Hoàn toàn trái ngược với các lý thuyết đã đưa ra gần một thế kỷ qua, vương quốc Champa không những bao gồm các phần đất nằm ở ven biển của miền trung Việt Nam hiện nay mà kể cả dãy Trường Sơn (Cordillère Annamitique) và vùng cao nguyên tiếp nối với nó. Dựa vào yếu tố địa dư này, người ta đưa ra kết luận rằng dân cư Champa kết hợp không những người dân sinh sống ở vùng đồng bằng mà bao gồm cả dân cư của vùng cao nguyên, thường gọi là người Thượng (Montagnard) hay là người bản xứ Đông Dương (Proto-Indochinois). Chính vì thế, vương quốc Champa không phải là đất nước riêng tư của người Chăm mà là một quốc gia đa chủng gồm cả dân tộc Tây Nguyên, trong đó mỗi sắc dân thường đóng một vai trò riêng biệt trong tiến trình lịch sử của vương quốc này mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần dưới đây.
Nguồn gốc
Vào đầu kỷ nguyên của Tây Lịch, người ta không biết nhiều về nguồn gốc dân cư sống trong lãnh thổ xưa kia của Champa. Các bản văn Trung Hoa được xem như là nguồn sử liệu duy nhất chỉ nói một cách sơ lược liên quan đến dân tộc sinh sống trong khu vực nằm giữa Hoành Sơn (Porte d’Annam) và đèo Hải Vân. Theo tài liệu này, đây là khu vực nằm về phía nam của biên giới Trung Hoa mà dân cư bao gồm một số người Trung Hoa nhập cư và đa số còn lại chiếm phần quan trọng là dân bản địa ở vùng ven biển và trên cao nguyên có cuộc sống rất gần gũi với nhau. Theo tác phẩm Jinshu (Tấn thư – RIPVN) (trang 57, 4b. Bản dịch tiếng Pháp của Paul Pelliot), «các người bản địa này cấu thành từng nhóm biết hỗ trợ lẫn nhau». Hơn nữa các tài liệu trên gọi họ là dân tộc «man rợ» (barbare), vì rằng đối với tác giả Trung Hoa thời đó, tất cả những ai không phải là người Trung Hoa hay không mang sắc thái của nền văn minh Trung Hoa đều bị gán cho cụm từ là «người man rợ». Tài liệu trên cũng qui luôn cả người Khu Liên (Qū Lián) vào nhóm «man rợ» này, một thuật ngữ để ám chỉ cho tộc người có nước da rám nắng.
Riêng về dân tộc sinh sống trên lãnh thổ nằm về phía nam của núi Bạch Mã (Huế), một số tài liệu khảo cổ đã nêu ra vài chi tiết khá rõ ràng hơn. Theo tài liệu này, các hài cốt dưới thời thượng cổ được tìm thấy trên Tây Nguyên nằm về phía tây của dãy Trường Sơn là những hài cốt của người bản địa Mã Lai (Protomalais) có sọ đầu dài (dolichocéphales) với thân hình vạm vỡ. Ngay từ thời kỳ đá mới (néolithique), họ là dân bản địa Đông Dương (Proto-Indochinois) duy nhất đã từng làm chủ khu vực Tây
Nguyên và tồn tại cho đến giữa thế kỷ XX. Bên cạnh đó, người ta cũng tìm thấy các hài cốt ở vùng ven biển có nguồn gốc nằm trong thành phần dân bản địa Mã Lai (Protomalais) có đầu dài và di trú đến Champa đợt thứ hai nhưng lại pha trộn với một số yếu tố của chủng tộc Mông Cổ do các người nhập cư gốc Trung Hoa mang đến.
Vào thời kỳ đá mới (néolithique), sau khi tiếp thu nhiều nguồn văn minh của thời tiền sử vào đầu kỷ nguyên Tây Lịch, những người bản địa Mã Lai (Protomalais) này đã trở thành một tập thể chủng tộc mà người Âu Châu thường dùng thuật ngữ Việt Nam để gán cho họ là người Chăm, trong khi đó cụm từ «Chăm» hoàn toàn bị lãng quên trong
ngôn ngữ của dân tộc Tây Nguyên và cũng không bao giờ xuất hiện trong các bia ký hay trong các bản văn xưa viết bằng tay tại vương quốc Champa. Cụm từ thường sử dụng để ám chỉ cho thần dân của vương quốc Champa xưa kia là Urang Champa (urang = người, cá nhân) chứ không phải là Urang Cham tức là người Chăm như một số nhà khoa học thường hiểu lầm. Hơn một thế kỷ qua, cũng vì việc sử : dụng từ «Chăm» là cách nuốt âm (apocope) của từ «Champa» để ám chỉ một sắc dân cư ngụ từ xưa tại vùng duyên hải Champa đã trở thành một thông lệ, thành ra người ta tiếp tục dùng từ «Chăm» này với ý nghĩa mang tính đặc trưng để ám chỉ chung những gì thuộc về Champa, không nhất thiết thuộc về dân tộc Chăm hôm nay.
Ngôn ngữ
Các dữ kiện khảo cổ học cho rằng những dân cư bản địa Mã Lai (Protomalais) có mặt trên lãnh thổ Champa xưa kia đã sử dụng một hay nhiều ngôn ngữ thuộc gia đình Mã Lai Đa Đảo (proto-malayo polynésienne). Qua các tiến trình phát triển, ngôn ngữ này đã biến thành một ngữ hệ mới trong đó có tiếng Chăm (được sử dụng bởi người Chăm sinh sống tại các vùng đồng bằng) và các thổ ngữ cùng chung một nguồn gốc với tiếng Chăm, như tiếng Jarai, Êđê, Churu, Raglai, Hroi, được sử dụng bởi các dân cư của vùng cao thuộc miền trung-bắc của bán đảo Đông Dương.
Tiếng Chăm đã có mặt tại vương quốc Champa vào thế kỷ thứ IV. Xưa kia, tiếng Chăm là ngôn ngữ được lưu hành từ Hoành Sơn đến vùng Biên Hòa. Nhưng hôm nay, ngôn ngữ Chăm chỉ còn lưu hành tại các thôn ấp người Chăm trong hai tỉnh Ninh thuận và Bình Thuận cũng như tại Phnom Penh và chung quanh tỉnh Kampot củaKampuchea. Tiếng Chăm thuộc gia đình ngôn ngữ Mã Lai Đa Đảo (austronésien), mặc dù chứa đựng một số yếu tố thuộc hệ ngôn ngữ Châu Á Ngữ (austo asiatique). Ngôn ngữ Chăm đã phát triển theo một đà tiến hóa rõ ràng, đặc biệt nhất là sự xuất hiện các phụ âm phát từ trước cổ họng (préglottalisé) và việc vay mượn nhiều từ của Phạn ngữ (Sanskrit), Việt ngữ và tiếng Khmer, để rồi hôm nay tiếng Chăm không gần gũi với tiếng Mã Lai như xưa kia nữa.
Ngôn ngữ Chăm xuất hiện lần đầu tiên trên một bia ký (thế kỷ thứ IV) viết bằng tiếng Chăm cổ đại (vieux cham) được phát hiện gần Trà Kiệu trong tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng hiện nay (G. Coedès, «La plus ancienne Inscription en langue chame» trong New Indian Antiquary, Extra Series I, 1939, trg. 46-49). Chữ viết của tấm bia này phát sinh từ chữ viết Devanagari của Ấn Độ mà Vương quốc Champa thường dùng để khắc trên các bia đá song song với tiếng Phạn cho đến thế kỷ thứ XV, tức là niên đại đánh dấu cho sự biến mất hoàn toàn tiếng Chăm cổ đại để thay thế vào đó chữ Chăm trung đại (Cham moyen) và sau là chữ Chăm cận đại (Cham moderne) tập trung bốn dạng khác nhau gọi là: akhar rik, akhar yok, akhar tuel và akhar srah (tức chữ viết phổ thông). Chữ Chăm cận đại thường được sử dụng trước tiên trên mặt lá buông (olles) sau đó trên giấy (P.B. Lafont, Po Dharma và Nara Vija, Catalogue des manuscrits cam des bibliothèques francaises, Paris, Publications de l’École Française d’Extrême-Orient, vol CXỊV, 1977, trg. 2, 6-8 và sách cổ Chăm mang ký hiệu CM 23-2). Tại Việt Nam hôm nay, ngôn ngữ viết (langue écrite) và ngôn ngữ nói (langue parlée) của người Chăm có nhiều sự khác biệt đáng kể. Ngôn ngữ viết Chăm đã trải qua nhiều tiến trình phát triển nhưng còn giữ nguyên những yếu tố cơ bản rất gần gũi với hệ nguyên thủy của ngôn ngữ Mã Lai Đa Đảo trong khi đó ngôn ngữ nói của dân tộc này thì bị đơn tiết hóa (monosyllabisme) qua các cuộc tiếp xúc với tiếng Việt mà người Chăm đã học trong các trường lớp và sử dụng nó như tiếng phổ thông hằng ngày. Tại Campuchia, tiếng nói và chữ viết mà người Chăm đang sử dụng đã chịu ảnh hưởng sâu đậm tiếng Khmer.
Trên Tây Nguyên, dân cư Champa sử dụng hai ngôn ngữ rất khác biệt nhưng không có chữ viết, đó là hệ ngữ thuộc nhóm Chamic (nhóm ngôn ngữ của tiếng Chăm) thuộc ngữ hệ Mã Lai Đa Đảo (austronesien) như tiếng Jaral, Êđê, Churu, Raglai và Hroi và một hệ ngữ khác, cũng khá quan trọng, của nhóm Môn-Khmer thuộc ngữ hệ Đông Nam Á-Châu (austroasiatique). Ngôn ngữ Jaral, Êđê, Churu, Raglai và Hroi cũng nằm chung trong nguồn gốc Mã Lai Đa Đảo nhưng rất gần gũi với tiếng Chăm cổ đại hơn là tiếng Chăm cận đại. Ngôn ngữ này là tiếng nói rất thịnh hành trên khu vực Tây Nguyên so với ngôn ngữ thuộc gia đình Đông Nam Á-Châu. Những bia ký viết bằng Phạn ngữ và Chăm ngữ cổ đại cho rằng những người sinh sống trên Tây Nguyên là dân tộc sử dụng ngôn ngữ Chamic, có sự liên hệ rất gần gũi với người Chăm ở đồng bằng kể từ thế kỷ thứ XII, trong khi đó văn chương truyền khẩu của dân tộc Tây Nguyên dùng ngôn ngữ Đông Nam Á-Châu thường nói đến các mối quan hệ gay gắt trong quá khứ giữa cộng đồng này và sắc dân Chăm sinh sống ở đồng bằng.
Dân số
Như chúng ta đã thấy, miền duyên hải của Champa là khu vực định cư của dân tộc Chăm, bao gồm có các vùng đất rất hạn hẹp và không mấy thuận lợi cho việc trồng trọt. Nó chỉ cung cấp một số lượng hoa màu giới hạn, «không giúp cho việc gia tăng dân số một cách nhanh chóng nếu dân tộc này không tìm cách khai khẩn các vùng đất mới. Tiếc rằng người Chăm không bao giờ làm chuyện đó, vì lý do tôn giáo mà chúng tôi đã nêu ra ở phần trên. Theo truyền thống tín ngưỡng, người Chăm không có quyền định cư bên ngoài biên giới thôn xóm của họ, tức là địa bàn dân cư đã được quy định bởi các thần linh phù hộ cho thôn xóm này. Chính vì thế, họ không dám nới rộng đất đai ra khỏi biên giới truyền thống, vì sợ không còn hưởng quyền bảo bộ của thần linh Champa nữa. Điều này khiến cho biên giới của các làng xã và ngay cả biên giới của quốc gia Champa trở thành biên giới cố định và vĩnh viễn, không bao giờ thay đổi. Chính đó cũng là nguyên nhân đã giải thích tại sao dân số của Champa tại các vùng đồng bằng không hề thay đổi trong quá trình lịch sử.
Trái ngược với vùng duyên hải, khu vực cao nguyên Champa có diện tích rộng mênh mông, nhưng người dân bản địa sống ở nơi đó chỉ biết khai khẩn đất đai theo hình thức du canh đốt rừng làm rẫy, tức là công thức canh tác hoa màu một cách liên tục trong một thời gian vào khoảng 3 năm sau đó phải bỏ hoang từ 15 đến 20 năm để cho đất đai này trở lại mầu mỡ (P-B. Lafont, «Lagricultuire sur brûlis chez les proto-indochinois des hauts plateaux du centre Vietnam», đăng trong Les cahiers d’Outre-Mer. Revue de Géographie, Tome XX, 196, trg. 37-50). Chính vì thế, dân tộc bản địa sống ở miền cao của Champa không thể gia tăng đất đai trồng trọt cũng như dân số của họ một cách nhanh chóng.
Những yếu tố vừa nêu ra đã chứng minh rằng tỷ lệ dân số Champa không thay đổi cho đến thời kỳ cáo chung của nền văn minh Ấn Giáo vào thế kỷ thứ XV. Nếu người ta không biết rõ dân số của thần dân Champa vào thế kỷ XVI-XIX là bao nhiêu, thì người ta cũng không biết chỉ số thật sự của dân tộc Champa là bao nhiêu trong suốt chiều dài của lịch sử. Cũng vì quá chú tâm đến các sự kiện mang nội dung Ấn Giáo, các bia ký Champa chỉ nhắc đến một cách tình cờ vài biến cố liên quan đến dân cư trong vương quốc này. Nếu tư liệu này có nêu ra một vài chỉ số dân cư đi nữa, thì đây chỉ là tổng số quân địch thua trận trên bãi chiến trường, với số lượng đôi lúc được phóng đại để nhằm tâng bốc và tôn vinh các nhà lãnh đạo Champa thắng trận thì đúng hơn (L. Einot, «Les Inscriptions de Mĩ-sơn XXI A & B» trong BEFFO IV, 1904, trg. 965). Theo biên niên sử Việt Nam, quân đội Champa trước thế kỷ thứ XV có vào khoảng một trăm ngàn người, nhưng đây chỉ là con số mang tính chất suy đoán không biểu tượng cho số lượng quân lính thật sự của vương quốc Champa thời đó. Riêng dân số của thủ đô Champa vào thế kỷ thứ XV, biên niên sử Việt Nam nêu ra hai lần. Lần đầu, tài liệu này cho rằng Thành Đồ Bàn (Vijaya) có vào khoảng 2500 gia đình (tương đương khoảng mười ngàn người) và lần thứ hai, bảy mươi ngàn người.
Vào cuối thế kỷ XX, người ta cũng không biết một cách chính xác số lượng người Chăm và người Tây Nguyên ở miền trung Việt Nam. Những con số do các nhà nghiên cứu và các viện thống kê chính thức hay bán chính thức đưa ra chỉ là con số phỏng chừng và đôi lúc thêm bớt để xác minh cho lý thuyết của họ mà thôi. Thí dụ điển hình là dân số người Chăm tại Việt Nam xuất hiện trong các tài liệu thường thay đổi từ 76000 người (Cao Xuân Phổ, Hanoi, 1988) cho đến 95000 người Chăm (Po Dharma, Paris, 1997) trong lúc đó con số 60000 người dường như gần gũi với thực tế hơn. Về người Chăm tại Campuchia, họ là tập thể đã bỏ rơi vùng đồng bằng duyên hải Champa ra đi lánh nạn từ cuối thế kỷ XV để thoát khỏi các thảm họa Nam Tiến của dân tộc Việt. Số lượng dân số của họ cũng là một vấn đề chưa giải quyết thích đáng. Các nhà nghiên cứu Âu Châu thường nhầm lẫn họ với các người Mã Lai sinh sống tại Campuchia, tức là hai dân tộc cùng chung một gia đình ngôn ngữ và tín ngưỡng Hồi Giáo và thường liên hệ với nhau qua các cuộc hôn nhân hỗn hợp. Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu Âu Châu cũng không bao giờ đưa ra một con số chính xác hay khoảng
chừng liên quan đến tổng số riêng của người Chăm hay người Mã Lai tại vương quốc Campuchia, mà chỉ nêu ra tổng số chung của cộng đồng Chăm-Mã Lai theo Hồi Giáo
mà thôi. Chính vì thế, số lượng dân tộc Chăm và Mã Lai tại Campuchia vẫn là một lý thuyết mang tính cách trừu tượng mà thôi. Con số đáng tin cậy nhất mà người ta thường nghĩ đến là con số của viện điều tra dân số thực hiện vào năm 1998 thống kê có 250000 người Khmer Islam tức là cả người Mã Lai và người Chăm theo đạo Hồi Giáo cộng lại. Ngược lại với những gì mà người ta thường đưa ra, chỉ số người Chăm ít hơn người Mã Lai. Kể từ đó, người ta ước lượng dân số người Chăm tại Campuchia, tức là tập thể tự cho mình gốc Chăm và nói tiếng nói Chăm, có vào khoảng 100000 người.
Từ khi chiến tranh Đông Dương lần thứ hai chấm dứt vào năm 1975, có vào khoảng 20000 người Chăm sang định cư định cư tại Mã Lai và một số lượng nhỏ hơn tại miền tây của Hoa kỳ và Cộng Hòa Pháp. Hầu như toàn thể các người tị nạn này là người Khmer Islam đã rời bỏ Campuchia từ khi quân Khmer Đỏ nắm chính quyền vào năm 1975. Đa số những người tị nạn này tự cho mình gốc Mã Lai chứ không phải là Chăm. Một số còn lại, thường tự giới thiệu mình là người Muslim thay vì người Chăm Hồi Giáo. Còn những người Chăm tị nạn ở nước ngoài xuất thân từ miền trung Việt Nam thì có số lượng rất ít. Họ đã bỏ xứ ra đi vì sợ bị trả thù sau biến cố 1975.
Liên quan đến người Tây Nguyên có tiếng nói thuộc gia đình ngôn ngữ Đa Đảo, dân số của họ vẫn còn lu mờ mặc dù bảng điều tra năm 1991 đã liệt kê như sau: dân tộc Ê Đê (Rhadé) có vào khoảng 194000 người mặc dù chỉ số của họ không quá 120000 người ; dân tộc Raglai có 71696 trong lúc đó họ chỉ có khoảng 50000 người ; Dân tộc Churu có 10746 ; dân tộc Jrai dường như có khoảng 15000.