Tag Archives: công an

Công an đàn áp, bắt giam 10 tín đồ Tin Lành Tây Nguyên

RIPVN | Mới đây, có 10 người bản địa đã bị công an bắt trong một vụ đàn áp tôn giáo tại tỉnh Đắk Lắk.

Các video clip và hình ảnh được đăng tải lên mạng xã hội của một người dùng tên Y Quynh Dap  thì hồi 16 tháng 7 vừa qua, tại một số buôn làng trong tỉnh Đắk Lắk, công an đã tiến hành các cuộc đàn áp những người Montagnards theo đạo Tin Lành, kết quả là có 10 người tại 3 buôn đã bị bắt.

Theo đó, hàng trăm công an đã đến một số buôn người Montagnards thuộc các huyện Krông Buk, Buôn Đôn và cả thành phố Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk để «lục soát nhà ở, áp giải các lãnh đạo và tín đồ thuộc Hội Thánh Tư Gia Độc Lập».

«Hội Thánh Tư Gia Độc Lập»  là một hệ phái Tin Lành không nằm trong hệ thống tôn giáo được chính quyền cộng sản Việt Nam chấp thuận cho hoạt động và cũng như không chịu sự chỉ huy, hay phục vụ theo các nhu cầu chính trị của nhà nước.

Trong đợt bố ráp này, có năm người ở buôn Dhiă, xã Cu Ne, huyện Krong Buk bị bắt, tên là Y Kheng Kpă (sinh năm 1990), H Lisa Niê (sinh năm 2000), H Lana Niê (sinh năm 2006), Y Roet Mlo, và Y Sak Mlo.

Buôn Cuôr Knia 3, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn có ba người bị bắt là Y Kreč Bya (sinh năm 1978), Yuăn Byă (sinh năm 1966) và Y Et Byă (sinh năm 1992).

Tại đây, công an đã lục soát và chiếm lấy điện thoại, tiền (7 triệu đồng của ông Y Krec Bya) và rất nhiều sách của Giáo Hội.

Còn tại buôn Ako Mlieo, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột thì công an đã bắt hai người là Y Čoi Bkrong (sinh năm 1975) và Y Nguyêt Bkrong (sinh năm 1985).

Tuy nhiên, cũng theo Facebooker Y Quynh Dap công an không thể b​ắt được thầy truyền đạo Ykhen Bdap do thầy được người dân bảo vệ, kháng cự lại công an hết sức dữ dội. 

Trong bản phúc trình thường niên gửi chính phủ và Quốc Hội hồi ngày 21 tháng 4 năm 2021, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) vẫn xếp Việt Nam là một trong 14 quốc gia trên thế giới vào danh sách «Các nước cần quan tâm đặc biệt» (CPC) vì tình trạng đàn áp quyền tự do tôn giáo. 

Hồng Ngọc

Nhà thơ người Chăm bị công an mời «làm việc» rồi mất tích

RIPVN | Một nhà thơ người Chăm mất tích 3 ngày sau khi bị công an mời lên làm việc

Đến tối ngày 10 tháng 4 gia đình và bạn bè của nhà thơ người Chăm – Đồng Chuông Tử, tên thật là Nguyễn Quốc Huy vẫn không liên lạc được với ông này sau hơn hai ngày bị công an đưa đi làm việc.

Theo thông tin từ bạn bè thì ông Huy vào trưa ngày 7 tháng 4 nhắn tin cho bạn bè biết ông bị công an thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đưa về làm việc không rõ lý do, và cũng không ai trong số người thân của ông được nhìn thấy nội dung của thư mời. 

Vợ của ông Nguyễn Quốc Huy đang hái cà phê ở tỉnh Bình Phước cũng không hay biết gì về tin tức của chồng mình.

Một người bạn cho biết ông Đồng Chuông Tử làm thơ, viết báo và thời gian qua có kêu gọi hỗ trợ người dân nghèo, học sinh ở thị trấn Ma Lâm và xây dựng thư viện thiện nguyện cho người dân đến đọc sách.

Trong một bài đăng trên Facebook cá nhân hồi tháng 6 năm 2020, nhà thơ cho biết «sẽ tự ứng cử Đại biểu Quốc hội để chăm lo cho đồng bào Chăm của mình». 

Theo ông dù biết sẽ chắc chắn là sẽ bị loại, nhưng nhìn thấy các đại biểu Quốc người bản địa chủ yếu «để làm kiểng» nên ông quyết định tự ứng cử.

Hồi ngày 17 tháng 02 năm 2020, một thanh niên người Chăm là Báo Anh Ty cũng đột ngột mất tích trên đường từ nhà ở Ninh Thuận vào Sài Gòn đi làm, đến 16 tháng 5 năm 2020, gia đình anh này nhận được lệnh báo của công an cho biết anh này chết tại đồn công an, nguyên nhân cái chết được phía công an khẳng định là bị bệnh. 

Bị sách nhiễu vì in áo thun có chữ «Khmer Krom»

Thượng tá công an Võ Văn Liệt trong một đợt đi tuyên truyền về cái gọi là «bảo vệ an ninh tổ quốc»

RIPVN | Một chủ cơ sở in áo thun ở tỉnh Trà Vinh liên tục bị công an sách nhiễu, doạ nạt vì nhận in áo thun có dòng chữ «Khmer Krom Chào mừng Quốc tế Phụ nữ 8 /3» bằng chữ Khmer. 

Kể từ đầu tháng 3 năm 2021 đến nay, anh Thạch Sang, một người Khmer Krom ở xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, là chủ cơ sở in ấn liên tục bị công an xã, huyện sách nhiễu và đe doạ. 

Anh Sang cho biết, hồi ngày 4 tháng 3 năm 2021, lợi dụng lúc anh đi quay phim thuê ở ngoài, một toán công an do phó trưởng công an huyện Cầu Kè Võ Văn Liệt đi đầu, đã đến nhà anh và «tịch thu» 18 chiếc áo thun được khách hàng đặt in để mặc dịp Quốc tế phụ nữ 8 tháng 3. 

Vị đại diện công quyền này cho biết công an tịch thu áo vì có in chữ «Khmer Krom» là cụm từ bị cấm ở Việt Nam do mang hàm ý phân biệt dân tộc. 

Sau đó, anh liên tục nhận được «giấy mời» từ công xã, huyện để làm việc xung quanh việc anh in áo có chữ «Khmer Krom», cũng như điều tra về khách hàng đặt in áo.

Liên tục sau đó cho đến gần đây nhất là ngày 29 tháng 3 năm 2021, anh Thạch Sang nhận được giấy mời đến cơ quan công an để «làm việc», cũng như phải đón tiếp các cuộc «kiểm tra» của chính quyền địa phương liên quan đến các vấn đề như «giấy phép kinh doanh», «an toàn lao động», …

Không những thế, các chức sắc địa phương còn đe doạ anh Sang phải xoá bỏ tất các các hình ảnh, bài viết, video mà anh này đã đăng trên mạng xã hội Facebook liên quan đến các đợt sách nhiễu của công an.

Về phần mình, anh Sang khẳng định bản thân luôn chấp hành đúng pháp luật nhà nước và các quy định của chính quyền sở tại và không chính quyền địa phương phải chấm dứt việc hạch sách vô cớ này. 

Thạch Tha