng Văn phòng các tổ chức Khmer Krom tại Kampuchea là cơ quan liên hiệp của các Tổ chức, Hội đoàn Khmer Kampuchea Krom tại Kampuchea với thành viên là 11 Hội đoàn, và Tổ chức của người Khmer Krom hoạt động trên lĩnh vực Nhân quyền, Văn hóa, Giáo dục, Tôn giáo, Kinh tế, Phụ nữ, … 

Chức danh Chủ tịch của SKKKA thay đổi luân phiên hai năm một lần do đại diện của các tổ chức thành viên đảm nhiệm.

4 người Khmer Krom bị kết án tù vì bảo vệ đất đai

RIPVN | Hồi ngày 3 tháng 12 năm 2020, Tòa án huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang đã phạt tù 4 người bản địa Khmer Krom với cáo buộc «chống người thi hành công vụ» vì những người này đã can đảm chống lại cường hào để bảo vệ ruộng đất của mình hồi tháng 5 năm 2020 vừa qua.

4 người này là: ông Huỳnh Văn Đẹp (41 tuổi), ông Tiên Đam (28  tuổi), ông Tiên Nam (28 tuổi), và bà Thị Pich (64 tuổi), đều là người bản địa Khmer Krom sống tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang. 

Những người này đều bị cái gọi là «tòa án nhân dân» huyện Giang Thành phạt tù từ 2 năm 6 tháng cho đến 1 năm tù giam, riêng bà Thi Pích thì được «khoan hồng», cho hưởng 1 năm án treo, không bị giam giữ.

Cũng theo cái bản án mà nhà cầm quyền huyện Giang Thành tuyên bố thì 4 người này «đã có hành vi gây cản trở việc sử dụng đất đai của Ban quản lý khu bảo tồn loài – sinh cảnh Phú Mỹ». 

Cơ quan truyền thông của nhà nước Việt Nam còn đồng loạt dẫn lời tòa án rằng «Huỳnh Văn Đẹp, Tiên Đam, Tiên Nam, Thị Pích không chấp hành mà còn có hành vi chống đối lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, làm nhiều người bị thương». 

Tiếp xúc với chúng tôi, gần 50 người thuộc 145 gia đình người Khmer Krom có đất ruộng nằm trong cái gọi là «khu bảo tồn loài – sinh cảnh Phú Mỹ» cho rằng, bản án mà tòa án huyện Giang Thành tuyên thực chất chỉ là thủ đoạn lưu manh của nhà cầm quyền với mục đích đe dọa những ai dám bảo vệ đất đai của chính mình, trái với lợi ích của những kẻ có quyền lực.

Hồi tháng 5 vừa qua, trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông Danh Khá, một người có đất ruộng bị chính quyền cấm không cho canh tác khẳng định những người Khmer Krom có đất đai bị cưỡng chiếm tại ấp Trà Phọt xã Phú Mỹ huyện Giang Thành đều đã canh tác trên phần đất này từ những năm 1970, sau đó đến những năm 1980 thì có sự di cư của người Việt (từ miền Bắc) vào. 

Cũng theo những người này thì chính quyền huyện Giang Thành sử dụng hệ thống bạo lực (cảnh sát cơ động) và tòa án để ngang nhiên chiếm đoạt đất đai của họ để bán cho doanh nghiệp chăn nuôi thủy sản.

Ông Danh Khá khẳng định với chúng tôi rằng gần 40 năm canh tác, họ chưa bao giờ biết đến cái gọi là «khu bảo tồn loài – sinh cảnh» và ông cũng tin rằng sẽ không bao giờ có cái «khu bảo tồn» đó, có chăng là sự cướp đất từ những người bản đia Khmer Krom nghèo khổ để bán cho những công ty giàu có và để đổ đầy tiền vào túi các quan tham.

Trường hợp người Khmer Krom ở Giang Thành, Kiên Giang không phải là một trường hợp cá biệt, tại Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, 3 cha con thuộc một gia đình người Chăm là Bá Trung Tướng cùng hai người con là Bá Văn Zet, Bá Văn Sỹ Liêm vẫn đang bị giam giữ trong ngục tù hơn 4 tháng mà không được xét hỏi cũng với cái cáo buộc «chống người thi hành công vụ». 

Cũng như 4 người Khmer Krom này, 3 cha con ông Bá Trung Tướng bị bắt giam chỉ vì họ cố gắng bảo vệ đất ruộng vườn, bảo vệ kế sinh nhai của gia đình. 

Cũng như những người Khmer Krom ở Giang Thành, Kiên Giang, đất vườn của gia đình ông Tướng đột nhiên trở thành «đất rừng phòng hộ» để rồi nó sẽ được bán cho các nhà máy nhiệt điện và tiền sẽ lại được rót đầy vào túi các quan.

LỊCH SỬ DÂN TỘC KHMER | CHƯƠNG IV – FUNAN VÀ ANGKOR BOREI

Thông qua các sử liệu của người Tàu, «Funan» là tên vương quốc Khmer mà người nước ngoài biết đến đầu tiên trong lịch sử. Bởi lý đó nhiều người tin rằng, Funan chính là vương quốc đầu tiên của người Khmer. 

Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về sự thành lập và suy thoái của «Funan», và cái tên này có thực sự là tên người Khmer tự gọi Vương quốc của mình hay không?

Thật ra «Funan» không phải là vương quốc đầu tiên của người Khmer. Funan là tên quốc gia đầu tiên mà người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc đề cập đến.

Funan là quốc gia đầu tiên của người Khmer theo đạo Bà La Môn. 

Bà La Môn Kaundinya là người mang tôn giáo này đến lãnh thổ người Khmer. 

Có nguồn sử liệu cho rằng Bà La Môn Kaundinya có nguồn gốc từ Malaysia, mà thời bấy giờ được xem là một phần lãnh thổ của thế giới Ấn Độ. Tuy nhiên, theo truyền thuyết của người Khmer, Kaundinya là người có xuất thân từ Bán đảo Ấn Độ.

Dù vẫn chưa có sử liệu chính thức về nguyên quán của Ngài, nhưng khoảng năm 50 Tây Lịch, sau khi đánh bại nữ vương của người Khmer mà người Khmer gọi là «Yeay Liu». Bà La Môn Kaundinya lấy nữ vương làm Hoàng hậu và trở thành vị Nam Vương đầu tiên trong lịch sử của người Khmer.

Tất cả các sự kiện này được truyền thuyết hóa và được người Trung Quốc ghi chép lại trong các thư tịch cổ của họ. Sự kiện này cũng được người Chăm ghi lại trên các bia đá ở Mỹ Sơn thuộc Trung phần Việt Nam hiện nay. 

Cũng tiện đây, chúng tôi cũng xin thêm rằng, người Khmer thuộc nhóm Môn-Khmer (gốc từ Ấn Độ), người Chăm thuộc nhóm Nam Đảo (gốc Nam Dương, Mã Lai và cũng là hậu duệ của người Munda từ Ấn Độ). Dân của hai quốc gia Khmer và Chăm là hai dân tộc khác nhau, tuy nhiên giai cấp Vua chúa và Tăng lữ Bà La Môn là cùng một dân tộc, nói cùng một thứ ngôn ngữ là Sanskrit. Hơn nữa hoàng thân Khmer và hoàng thân Champa thời ban đầu lại có quan hệ huyết thống với nhau. 

Trở lại năm 245 Tây Lịch, một phái đoàn người Trung Hoa do Khang Thái (hay Khương Thái) (康泰) và Chu Ứng (朱應) đi sứ và ngao du đến vùng đất lãnh thổ của người Khmer và ở đấy cho đến năm 250.

Trong lần cư trú gần 5 năm này, Khương Thái có viết lại như sau: «Ban đầu, vương quốc Funan có một nữ vương tên là Yeliu (葉柳 – Việt đọc là Diệp Liễu). Ở Mofu nước Ấn Độ có một người tên là Huntian (混塡 – Việt đọc là Hỗn Điền), người này tôn sùng thần linh. Một đêm nọ Huntian nằm mơ thấy một người cầm cung tên đến và lệnh cho phải lên thuyền hướng ra biển. Sáng hôm sau Huntian đến đền quỳ lạy thần thánh thì tự nhiên thấy cung tên ở dưới gốc cây. Ông cũng tìm một chiếc thuyền và hướng ra biển. Vị Thần gió đẩy thuyền của Huntian đến lãnh thổ Funan. Nữ vương Yiliu thấy thuyền lạ tiến vào lãnh thổ thì một mình bà đuổi bắt chiếc thuyền lạ ấy. Huntian lấy cung tên ra bắn, một mũi tên bắn thủng thuyền của vị nữ vương. Nữ Vương xin hàng. Huntian trở thành vua của Funan».

Năm 658, vua Chăm tên «Prakāsadharma» cũng cho khắc trên bia đá trong Tháp Mỹ Sơn một câu chuyện có nội dung tương tự. Câu chuyện này được ông Louis Finot trong cuốn Les inscriptions de My son, dịch lại như sau:

«Sau khi có một giấc mơ như vậy, Bà La Môn Ấn Độ tên Kaundinya, rời khỏi Ấn Độ theo hướng ra biển và đi đến lãnh thổ của người Khmer. Vừa lên đến đất liền, Ngài liền ném ngọn giáo mà Đại Phạm Thiên Aśvatthāman, con trai của Guru Drona ban cho. Nơi mà ngọn giáo cắm xuống đất, Ngài bắt đầu cho xây dựng kinh đô của mình ở đấy. 

Sau đó, Ngài kết hôn với nữ vương của xứ Khmer tên là Sauma (tiếng Sanskrit nghĩa là Mặt Trăng) là con của Chúa Rồng (Bhujanganāga). Vị chúa rồng này hút nước để lộ một khoảng đất rộng để đôi vợ chồng lập nên vương quốc».

Nhiều nhà sử học có sự hoài nghi rằng tại sao hai câu chuyện về việc thành lập Vương quốc Funan lại không giống nhau. Kỳ thực, câu chuyện của Khương Thái kể chính là truyền thuyết về nguồn gốc của Funan, riêng câu truyện được vua Chăm khắc trên bia đá có pha trộn thêm một số chi tiết về sự hình thành vương quốc Kampuchéa của Bà La Môn Kampu. (Trong truyện này có chi tiết Chúa Rồng hút nước làm lộ một quảng đất lớn, xin xem chi tiết ở chương V Chenla hay Kampuchea.) 

Sở dĩ vua Chăm cho khắc trên bia đá câu truyện có nội dung như vậy là vì Mẫu thân của Ngài là người Khmer, Công chúa Sarāvavaṇṇī là con gái của Đức vua Kampuchéah Isāṇvarmann (ឥសាណវរ្ម័ន). Đức vua này có cha là người thuộc hoàng gia Kampuchéah và mẹ là người của hoàng tộc Funan.

Câu chuyện được khắc trên bia đá pha trộn hai câu chuyện để thấy rằng vua Chăm xuất thân từ 2 dòng hoàng tộc của người Khmer là dòng Kaundinya-Sauma và dòng Kampumeréah, tức vẫn là hậu duệ chính tông của hoàng gia Khmer. 

Theo vị trí địa lý thì vương quốc Funan nằm ở hạ nguồn sông Mekong, trãi dài từ Phnom Penh hiện nay đến biển Nam Trung Hoa. 

Trung tâm và là khởi nguồn của vương quốc Funan là vùng Kampuchea Krom, trước đây Pháp gọi là Cochinchine và hiện nay được gọi là Nam Bộ Việt Nam.

Trên lãnh thổ này, các vị vua,chúa Khmer cho đào hệ thống các kênh rạch dẫn nước dài hơn 200km phục vụ cho việc tưới tiêu nên ngành nông nghiệp ở đây phát triển hết sức rực rỡ.

Người Khmer Krom hiện nay chính là hậu duệ trực tiếp của sắc dân là chủ của vương quốc «Funan».

Thủ đô của vương quốc Funan là thành phố Angkor Borei, hiện nay nằm trên địa phận tỉnh Takeo như ông Chaude Jacques đã chứng minh trong quyển Le Pays Khmer avant Angkor, ấn bản tạo Paris năm 1986 chứ không phải là Vyadhapura (វ្យាធបុរៈ – nay thuộc huyện Ba Phnom tỉnh Prey Veng) như một số ý kiến trước đây.

Hơn nữa một số nhà nghiên cứu cho rằng Vyadhapura có nghĩa là «sợ săn bắn» cũng hoàn toàn không hợp lý. «Vyadha» trong tiếng Sanskrit có nghĩa là «bị đâm thủng bởi mũi tên». «Pura» có nghĩa là thành phố. Như vậy Vyadhapura có nghĩa là «Thành phố có sức mạnh của mũi tên». 

Cũng như vậy, Singapura có nghĩa là thành phố có nhiều sư tử mà là thành phố có mà là thành phố có sức mạnh, oai lực của sư tử.

Đặc điểm của vương quốc Khmer thời bấy giờ không phải là quốc gia đi theo chủ nghĩa hoà bình, mềm yếu, không khiến các quốc gia khác liên kết hoà bình mà ngược lại khiến các quốc gia khác phải sợ hãi, thuần phục. Chính sách mà Vương quốc Khmer thời bấy giờ theo đuổi, nếu dùng thuật ngữ hiện đại gọi là «Chính sách răng đe» (Politique de dissuasion), tức là mạnh và đánh trước để kẻ thù có ý định xâm lược mình.

Vương quốc Funan là vương quốc hùng mạnh nhất trong các tiểu vương quốc khác của người Khmer. Quốc vương Funan là Đại quốc vương, là người có tầm ảnh hưởng là là thống lĩnh của quốc vương các tiểu quốc khác của người Khmer khác, như vương quốc «Zhenla»  chẳng hạn.

Vì là Vương quốc hùng mạnh nhất trong các vương quốc của người Khmer, Funan cũng là đại diện cho tất cả các quốc gia khác của người Khmer thực hiện các vấn đề về đối ngoại, bởi các nước chư hầu hoặc lệ thuộc không có quyền thực hiện các nghi thức ban giao với nước ngoài. 

Chính vì thế, ở thời điểm Khương Thái đi sứ đến xứ Khmer, Funan là quốc gia duy nhất của người Khmer có quan hệ ban giao với Trung Hoa cũng như một số quốc gia khác ở Ấn Độ. 

Năm 503, Hoàng đế Trung Quốc tấn phong cho Quốc vương Funan Kaundinya Jayavarman chức Đại Tướng.

Về đặc điểm dân cư ở đây, Khang Thái viết rằng: «Người xứ này có hình dạng xấu xí, tóc xoăn, nam giới thì ở trần. Người ta không biết trộm cắp. Chén dĩa đựng đồ ăn toàn làm bằng bạc. Người ta biết lấy vàng bạc, ngọc trai, mã não và nước hoa làm lễ vật đóng thuế. Người ta có sách và có thư viện lưu trữ các tài liệu của họ, …» 

Một số người thấy Khang Thái viết rằng người Khmer « ở trần»  và trong khi chép của ông này cũng có đề cập đến từ «man di», hiểu lầm rằng sứ thần Trung Hoa này đánh giá thấp về người Khmer và cho rằng người Khmer thời bấy giờ còn kém phát triển, chưa đạt đến trình độ văn minh. 

Tuy nhiên, hầu như trong tất cả các tài liệu cổ của mình, người Trung Hoa luôn gọi các dân tộc khác là «người man» (di), điều này không phải để đánh giá mà chỉ cốt để đề cao dân tộc Trung Hoa của họ. 

Đối với vua chúa Trung Hoa thì mọi người dân đều là «nan di», và đối với người Trung Hoa, tất cả các dân tộc khác, bao gồm Khmer, Mongol, Nhật Bản, Việt, (mà không phải là người Hán)… tất cả đều là «Man di», «dị chủng»  cả.

Người Khmer «ở trần» là không mặc áo chứ không phải là không mặc gì cả, và ghi chép này của Khang Thái là hoàn toàn đúng bởi đặc điểm văn hóa này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ngày nay, nam giới người Khmer vẫn còn giữ thói quen cởi trần (và quấn xà rông hoặc mặc quần ngắn) khi ở nhà.

Việc người Khmer ở thời kỳ này biết dùng chén bát bằng bạc, biết đen vàng, dầu thơm để đóng thuế, và đặc biệt là có sách ghi chép lịch sử và thư viện chứng tỏ người Khmer ở «vương quốc Funan» đã phát triển đến một trình độ hết sức cao trong nghề luyện kim và nghệ thuật.

Vị Đại đế cuối cùng của vương triều Funan là Rudravarman (Rutreah Varman – រុទ្រ​វរ្ម័ន) là con của Jayavarman Kaundinya nhưng không phải con của Hoàng hậu Hoàng Hậu Kulaprabhāvatī (កុល​ប្រភាវតី – Kolah Propheaveahtey.

Rudravarman lên ngôi sau khi giết thái tử Guṇṇavarman (គុណ្ណ​វរ្ម័ន – Kunna Varman) là anh em cùng cha và là con ruột của Hoàng hậu Kulaprabhāvatī. 

Vua Rudravarman theo tôn giáo Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna) và là vị vua đầu tiên của người Khmer lấy Phật giáo làm quốc giáo.

Tất cả các sự kiện này làm cho đất nước Khmer có nhiều chuyển hết sức quan trọng.

Rudravarman lên ngôi vào năm 545 (Tây Lịch) cũng là năm Ngài đón tiếp đoàn đi sứ của người Trung Hoa đến xin Khmer hỗ trợ dịch thuật kinh tạng Phật giáo. Ngài nhập lời thỉnh cầu của Trung Hoa và thỉnh Đại đức Guṇratanā (គុណ​រតនា – Kun Ratana, tức Ân Bảo hay Ân Bửu ), là nhà sư có gốc từ Ấn Độ để đến Trung Hoa dịch kinh sách theo thỉnh cầu của họ.

Vua Rudravarman không có con trai nối ngôi. Dòng dõi của Thái tử Guṇṇavarman lại có ý đồ chiếm lại vương quyền.

Vua Bhavavarman (ភេវវរ្ម័ន – Pheaveah Varman), quốc vương vương quốc «Zhenla» (Chân Lạp) thời bấy giờ là cháu ngoại của Rudravarman, cũng muốn giành quyền nối ngôi vua Funan thay ông ngoại mình. Vua Bhavavarman của Zhenla xua quân đánh chiếm vương quốc Funan. 

Sau khi vua Bhavavarman băng hà, Tướng Citttrāsenā (ចិត្ត្រា​សេនា – Chettrasena) là em họ của ông nối ngôi vua lấy hiệu là Mahendravarman (មហិន្ទ្រ​វរ្ម័ន – Mohentreah Varman) tiếp tục công cuộc chinh phạt Funan. 

Tiếp sau đó là vua Isāṇavarman (ឥសាណ​វរ្ម័ន – Isan Varman) là con của vua Mahendravarman đã hoàn thành cuộc chinh phạt Funan, chiếm được thủ đô Angkor Borei (nay thuộc tỉnh Takéo, vương quốc Campuchia) vào năm 630 Tây lịch. 

Vương quốc Funan được sát nhập vào lãnh thổ vương quốc «Zhenla» (tức Kampuchea), mất đi vai trò là Đại vương quốc mà trở thành một quốc gia chư hầu của đế chế Khmer, cũng kể từ đó, văn bản Trung Hoa không còn nhắc tới tên vương quốc Funan, hay Phù Nam này nữa. 

Về tên gọi vương quốc Funan

Theo Giáo sư S. Cœdès, «Funan có nguồn gốc từ chữ Phnom (ភ្នំ – núi) hay Vnom (វ្នំ) và vương quốc Khmer thời bấy giờ có tên là Nagara Phnom (នគរ​ភ្នំ – Nokor Phnom, Vương quốc Núi). Cũng theo Giáo sư S. Cœdès Thủ đô của vương quốc Khmer này nằm ở nơi mà ngày nay là huyện Ba Phnom, gần Banam, tỉnh Prey Veng là tên của một ngon núi. Vì vương quốc có thủ đô là núi, nên gọi là «Vương quốc Núi»

Quốc vương của nước này là một «Śailēndra» (សៃលិន្ទ្រ –Sai Lin ) tức là «Chúa Núi». 

«Śailēndra»  là chúa tể của của núi hoặc núi lớn nhất trong các núi chứ không phải là vị chúa tể của một tộc người sống trên núi. 

Vua của một số vương quốc ở Nam Ấn, Indonesia (Nam Dương), đảo Sumatra, đảo Java đều là các «Śailēndra», điểm đáng lưu ý là các quốc gia này hoàn toàn không có nhiều đồi núi mà ngược lại là những dãy đồng bằng ven biển.

Trở lại lập luận cho rằng Ba Phnom có nghĩa là núi như ông Cœdès từng phân tích.

Yếu tố «Ba» trong các tên gọi ở đây không có ý nghĩa là «Núi», «Ba» có nghĩa là «Cha» do người Khmer có truyền thống tôn thờ «Me – Ba» tức mẹ-cha. Người Khmer đặt tên sông, nước là «me» (ví dụ như Mekong), đặt tên núi là «ba», ví dụ như «Banam» đọc trại từ  «Ba Norm» (បា​នាំ – Cha dẫn) tức là «Vị cha dẫn dắt dân tộc., «Ba Thae»  (បា​ថែ – Cha bảo vệ, người Việt đọc chệch thành Núi Ba Thê), «Ba Deang»  (បាដែង – Cha Mạnh mẽ, người Việt cố ý gọi chệch là núi Bà Đen).

Như đã đề cập ở các kỳ trước, người Khmer có nguồn gốc tổ tiên từ Ấn Độ và Bà La Môn Kaundinya, vị vua nam đầu tiên của Vương quốc Khmer được biết đến cũng là người gốc Ấn.

Khi trở thành Quốc vương của người Khmer, ông cho xây dựng xã hội Khmer theo khuôn mẫu sao chép từ xã hội của Ấn Độ thời bấy giờ. Và theo đó, rất có thể người Khmer (cũng như người Ấn Độ thời đó) đã lấy tên quốc gia của mình theo tên của vị Quốc vương hoặc tên của Thành phố mà Quốc vương sống.

Marilia Albansése viết trong cuốn Angkor, Splendeurs de l’art khmer rằng, «Các văn tự trên bia cổ của người Khmer không đề cập đến tên Funan hay Zhenla gì cả. Họ lấy tên Thủ đô đặt tên cho Vương quốc của mình».

Như vậy, «Funan» không phải là tên của quốc vương, tên thủ đô hay tên của một vương quốc của người Khmer. 

Giả thuyết cho rằng «Nokor Phnom» (Vương quốc Núi) được Tàu đọc chệch là «Funan»  hoàn toàn không hợp lý. 

Thực vậy, «Funan»  (扶南,  Việt đọc là Phù Nam) chỉ đơn thuần là một cái tên gọi mà người Tàu dùng để gọi vùng đất này với nghĩa là «Vùng đất ở phía Nam».

Vấn đề đề người Tàu đặt tên cho một vùng đất nào đó không phải là một hiện tượng lạ, họ có thói quen đặt tên Tàu cho nhiều địa danh trên thế giới, mà nếu trường hợp tương tự như «Funan» có thể kể đến vương quốc «Fusang» (扶桑, Việt đọc là Phù Tang, tức đất nước Nhật Bản ngày nay). 

Vậy vương quốc của người Khmer mà người Tàu gọi là «Funan»  thực chất có tên gọi là gì? 

Như đã trình bày ở trên, thủ đô của vương quốc này là thành phố Angkor Borei. Vương quốc Khmer mà người nước ngoài biết đến đầu tiên nhất, và người Tàu gọi là «Funan»  được người Khmer gọi với cái tên chính thức là là Vương quốc Angkor Borei (Nokor Angkor Borei).

Công an mời làm việc 2 lần và dọa bắt bỏ tù một thanh niên Khmer Krom

http://vi.ripvn.org/wp-content/uploads/2020/10/mot-cong-nhan-khmer-krom-bi-de-doa-bat-giam.mp3

RIPVN | Dương Phúc, một thanh niên Khmer Krom quê Sóc Trăng hiện đang là công nhân tại khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, vừa bị công an xã Sông Trầu mời «làm việc» trong 2 ngày 20 và 23 tháng 10 năm 2020 và bị đe dọa bắt giam. 

Theo anh Phúc việc mời và đe dọa của công an xã Sông Trầu nhằm mục đích sách nhiễu và làm suy yếu tinh thần sau khi anh trai của anh, ông Dương Khải hồi ngày 17 tháng 7 năm 2020 vừa qua đã đại diện 200 công nhân Khmer Krom tại khu công nghiệp này gửi kiến nghị thư yêu cầu Bộ Lao động Việt Nam can thiệp việc công an địa phương và quản lý một công ty tại khu công nghiệp này kỳ thị người Khmer Krom. 

Trong đơn yêu cầu do ông Dương Khải và nhiều công nhân Khmer Krom khác ký tên và lăn dấu tay nhắc đến trường hợp một công nhân Khmer Krom quê Kiên Giang tên Danh Việt Trung bị công an xã Sông Trầu và dân quân tự vệ đánh một cách vô cớ ; cũng như tường trình về việc cán bộ phòng tuyển dụng của công ty Sanlim tuyên bố «(công nhân) dân tộc nào cũng nhận, nhưng Khmer thì không nhận (vào làm)». 

Cũng theo nội dung đơn này thì nguyện vọng của các công nhân Khmer Krom là «Xin Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết cho chúng tôi được bình đẳng công việc làm và cuộc sống ấm no hơn».

Tuy nhiên, ngay sau đó ông Dương Khải liên tiếp bị công an huyện Trảng Bom mời làm việc nhiều lần và Dương Khải bị cáo buộc là «nghe theo chỉ đạo từ nước ngoài viết đơn yêu cầu nhằm mục đích gây bất ổn». 

Ông Khải khẳng định việc gửi đơn yêu cầu đến Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Việt Nam là nhằm mục đích tìm kiếm sự ổn định việc làm và sự bình đẳng trong cuộc sống. 

Hai anh em ông Khải và Phúc cho biết hiện tại công nhân người Khmer Krom tại khu công nghiệp Bàu Xéo không được hưởng đầy đủ quyền lợi như công nhân người Việt và thường xuyên xảy ra mâu thuẫn giữa công nhân người Việt và công nhân người Khmer và chính quyền (cụ thể là công an xã Sông Cầu) thì luôn cáo buộc là công nhân Khmer bị xúi dục để gây bất ổn. 

Cũng xin thông tin thêm rằng, theo nguồn tin của Văn phòng các Hội – Đoàn Khmer Kampuchea Krom tại Campuchia thì trong năm 2020, có ít nhất hơn 10 trường hợp thanh niên Khmer Krom bị chính quyền Việt Nam «mời làm việc» với các cáo buộc khác nhau. 

Tuy nhiên theo các hội đoàn Khmer Kampuchea Krom thì đó là sự sách nhiễu nhằm cấm đoán mọi hình thức phản đối, dù là ôn hòa nhất, với những bất công mà người Khmer Krom đang phải từng ngày gánh chịu.