Category Archives: Lịch sử bản địa

LỊCH SỬ DÂN TỘC KHMER | CHƯƠNG VI – VỊ NỮ VƯƠNG CỦA NGƯỜI KHMER

Lịch sử Khmer ghi nhận rằng, người Khmer có nữ vương đầu tiên tên là «Liu Ye» (柳葉 , Việt đọc là «Liễu Diệp»), một số người khác thì gọi nữ vương này là «Sauma», trong khi các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Khmer ở phương Tây thì gọi vị nữ vương này là nữ vương «Lá Liễu», do dịch từ «Liu Ye» (柳葉) theo các ghi chép của Tàu. Và vì sử liệu của người Tàu được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu cho nên «Liu Ye» (Liễu Diệp hay Lá Liễu) được toàn thế giới biết đến là tên vị nữ vương đầu tiên của người Khmer.

Vấn đề này hết sức thú vị và rất có ý nghĩa trong việc truy tìm lịch sử thật sự của người Khmer. Thế giới biết đến lịch sử của người Khmer căn cứ vào các thư lịch cổ của người Trung Hoa từ thế kỷ thứ II, thứ III Tây lịch, sau sự kiện đi sứ của hai sứ thần Trung Hoa là Kangtai (Khang Thái) và Zhu Ying (Chu Ứng) đến vương quốc Khmer trong khoảng từ năm 245 đến năm 250. Những ghi chép của hai nhân vật này trong hành trình đến vương quốc Khmer đều được ghi lại trong «Phù Nam Truyện» (扶南傳), theo đó khởi thủy vương quốc này có một nữ vương, thủa thiếu thời có tên là «Bà Liu Ye»

Nữ vương đầu tiên của người Khmer có tên là «Bà Liu Ye». Câu hỏi đặt ra là, đây là tên do người Tàu đặt, là một từ có nghĩa trong tiếng Tàu hay là một phiên âm tiếng Khmer của người Tàu? Ông Paul Pélliot, chuyên gia Hán ngữ của viện Viễn Đông Bác cổ khẳng định, đây là tiếng Tàu chứ không phải là từ ghi lại tiếng Khmer, theo đó «Liu» (柳) nghĩa là «Liễu» và « Yè» (葉) nghĩa là «Lá». «YèLiu» (葉柳) có nghĩa là «Lá Liễu».

Nhà sử học Pháp Eveline Porée-Maspero trong cuốn Études sur les rites agraires des Cambodgiens thì cho rằng viết «YèLiu» (葉柳) là viết sai bởi không đúng ngữ pháp tiếng Tàu, nên viết lại là «LiuYè» (柳葉) mới đúng nghĩa. Nếu viết theo đúng tiếng Tàu (柳葉) thì tên vị Nữ Vương Khmer là «LiuYè» hay «Liu Ye». 

Lý thuyết của bà này có vẻ hợp lý hơn nên người ta thừa nhận rằng người Khmer có nữ vương đầu tiên là là «Liu Ye». Ngày nay, trên toàn thế giới, người ta cho là nữ vương đầu tiên của người Khmer là «Liu Ye»  (柳葉).

Riêng nhà nghiên cứu G. Cœdès thì gọi tên nữ vương đầu tiên của vương quốc Funan là Bà «Lá Liễu» mà không hề giải thích gì cả.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý một điểm hết sức quan trọng là liễu là một chi thực vật mọc ở khu vực ôn đới và hàn đới thuộc Bắc bán cầu, và quan trọng hơn cả là xứ Khmer không hề có giống cây liễu. Điều này cũng được nhắc đến trong các ghi chép của Zhou Daguan (Chu Đạt Quan).

Thật khó có thể tin rằng nữ vương có thể tên là «Lá Liễu» trong khi cả vương quốc ấy không ai biết «Liễu» là cây gì.

Thực ra, Tầu viết «Ye Liu» (葉柳) hoàn toàn chính xác bởi nó không phải là từ có ý nghĩa trong tiếng Tàu mà đơn giản là người Tàu ghi lại âm của từ «Yeay Liu» (យាយលីវ – Bà Độc Thân) của tiếng Khmer. 

Tại sao «Yeay» lại được Tàu ghi lại là «Ye»? 

Có hai lý giải có vấn đề này, thứ nhất Trong tiếng Tàu chỉ có các âm ai, ei, ui; ao, ou, iu; ie, üe; er; ia, iao; ua, uo, uai, an, en; in, un, ün; ang, eng, ing, ong; ian, iang, iong; uan, uang,  ian, iang, iong, họ không đọc được từ «Yeay» (âm iai) nên có thể họ nghe được là hoặc phải đọc chệch lại là «Ye». 

Giả thuyết thứ hai, trong tiếng Khmer cổ, «Yeay» có thể được đọc là «jɛɪ», gần giống như «ye» vậy, cụ thể là hiện nay một số khu vực ở Kampuchea Krom như Khleang, Polleav, cũng có người Khmer Krom đọc «Yeay»  thành «Ye»  hoặc «Yé».

«Yeay Liu»  là gì?

«Yeay» (យាយ – Bà ) ngoài dùng để gọi người phụ nữ sinh ra cha, mẹ hoặc dùng để gọi một phụ nữ lớn tuổi, từ này còn dùng để gọi một phụ nữ có quyền lực, thể hiện sự tôn trọng theo truyền thống của người Khmer. Ví dụ như hiện nay người Khmer còn thờ Yeay Mao (người Việt gọi là Dì Mao) trên núi Bokor, hay Yeay Dat ở khu vực Pailin. Riêng những phụ nữ ít quyền lực hơn hoặc trẻ tuổi hơn thì được gọi là Neang, ví vụ như Neang Chan (mộ của bà này hiện còn được bảo vệ ở Sóc Trăng), Neang Neath, Neang Kantaoung Khieu, …

«Liu» có thể là លីវ (Độc thân), sở dĩ gọi là «Độc thân»  do nữ vương của người Khmer khi đó vẫn chưa có chồng. Vấn đề này cũng được Khang Thái và Chu Ứng ghi chép lại. 

Hơn nữa, cũng như các dân tộc khác, người Khmer không bao giờ gọi tên của người lớn tuổi hoặc có địa vị cao, việc gọi tên có thể được xem làm sự xúc phạm với vị đó. Như vậy, việc người Khmer gọi nữ vương của mình là «Yeay Liu» tức «Bà Độc Thân» là thể hiện sự tôn trọng là hoàn toàn hợp lý.

Theo các tài liệu khắc trên đá của người Khmer và người Chăm, Nữ vương của người Khmer có tên là Sauma (សោមា).

Sauma là tổ tiên của tất cả các vị vua được ghi nhận là đã trị vì vương quốc Khmer từ khởi thuỷ đến thời kỳ Angkor bị Siem chiếm đóng. Sử liệu này được khắc lại trên bia đá trong đền Baksei Chamkrong được vua Reajintreah Varman cho xây dựng hồi năm 947.

Càng đặt biệt hơn nữa, Sauma cũng là tổ tiên của dòng dõi vua chúa của Chăm, bắt đầu từ vua Prakāsa Dhamivī Varman. Các bia cổ của người Chăm được phát hiện khắc hồi năm 658 ở Mỹ Sơn miêu tả rằng đức vua này có nguồn gốc từ dòng họ của nữ vương Sauma do Mẫu thân của đức vua này người thuộc hoàng gia Khmer tên là Sārava Vaṇṇī là công chúa con vua Isan Varman Đệ Nhất.

Sauma là tên được đặt cho nữ vương Khmer sau khi bà kết hôn và trở thành hoàng hậu của quốc vương Kaundinya. Trong tiếng Sanskrit, Sauma nghĩa là mặt trăng, là hóa thân của thần Krishna (Kṛṣṇa). Krishna lại là một trong hóa thân của thần Vishnu.

Dù Kaundinya lên làm quốc vương của người Khmer và thành lập quốc gia theo Bà La Môn giáo thì nữ vương Sauma vẫn là người đứng đầu dòng dõi hoàng tộc của người Khmer với tên gọi là « Sauma Vaingsa» (Dòng dõi Mặt Trăng). 

Kết luận, nữ vương đầu tiên của người Khmer mà người nước ngoài biết đến không phải tên là «Ye Liu»  hay «Liu Ye» hay «Lá Liễu». Hay thậm chí có người gọi nữ vương đầu tiên của người Khmer là «Lá Dừa» đi chăng nữa cũng hoàn toàn không hợp lý.

– Tên của Nữ vương được dân chúng gọi là «Yeay Liu» (យាយ​លីវ – Bà Độc Thân)

– Tên của Ngài khi trở thành hoàng hậu của vua Kaundinya là «Sauma» (សោមា)

– Tên tục của Bà khi chưa trở thành Hoàng hậu, tức khi là nữ vương của vương quốc Khmer theo tín ngưỡng dân gian là gì? Đó vẫn là một bí mật lớn.

LỊCH SỬ DÂN TỘC KHMER | CHƯƠNG V – CHÂN LẠP HAY KAMPUCHEA?

Vương quốc mà người Tàu gọi là Zhenla (真臘 – Việt đọc là Chân Lạp) là vương quốc thứ hai của người Khmer được người nước ngoài biết đến.

Tuy nhiên, như đã được đề cập ở các chương trước, đây không phải là triều đại thứ hai trong lịch sử hơn 40 thế kỷ của dân tộc Khmer, và hơn nữa tên gọi của Vương quốc (hay triều đại) này cũng không phải là «Zhenla» (Chân Lạp) như vẫn thường được gọi. Tuy nhiên, để tiện cho việc trình bày, chúng tôi xin vẫn dùng cái tên «Chân Lạp» trước và sẽ có cách giải thích nguồn gốc cái tên này cũng ngay trong chương này. 

Lịch sử về nguồn gốc vương quốc Chân Lạp hoàn toàn giống như Phù Nam (thực chất là vương quốc Angkor Borey, xin xem lại chương trước tại đây), từ nguồn gốc dựng nên vương triều là một Bà La Môn, lẫn  truyền thuyết về dòng họ quốc vương, thậm chí là việc sắp xếp xã hội, tôn giáo, nhà nước theo kiểu Ấn Độ thời đó. Nói cách khác, Chân Lạp hoàn toàn giống như Phù Nam về lịch sử, văn hóa, cấu trúc xã hội và thành phần sắc tộc.

Vương quốc Chân Lạp có diện tích rộng lớn. 

Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng diện tích Chân Lạp chỉ nằm trong khu vực Vat Phou (hay Wat Phnom, tức Chùa Núi) mà ngày nay là tỉnh Champasak, miền nam nước Lào mà thôi. Khu vực này trước kia cũng được gọi là Champasak hay Pasak do trước đây vùng đất này thuộc quyền quản lý của một chúa xứ người Chăm và bị Chân Lạp đánh chiếm ngay trong thời kỳ đầu tiên trong công cuộc mở rộng biên giới xuống phía nam của mình.

Theo cuốn «Inventaire descriptif des monuments du Cambodge pour les quatre provinces du Siam oriental» (Mô tả bia ký của Kampuchea tại bốn tỉnh phía đông nước Xiêm) của nhà khảo cổ người Đan Mạch Erik Seidenfaden và Etudes d’Histoire d’Annam (Nghiên cứu lịch sử Annam) của Henri Maspero, Giáo sư Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp thì hồi thế kỷ thứ V và thứ VI, lãnh thổ vương quốc Chân Lạp bao gồm: Toàn bộ Đông Bắc Thái Lan, một phần phía Nam Lào, một phần lớn lãnh thổ phía Bắc của Kampuchea hiện nay.

Phần lãnh thổ nay thuộc Thái Lan, tương ứng với các tỉnh : Udon Thani , Ubon Ratchathani, Roi Et, Nakhon Ratchasima. 

Phần lãnh thổ nay thuộc Kampuchea, tương ứng với các tỉnh : Stung Treng, Kratié, và phía bắc Kampong Thom.

Vương quốc Chân Lạp xuất phát từ lưu vực thuộc nhánh thượng nguồn của sông Mekong, thuộc khu vực tỉnh Roi Et của Thái Lan ngày nay. Vương quốc này mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, chiếm luôn cả Phù Nam, sáp nhập Phù Nam vào lãnh thổ của mình.

Theo truyền thuyết, người thành lập vương quốc này là một Bà La Môn gốc Ấn tên là Kambu Swayambhuva (កម្ពុ​ស្វយំ​ភូវៈ –Kampu Svayamphuvéah). Ngài lấy một Tiên nữ Khmer tên là Mera( មេរៈ – Meréah) làm hoàng hậu. Hai vị Kambu – Mra thành lập vương triều đầu tiên của Chân Lạp, đặt tên là Suryavamsam  (សុរិយវាំង្សា –  Soryah Vaingsa) có nghĩa là đến từ Mặt Trời, trái ngược với vương triều vua Phù Nam, theo truyền thuyết được dựng lên bởi vua  Kaundinya vào hoàng hậu Sauma, trong đó «Sauma» (सोम) có nghĩa là Mặt Trăng.

Ở Chân Lạp, người ta tôn kính nữ vương Mera  hơn vua Kambu do chịu sử ảnh hưởng mạnh của nền văn hóa mẫu hệ mà người Khmer thừa hưởng từ hàng ngàn năm trước đó. Nhiều thế kỷ sau, người ta vẫn còn tôn kính «Mera».

Bột bài thơ được khắc trên bia đá bằng văn tự cổ, được xác định là được tạc hồi năm 948 Tây Lịch, thể hiện sự tôn thờ «Mera», được Giáo sư S. Cœdès dịch lại như sau :

«Tôi xin đảnh lễ Mera

Là tiên nữ cao quý nhất trong hàng tiên nữ

Đã được thần Shiva, thầy của ba cõi

Muốn làm một điều tốt lành nhất

Theo ích lợi của ba con mắt

Cho làm vợ của đại vương Kambu» 

Sự kiện thành lập vương quốc Chân Lạp cũng được người ta truyền thuyết hóa thành câu truyện «Preah Thaong Neang Neak» (ព្រះថោង នាង​នាគ). Câu truyện này kể rằng:

«Vương quốc Chân Lạp được «Preah Thaong» dựng nên. Ngày xưa, Preah Thaong là người con thứ ba trong số bốn hoàng tử của một vị vua xứ Ấn Độ. Do hiểu lầm nên hoàng tử có thái độ bất kính và bị vua cha đuổi ra khỏi vương quốc. Hoàng tử rời vương quốc, đi xuống phía nam, đến một vương quốc có vua là người Chăm, Preah Thaong đánh đuooir vua Chăm và lên làm vua. Sau đó Ngài lấy Neang Neak (នាងនាគ – Nàng Rồng), là con gái của Chúa Rồng​ (ភុជង្គនាគ – Bhujanganāga) làm hoàng hậu. Vị Chúa Rồng cũng có một vương quốc ở cỏi Rồng (tạm hiểu là Thủy cung như trong văn hóa Tàu-Việt) nằm dưới một hòn đảo tên là «Kok Thlok» (គោកធ្លោក) gần đó.  Chúa Rồng nuốt nước biển xung quanh hòn đảo này để lộ một dải đất rộng cho Preah Thaong và Neang Neak lập vương quốc ở đó. Kok Thlok trở thành thủ đô của vương quốc mới này».

Truyền thuyết «Preah Thaong – Neang Neak» là truyền thuyết của vương quốc Chân Lạp và không thể nhầm lẫn với truyền thuyết Hun Tian thành lập vương quốc Phù Nam hồi năm 50 Tây lịch, khi đó vẫn chưa có một vương quốc nào của người Chăm. Bởi vương quốc đầu tiên của vua người Chăm được dựng nên hồi năm 197 Tây lịch bởi vị nữ vương đầu tiên là Mara.

Dù thế nào đi chăng nữa thì tất cả các truyền thuyết trên đều là các dị bản, được sao chép lại từ truyền thuyết của người Ấn Độ. Chuyện Neang Neak đã được nhiều vương quốc của Ấn Độ như vương quốc của người Pallava và người Gupta kể trước đó. Ở Hy Lạp, người ta cũng có truyền thuyết tương tự như vậy. Nữ vương Echidna cũng là một mô-tuýp Neang Neak với một phần trên là người nữ và phần dưới là loài bò sát không chi (rắn) trước khi trở thành vợ của Heracles.

Vương quốc Chân Lạp là một nước nhỏ và là chư hầu của Phù Nam mãi đến thế kỷ thứ VII. Theo trật tự của các vương quốc của người Khmer thời bấy giờ, Chân Lạp phải tiến hành cống nạp hằng năm cho quốc vương Phù Nam. Mối quan hệ này được các vua của Chân Lạp gọi là «Quan hệ cống nạp», và họ luôn tìm cách phá bỏ mối quan hệ này. Vấn đề này được khắc trên bia đá của Đền Baksei Chamkrong, thuộc quần thể Angkor.

Tất cả các vị vua của Chân Lạp đều có ý muốn thoát khỏi vị thế chư hầu đối với Phù Nam, nhưng nổi trội và mạnh mẽ hơn cả là dưới triều đại của vua Bhavavarman, tức là từ năm 550 đến năm 600 Tây lịch.

Vị Quốc vương này là người đầu tiên liên kết hai dòng dõi Suryavamsa và Saumavamsa (thuộc dòng Kaundin-Sauma) tạo thành nền tảng dựng nên đế chế Angkor hùng mạnh.

Bhavavarman là cháu ngoại của Rudravarman, Quốc vương Phù Nam và là con của Vua Chân Lạp Viravarman. Nội dung này được ông Erik Seidenfaden dịch ra từ một bản khắc cổ trên bia đá tìm được ở sông Mun. 

Cơ sở này khẳng định rằng vua Viravarman không phải là con của quốc vương Phù Nam như ông Georges Cœdès từng viết và được ông A. Dauphin Meunier sao chép lại sau đó.

Khi quốc vương Phù Nam băng hà và do không có con trai nối ngôi, vua Bhavavarman cũng giành quyền nối ngôn vua Phù Nam do ngài cũng là hậu duệ hoàng gia Phù Nam.

Sự kiện này dẫn đến cuộc chiến giữa hai vương quốc Phù Nam và Chân Lạp. 

Tiếp sau đó, Cindrasena, em họ của vua Bhavavarman nối ngôi, lấy hiệu là Srimahindravarman tiếp tục công cuộc chinh phạt. Cuối cùng là Vua Isanavarman Đệ Nhất, con trai của Srimahindravarman đánh chiếm được thủ đô Angkor Borey, kết thúc cuộc chiến tranh của hai vương quốc vào năm 630.

Những người thừa kế Isanavarman là Bhavavarman Đệ Nhị (639 – 655), Jayavarman Đệ Nhất (655 – 686), và con trai của Ngài là vua Jayadevi. 

Vua Jayadevi là vị vua duy nhất của thời Angkor sử dụng từ «Kraom la-ong thuly jerng korn radaeng anh» (ក្រោម​មល្អងធូលី​ជើង កន់​រ៉ាដែង​អញ – Dưới bụi bàn chân của chúng ta, bậc tuyệt hảo) làm danh xưng (cũng như vua Tàu cho quần thần gọi mình là «Vạn tuế» hay «Bệ hạ», «Ngu hoàng», v.v…). 

Trong một bia đá được xác định là được lập hồi năm 731, vị vua này đã than phiền về Sự xáo trộn trong vương quốc và các tai ương của thời đó.  

Vương quốc Chân Lạp là vương quốc của người Khmer, có dân cư là người Khmer.

Theo sự hiểu biết và văn hóa của người Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam thì mỗi quốc gia sẽ đại diện cho một dân tộc, và mỗi dân tộc chỉ có một quốc gia duy nhất. Chính vì thế, khi nghiên cứu về Phù Nam và Chân Lạp, nhiều người đã lầm tưởng đó là hai quốc gia dân tộc của hai sắc dân khác nhau. Kỳ thực, nếu người ta chịu khó nghiên cứ văn hóa Ấn Độ và Châu Âu cổ đại thì người ta biết rằng, ở nhiều khu vực, một dân tộc có thể thành lập nhiều vương quốc khác nhau, các vương quốc này tồn tại trong mối quan hệ đồng minh, lãnh tụ – chư hầu, trong đó một quốc gia hùng mạnh nhất được gọi là quốc gia lãnh tụ, cũng như «thiên triều» trong lịch sử người Tàu. 

Cụ thể, ta thấy các vương quốc Ujina, Kalinga, Kupta, điều là các vương quốc riêng biệt nhưng quy tụ lại, đó cũng chỉ là các lãnh thổ của của tộc người Kalinga mà thôi.

Người Khmer, có nguồn gốc ở Ấn Độ cũng không ngoại lệ. Sơ khởi, người Khmer có nhiều vương quốc lớn nhỏ khác nhau, dẫn dà những vương quốc nhỏ vị vương quốc lớn thâu tóm chỉ còn lại các vương quốc lớn. Funan và Chân Lạp là hai vương quốc khác nhau, nhưng là hai quốc gia của người Khmer.

Những giả thuyết cho rằng cư dân vương quốc Phù Nam là người Indonesia như của bà Marillia Albansèse và ông Bernard Philippe Groslier là hoàn toàn sai lầm. Tuy vậy, giả thuyết này vẫn được người Việt sử dụng và căn cứ vào đó khẳng định rằng Khmer không phải là chủ nhân đầu tiên của vùng đất Kampuchea Krom hiện nay.

Vương quốc Chân Lạp có quan hệ mật thiết với người Trung Hoa từ thế kỷ thứ VI. Chính đức vua Cittrasena đã dẫn đầu sứ đoàn đi Trung Hoa. Tất cả các sự kiện này được người Trung Hoa ghi lại trong chính sử của Nhà Tùy (隋) và Nhà Đường (唐). Trung Hoa là người gọi tên vương quốc của người Khmer này là Zhenla (真臘) Hán cổ đọc là «Chen Lắp» và Việt đọc là « Chân Lạp»  

Ông Paul Poliout, chuyên gia nghiên cứu tiếng Hán cổ viết rằng: «Cho đến tận ngày nay, chúng ta vẫn chưa hiểu Chân Lạp hay Chen Lăp có nghĩa là gì».

Điều đó chứng tỏ, «Chân Lạp» hay «Chen Lap» mà người Tàu đặt cho vương quốc của người Khmer không phải là tiếng Tàu mà là ghi lại cách gọi của người Khmer.

Có giả thuyết cho rằng «Chen» chắc chắn là Trung Quốc. Chen Lăp có thể là do người Trung Hoa đọc sai chữ Chen Riep (ចិន​រាប) hay Chen Rap (ចិន​រ៉ាប) thành Chen Lap (do Hán cổ không có âm «r» như tiếng Khmer). Chen Lâp có thể là Chen Rap hay Chan Riep cũng tương tự như Siem Riep là tên một tỉnh của Kampuchea ngày nay. Siem Riep có nghĩa là «Người Siem thua trận». Nếu theo giả thuyết này thì Chân Lạp hay Chen Lăp nghĩa là «người Trung Hoa thua trận». Giả thuyết này hoàn toàn không hợp lý bởi không có cuộc chiến nào giữa người Khmer và người Tàu cả, thế nên không có việc Tàu thua trận.

Có giả thuyết khác cho rằng Chân Lạp hay Zhenla được viết bằng chữ Tàu cổ là 真蠟 , giản thể là 真腊 . Trong đó 真 (chân) nghĩa là «thật», «thiệt», «nguyên chất», còn 蠟 (lạp hay rệp) có nghĩa là «sáp». Sở dĩ vương quốc này được gọi là Chân Lạp, hay «Sáp Nguyên Chất» là do người Tàu xưa sang xứ này giao thương và thường mua được mật ong và sáp thơm chất lượng cao nên quen gọi xứ này là «Sáp nguyên chất», hay «Chân Lạp». Giả thuyết này cũng có phần nào đó đáng quan tâm bởi khu vực mà được cho là cảng biển thương mại lớn của vương quốc này (thường được người Việt quen gọi là Óc Eo hay O Keo) được người Khmer gọi là Kramoun Sor (ក្រមួន ស Sáp Trắng), tên gọi này ngày nay vẫn được người Khmer dùng để gọi tên địa danh của tỉnh mà người Việt gọi là «Kiên Giang». 

Theo ông Thach Tan Dara, nhà sáng lập Liên minh Khmer Kampuchea Krom (KKF) thì Kramoun Sor là âm trại của «Kramoun Sotr» (ក្រមួនសុទ្ធ), nghĩa là «sáp nguyên chất». Có thể khi thương nhân nhà Đường cập cảng thông thương và hỏi người dân địa phương và biết được xứ này có tên gọi là «sáp nguyên chất». Do người Tàu có 3 cách gọi tên người, địa danh nước ngoài là: Chuyển tự sao cho âm đọc gần giống tiếng bản xứ, Dịch nghĩa từ tiếng bản xứ sang tiếng Tàu, và Đặt tên mới bằng tiếng Tàu. Do đó, họ có thể đã dịch «sáp nguyên chất» thành Chân Lạp (真蠟). 

Người Tàu có gọi vương quốc Khmer là Chân Lạp hay «Sáp nguyên chất» hay gì đi chăng nữa thì đó cũng giống như Funan (Phù Nam), đều không phải là tên mà người Khmer gọi vương quốc được sáng lâp bởi Bà La Môn Kampu (ព្រាហ្មណ៍​កម្ពុ).

Vương quốc tên là Kampuchéah (កម្ពុជៈ) là vương quốc được Bà La Môn Kampu hay triều đại Kampu lập nên. Kampuchéah cũng có thể là tên được lấy theo tên của vương quốc Kambuja ở Ấn Độ hồi thế kỷ thứ VII trước Tây lịch, nhưng nó là chính thức mà người Khmer gọi tên quốc gia được người ta biết là «Chân Lạp». 

Cái tên «Kampuchéah» của người Khmer được người Chăm khắc trên bia đá Po Nagar (ពោនគរ) lần đầu tiên vào năm 817, Tây lịch.

Sứ thần Chu Đạt Quan sống ở thành phố Angkor của người Khmer từ năm 1296 đến 1297 cũng khẳng định, vương quốc của người Khmer không phải là Chân Lạp. Ông viết lại rằng: «Người dân ở đây gọi vương quốc của họ là Ganbuji» (柬埔寨).

Quy tụ lại, Chân Lạp hay Chenla không phải là tên mà người Khmer gọi vương quốc của mình. Vương quốc này có tên là Kampuchéah (កម្ពុជៈ), tiếng Khmer hiện đại gọi là Kampuchea (កម្ពុជា).

Vương Quốc Champa: Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử | Dân Cư | Ngôn ngữ & Dân Số

Hoàn toàn trái ngược với các lý thuyết đã đưa ra gần một thế kỷ qua, vương quốc Champa không những bao gồm các phần đất nằm ở ven biển của miền trung Việt Nam hiện nay mà kể cả dãy Trường Sơn (Cordillère Annamitique) và vùng cao nguyên tiếp nối với nó. Dựa vào yếu tố địa dư này, người ta đưa ra kết luận rằng dân cư Champa kết hợp không những người dân sinh sống ở vùng đồng bằng mà bao gồm cả dân cư của vùng cao nguyên, thường gọi là người Thượng (Montagnard) hay là người bản xứ Đông Dương (Proto-Indochinois). Chính vì thế, vương quốc Champa không phải là đất nước riêng tư của người Chăm mà là một quốc gia đa chủng gồm cả dân tộc Tây Nguyên, trong đó mỗi sắc dân thường đóng một vai trò riêng biệt trong tiến trình lịch sử của vương quốc này mà chúng tôi sẽ trình bày ở phần dưới đây.

Nguồn gốc

Vào đầu kỷ nguyên của Tây Lịch, người ta không biết nhiều về nguồn gốc dân cư sống trong lãnh thổ xưa kia của Champa. Các bản văn Trung Hoa được xem như là nguồn sử liệu duy nhất chỉ nói một cách sơ lược liên quan đến dân tộc sinh sống trong khu vực nằm giữa Hoành Sơn (Porte d’Annam) và đèo Hải Vân. Theo tài liệu này, đây là khu vực nằm về phía nam của biên giới Trung Hoa mà dân cư bao gồm một số người Trung Hoa nhập cư và đa số  còn lại chiếm phần quan trọng là dân bản địa ở vùng ven biển và trên cao nguyên có cuộc sống rất gần gũi với nhau. Theo tác phẩm Jinshu (Tấn thư – RIPVN) (trang 57, 4b. Bản dịch tiếng Pháp của Paul Pelliot), «các người bản địa này cấu thành từng nhóm biết hỗ trợ lẫn nhau». Hơn nữa các tài liệu trên gọi họ là dân tộc «man rợ» (barbare), vì rằng đối với tác giả Trung Hoa thời đó, tất cả những ai không phải là người Trung Hoa hay không mang sắc thái của nền văn minh Trung Hoa đều bị gán cho cụm từ là «người man rợ». Tài liệu trên cũng qui luôn cả người Khu Liên (Qū Lián) vào nhóm «man rợ» này, một thuật ngữ để ám chỉ cho tộc người có nước da rám nắng.

Riêng về dân tộc sinh sống trên lãnh thổ nằm về phía nam của núi Bạch Mã (Huế), một số tài liệu khảo cổ đã nêu ra vài chi tiết khá rõ ràng hơn. Theo tài liệu này, các hài cốt dưới thời thượng cổ được tìm thấy trên Tây Nguyên nằm về phía tây của dãy Trường Sơn là những hài cốt của người bản địa Mã Lai (Protomalais) có sọ đầu dài (dolichocéphales) với thân hình vạm vỡ. Ngay từ thời kỳ đá mới (néolithique), họ là dân bản địa Đông Dương (Proto-Indochinois) duy nhất đã từng làm chủ khu vực Tây

Nguyên và tồn tại cho đến giữa thế kỷ XX. Bên cạnh đó, người ta cũng tìm thấy các hài cốt ở vùng ven biển có nguồn gốc nằm trong thành phần dân bản địa Mã Lai (Protomalais) có đầu dài và di trú đến Champa đợt thứ hai nhưng lại pha trộn với một số yếu tố của chủng tộc Mông Cổ do các người nhập cư gốc Trung Hoa mang đến. 

Vào thời kỳ đá mới (néolithique), sau khi tiếp thu nhiều nguồn văn minh của thời tiền sử vào đầu kỷ nguyên Tây Lịch, những người bản địa Mã Lai (Protomalais) này đã trở thành một tập thể chủng tộc mà người Âu Châu thường dùng thuật ngữ Việt Nam để gán cho họ là người Chăm, trong khi đó cụm từ «Chăm» hoàn toàn bị lãng quên trong

ngôn ngữ của dân tộc Tây Nguyên và cũng không bao giờ xuất hiện trong các bia ký hay trong các bản văn xưa viết bằng tay tại vương quốc Champa. Cụm từ thường sử dụng để ám chỉ cho thần dân của vương quốc Champa xưa kia là Urang Champa (urang = người, cá nhân) chứ không phải là Urang Cham tức là người Chăm như một số nhà khoa học thường hiểu lầm. Hơn một thế kỷ qua, cũng vì việc sử : dụng từ «Chăm» là cách nuốt âm (apocope) của từ «Champa» để ám chỉ một sắc dân cư ngụ từ xưa tại vùng duyên hải Champa đã trở thành một thông lệ, thành ra người ta tiếp tục dùng từ «Chăm» này với ý nghĩa mang tính đặc trưng để ám chỉ chung những gì thuộc về Champa, không nhất thiết thuộc về dân tộc Chăm hôm nay.

Ngôn ngữ

Các dữ kiện khảo cổ học cho rằng những dân cư bản địa Mã Lai (Protomalais) có mặt trên lãnh thổ Champa xưa kia đã sử dụng một hay nhiều ngôn ngữ thuộc gia đình Mã Lai Đa Đảo (proto-malayo polynésienne). Qua các tiến trình phát triển, ngôn ngữ này đã biến thành một ngữ hệ mới trong đó có tiếng Chăm (được sử dụng bởi người Chăm sinh sống tại các vùng đồng bằng) và các thổ ngữ cùng chung một nguồn gốc với tiếng Chăm, như tiếng Jarai, Êđê, Churu, Raglai, Hroi, được sử dụng bởi các dân cư của vùng cao thuộc miền trung-bắc của bán đảo Đông Dương. 

Tiếng Chăm đã có mặt tại vương quốc Champa vào thế kỷ thứ IV. Xưa kia, tiếng Chăm là ngôn ngữ được lưu hành từ Hoành Sơn đến vùng Biên Hòa. Nhưng hôm nay, ngôn ngữ Chăm chỉ còn lưu hành tại các thôn ấp người Chăm trong hai tỉnh Ninh thuận và Bình Thuận cũng như tại Phnom Penh và chung quanh tỉnh Kampot củaKampuchea. Tiếng Chăm thuộc gia đình ngôn ngữ Mã Lai Đa Đảo (austronésien), mặc dù chứa đựng một số yếu tố thuộc hệ ngôn ngữ Châu Á Ngữ (austo asiatique). Ngôn ngữ Chăm đã phát triển theo một đà tiến hóa rõ ràng, đặc biệt nhất là sự xuất hiện các phụ âm phát từ trước cổ họng (préglottalisé) và việc vay mượn nhiều từ của Phạn ngữ (Sanskrit), Việt ngữ và tiếng Khmer, để rồi hôm nay tiếng Chăm không gần gũi với tiếng Mã Lai như xưa kia nữa. 

Ngôn ngữ Chăm xuất hiện lần đầu tiên trên một bia ký (thế kỷ thứ IV) viết bằng tiếng Chăm cổ đại (vieux cham) được phát hiện gần Trà Kiệu trong tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng hiện nay (G. Coedès, «La plus ancienne Inscription en langue chame» trong New Indian Antiquary, Extra Series I, 1939, trg. 46-49). Chữ viết của tấm bia này phát sinh từ chữ viết Devanagari của Ấn Độ mà Vương quốc Champa thường dùng để khắc trên các bia đá song song với tiếng Phạn cho đến thế kỷ thứ XV, tức là niên đại đánh dấu cho sự biến mất hoàn toàn tiếng Chăm cổ đại để thay thế vào đó chữ Chăm trung đại (Cham moyen) và sau là chữ Chăm cận đại (Cham moderne) tập trung bốn dạng khác nhau gọi là: akhar rik, akhar yok, akhar tuel và akhar srah (tức chữ viết phổ thông). Chữ Chăm cận đại thường được sử dụng trước tiên trên mặt lá buông (olles) sau đó trên giấy (P.B. Lafont, Po Dharma và Nara Vija, Catalogue des manuscrits cam des bibliothèques francaises, Paris, Publications de l’École Française d’Extrême-Orient, vol CXỊV, 1977, trg. 2, 6-8 và sách cổ Chăm mang ký hiệu CM 23-2). Tại Việt Nam hôm nay, ngôn ngữ viết (langue écrite) và ngôn ngữ nói (langue parlée) của người Chăm có nhiều sự khác biệt đáng kể. Ngôn ngữ viết Chăm đã trải qua nhiều tiến trình phát triển nhưng còn giữ nguyên những yếu tố cơ bản rất gần gũi với hệ nguyên thủy của ngôn ngữ Mã Lai Đa Đảo trong khi đó ngôn ngữ nói của dân tộc này thì bị đơn tiết hóa (monosyllabisme) qua các cuộc tiếp xúc với tiếng Việt mà người Chăm đã học trong các trường lớp và sử dụng nó như tiếng phổ thông hằng ngày. Tại Campuchia, tiếng nói và chữ viết mà người Chăm đang sử dụng đã chịu ảnh hưởng sâu đậm tiếng Khmer. 

Trên Tây Nguyên, dân cư Champa sử dụng hai ngôn ngữ rất khác biệt nhưng không có chữ viết, đó là hệ ngữ thuộc nhóm Chamic (nhóm ngôn ngữ của tiếng Chăm) thuộc ngữ hệ Mã Lai Đa Đảo (austronesien) như tiếng Jaral, Êđê, Churu, Raglai và Hroi và một hệ ngữ khác, cũng khá quan trọng, của nhóm Môn-Khmer thuộc ngữ hệ Đông Nam Á-Châu (austroasiatique). Ngôn ngữ Jaral, Êđê, Churu, Raglai và Hroi cũng nằm chung trong nguồn gốc Mã Lai Đa Đảo nhưng rất gần gũi với tiếng Chăm cổ đại hơn là tiếng Chăm cận đại. Ngôn ngữ này là tiếng nói rất thịnh hành trên khu vực Tây Nguyên so với ngôn ngữ thuộc gia đình Đông Nam Á-Châu. Những bia ký viết bằng Phạn ngữ và Chăm ngữ cổ đại cho rằng những người sinh sống trên Tây Nguyên là dân tộc sử dụng ngôn ngữ Chamic, có sự liên hệ rất gần gũi với người Chăm ở đồng bằng kể từ thế kỷ thứ XII, trong khi đó văn chương truyền khẩu của dân tộc Tây Nguyên dùng ngôn ngữ Đông Nam Á-Châu thường nói đến các mối quan hệ gay gắt trong quá khứ giữa cộng đồng này và sắc dân Chăm sinh sống ở đồng bằng. 

Dân số

Như chúng ta đã thấy, miền duyên hải của Champa là khu vực định cư của dân tộc Chăm, bao gồm có các vùng đất rất hạn hẹp và không mấy thuận lợi cho việc trồng trọt. Nó chỉ cung cấp một số lượng hoa màu giới hạn, «không giúp cho việc gia tăng dân số một cách nhanh chóng nếu dân tộc này không tìm cách khai khẩn các vùng đất mới. Tiếc rằng người Chăm không bao giờ làm chuyện đó, vì lý do tôn giáo mà chúng tôi đã nêu ra ở phần trên. Theo truyền thống tín ngưỡng, người Chăm không có quyền định cư bên ngoài biên giới thôn xóm của họ, tức là địa bàn dân cư đã được quy định bởi các thần linh phù hộ cho thôn xóm này. Chính vì thế, họ không dám nới rộng đất đai ra khỏi biên giới truyền thống, vì sợ không còn hưởng quyền bảo bộ của thần linh Champa nữa. Điều này khiến cho biên giới của các làng xã và ngay cả biên giới của quốc gia Champa trở thành biên giới cố định và vĩnh viễn, không bao giờ thay đổi. Chính đó cũng là nguyên nhân đã giải thích tại sao dân số của Champa tại các vùng đồng bằng không hề thay đổi trong quá trình lịch sử.

Trái ngược với vùng duyên hải, khu vực cao nguyên Champa có diện tích rộng mênh mông, nhưng người dân bản địa sống ở nơi đó chỉ biết khai khẩn đất đai theo hình thức du canh đốt rừng làm rẫy, tức là công thức canh tác hoa màu một cách liên tục trong một thời gian vào khoảng 3 năm sau đó phải bỏ hoang từ 15 đến 20 năm để cho đất đai này trở lại mầu mỡ (P-B. Lafont, «Lagricultuire sur brûlis chez les proto-indochinois des hauts plateaux du centre Vietnam», đăng trong Les cahiers d’Outre-Mer. Revue de Géographie, Tome XX, 196, trg. 37-50). Chính vì thế, dân tộc bản địa sống ở miền cao của Champa không thể gia tăng đất đai trồng trọt cũng như dân số của họ một cách nhanh chóng. 

Những yếu tố vừa nêu ra đã chứng minh rằng tỷ lệ dân số Champa không thay đổi cho đến thời kỳ cáo chung của nền văn minh Ấn Giáo vào thế kỷ thứ XV. Nếu người ta không biết rõ dân số của thần dân Champa vào thế kỷ XVI-XIX là bao nhiêu, thì người ta cũng không biết chỉ số thật sự của dân tộc Champa là bao nhiêu trong suốt chiều dài của lịch sử. Cũng vì quá chú tâm đến các sự kiện mang nội dung Ấn Giáo, các bia ký Champa chỉ nhắc đến một cách tình cờ vài biến cố liên quan đến dân cư trong vương quốc này. Nếu tư liệu này có nêu ra một vài chỉ số dân cư đi nữa, thì đây chỉ là tổng số quân địch thua trận trên bãi chiến trường, với số lượng đôi lúc được phóng đại để nhằm tâng bốc và tôn vinh các nhà lãnh đạo Champa thắng trận thì đúng hơn (L. Einot, «Les Inscriptions de Mĩ-sơn XXI A &  B» trong BEFFO IV, 1904, trg. 965). Theo biên niên sử Việt Nam, quân đội Champa trước thế kỷ thứ XV có vào khoảng một trăm ngàn người, nhưng đây chỉ là con số mang tính chất suy đoán không biểu tượng cho số lượng quân lính thật sự của vương quốc Champa thời đó. Riêng dân số của thủ đô Champa vào thế kỷ thứ XV, biên niên sử Việt Nam nêu ra hai lần. Lần đầu, tài liệu này cho rằng Thành Đồ Bàn (Vijaya) có vào khoảng 2500 gia đình (tương đương khoảng mười ngàn người) và lần thứ hai, bảy mươi ngàn người.

Vào cuối thế kỷ XX, người ta cũng không biết một cách chính xác số lượng người Chăm và người Tây Nguyên ở miền trung Việt Nam. Những con số do các nhà nghiên cứu và các viện thống kê chính thức hay bán chính thức đưa ra chỉ là con số phỏng chừng và đôi lúc thêm bớt để xác minh cho lý thuyết của họ mà thôi. Thí dụ điển hình là dân số người Chăm tại Việt Nam xuất hiện trong các tài liệu thường thay đổi từ 76000 người (Cao Xuân Phổ, Hanoi, 1988) cho đến 95000 người Chăm (Po Dharma, Paris, 1997) trong lúc đó con số 60000 người dường như gần gũi với thực tế hơn. Về người Chăm tại Campuchia, họ là tập thể đã bỏ rơi vùng đồng bằng duyên hải Champa ra đi lánh nạn từ cuối thế kỷ XV để thoát khỏi các thảm họa Nam Tiến của dân tộc Việt. Số lượng dân số của họ cũng là một vấn đề chưa giải quyết thích đáng. Các nhà nghiên cứu Âu Châu thường nhầm lẫn họ với các người Mã Lai sinh sống tại Campuchia, tức là hai dân tộc cùng chung một gia đình ngôn ngữ và tín ngưỡng Hồi Giáo và thường liên hệ với nhau qua các cuộc hôn nhân hỗn hợp. Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu Âu Châu cũng không bao giờ đưa ra một con số chính xác hay khoảng

chừng liên quan đến tổng số riêng của người Chăm hay người Mã Lai tại vương quốc Campuchia, mà chỉ nêu ra tổng số chung của cộng đồng Chăm-Mã Lai theo Hồi Giáo

mà thôi. Chính vì thế, số lượng dân tộc Chăm và Mã Lai tại Campuchia vẫn là một lý thuyết mang tính cách trừu tượng mà thôi. Con số đáng tin cậy nhất mà người ta thường nghĩ đến là con số của viện điều tra dân số thực hiện vào năm 1998 thống kê có 250000 người Khmer Islam tức là cả người Mã Lai và người Chăm theo đạo Hồi Giáo cộng lại. Ngược lại với những gì mà người ta thường đưa ra, chỉ số người Chăm ít hơn người Mã Lai. Kể từ đó, người ta ước lượng dân số người Chăm tại Campuchia, tức là tập thể tự cho mình gốc Chăm và nói tiếng nói Chăm, có vào khoảng 100000 người. 

Từ khi chiến tranh Đông Dương lần thứ hai chấm dứt vào năm 1975, có vào khoảng 20000 người Chăm sang định cư định cư tại Mã Lai và một số lượng nhỏ hơn tại miền tây của Hoa kỳ và Cộng Hòa Pháp. Hầu như toàn thể các người tị nạn này là người Khmer Islam đã rời bỏ Campuchia từ khi quân Khmer Đỏ nắm chính quyền vào năm 1975. Đa số những người tị nạn này tự cho mình gốc Mã Lai chứ không phải là Chăm. Một số còn lại, thường tự giới thiệu mình là người Muslim thay vì người Chăm Hồi Giáo. Còn những người Chăm tị nạn ở nước ngoài xuất thân từ miền trung Việt Nam thì có số lượng rất ít. Họ đã bỏ xứ ra đi vì sợ bị trả thù sau biến cố 1975.

Liên quan đến người Tây Nguyên có tiếng nói thuộc gia đình ngôn ngữ Đa Đảo, dân số của họ vẫn còn lu mờ mặc dù bảng điều tra năm 1991 đã liệt kê như sau: dân tộc Ê Đê (Rhadé) có vào khoảng 194000 người mặc dù chỉ số của họ không quá 120000 người ; dân tộc Raglai có 71696 trong lúc đó họ chỉ có khoảng 50000 người ; Dân tộc Churu có 10746 ; dân tộc Jrai dường như có khoảng 15000.

LỊCH SỬ DÂN TỘC KHMER | CHƯƠNG IV – FUNAN VÀ ANGKOR BOREI

Thông qua các sử liệu của người Tàu, «Funan» là tên vương quốc Khmer mà người nước ngoài biết đến đầu tiên trong lịch sử. Bởi lý đó nhiều người tin rằng, Funan chính là vương quốc đầu tiên của người Khmer. 

Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về sự thành lập và suy thoái của «Funan», và cái tên này có thực sự là tên người Khmer tự gọi Vương quốc của mình hay không?

Thật ra «Funan» không phải là vương quốc đầu tiên của người Khmer. Funan là tên quốc gia đầu tiên mà người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc đề cập đến.

Funan là quốc gia đầu tiên của người Khmer theo đạo Bà La Môn. 

Bà La Môn Kaundinya là người mang tôn giáo này đến lãnh thổ người Khmer. 

Có nguồn sử liệu cho rằng Bà La Môn Kaundinya có nguồn gốc từ Malaysia, mà thời bấy giờ được xem là một phần lãnh thổ của thế giới Ấn Độ. Tuy nhiên, theo truyền thuyết của người Khmer, Kaundinya là người có xuất thân từ Bán đảo Ấn Độ.

Dù vẫn chưa có sử liệu chính thức về nguyên quán của Ngài, nhưng khoảng năm 50 Tây Lịch, sau khi đánh bại nữ vương của người Khmer mà người Khmer gọi là «Yeay Liu». Bà La Môn Kaundinya lấy nữ vương làm Hoàng hậu và trở thành vị Nam Vương đầu tiên trong lịch sử của người Khmer.

Tất cả các sự kiện này được truyền thuyết hóa và được người Trung Quốc ghi chép lại trong các thư tịch cổ của họ. Sự kiện này cũng được người Chăm ghi lại trên các bia đá ở Mỹ Sơn thuộc Trung phần Việt Nam hiện nay. 

Cũng tiện đây, chúng tôi cũng xin thêm rằng, người Khmer thuộc nhóm Môn-Khmer (gốc từ Ấn Độ), người Chăm thuộc nhóm Nam Đảo (gốc Nam Dương, Mã Lai và cũng là hậu duệ của người Munda từ Ấn Độ). Dân của hai quốc gia Khmer và Chăm là hai dân tộc khác nhau, tuy nhiên giai cấp Vua chúa và Tăng lữ Bà La Môn là cùng một dân tộc, nói cùng một thứ ngôn ngữ là Sanskrit. Hơn nữa hoàng thân Khmer và hoàng thân Champa thời ban đầu lại có quan hệ huyết thống với nhau. 

Trở lại năm 245 Tây Lịch, một phái đoàn người Trung Hoa do Khang Thái (hay Khương Thái) (康泰) và Chu Ứng (朱應) đi sứ và ngao du đến vùng đất lãnh thổ của người Khmer và ở đấy cho đến năm 250.

Trong lần cư trú gần 5 năm này, Khương Thái có viết lại như sau: «Ban đầu, vương quốc Funan có một nữ vương tên là Yeliu (葉柳 – Việt đọc là Diệp Liễu). Ở Mofu nước Ấn Độ có một người tên là Huntian (混塡 – Việt đọc là Hỗn Điền), người này tôn sùng thần linh. Một đêm nọ Huntian nằm mơ thấy một người cầm cung tên đến và lệnh cho phải lên thuyền hướng ra biển. Sáng hôm sau Huntian đến đền quỳ lạy thần thánh thì tự nhiên thấy cung tên ở dưới gốc cây. Ông cũng tìm một chiếc thuyền và hướng ra biển. Vị Thần gió đẩy thuyền của Huntian đến lãnh thổ Funan. Nữ vương Yiliu thấy thuyền lạ tiến vào lãnh thổ thì một mình bà đuổi bắt chiếc thuyền lạ ấy. Huntian lấy cung tên ra bắn, một mũi tên bắn thủng thuyền của vị nữ vương. Nữ Vương xin hàng. Huntian trở thành vua của Funan».

Năm 658, vua Chăm tên «Prakāsadharma» cũng cho khắc trên bia đá trong Tháp Mỹ Sơn một câu chuyện có nội dung tương tự. Câu chuyện này được ông Louis Finot trong cuốn Les inscriptions de My son, dịch lại như sau:

«Sau khi có một giấc mơ như vậy, Bà La Môn Ấn Độ tên Kaundinya, rời khỏi Ấn Độ theo hướng ra biển và đi đến lãnh thổ của người Khmer. Vừa lên đến đất liền, Ngài liền ném ngọn giáo mà Đại Phạm Thiên Aśvatthāman, con trai của Guru Drona ban cho. Nơi mà ngọn giáo cắm xuống đất, Ngài bắt đầu cho xây dựng kinh đô của mình ở đấy. 

Sau đó, Ngài kết hôn với nữ vương của xứ Khmer tên là Sauma (tiếng Sanskrit nghĩa là Mặt Trăng) là con của Chúa Rồng (Bhujanganāga). Vị chúa rồng này hút nước để lộ một khoảng đất rộng để đôi vợ chồng lập nên vương quốc».

Nhiều nhà sử học có sự hoài nghi rằng tại sao hai câu chuyện về việc thành lập Vương quốc Funan lại không giống nhau. Kỳ thực, câu chuyện của Khương Thái kể chính là truyền thuyết về nguồn gốc của Funan, riêng câu truyện được vua Chăm khắc trên bia đá có pha trộn thêm một số chi tiết về sự hình thành vương quốc Kampuchéa của Bà La Môn Kampu. (Trong truyện này có chi tiết Chúa Rồng hút nước làm lộ một quảng đất lớn, xin xem chi tiết ở chương V Chenla hay Kampuchea.) 

Sở dĩ vua Chăm cho khắc trên bia đá câu truyện có nội dung như vậy là vì Mẫu thân của Ngài là người Khmer, Công chúa Sarāvavaṇṇī là con gái của Đức vua Kampuchéah Isāṇvarmann (ឥសាណវរ្ម័ន). Đức vua này có cha là người thuộc hoàng gia Kampuchéah và mẹ là người của hoàng tộc Funan.

Câu chuyện được khắc trên bia đá pha trộn hai câu chuyện để thấy rằng vua Chăm xuất thân từ 2 dòng hoàng tộc của người Khmer là dòng Kaundinya-Sauma và dòng Kampumeréah, tức vẫn là hậu duệ chính tông của hoàng gia Khmer. 

Theo vị trí địa lý thì vương quốc Funan nằm ở hạ nguồn sông Mekong, trãi dài từ Phnom Penh hiện nay đến biển Nam Trung Hoa. 

Trung tâm và là khởi nguồn của vương quốc Funan là vùng Kampuchea Krom, trước đây Pháp gọi là Cochinchine và hiện nay được gọi là Nam Bộ Việt Nam.

Trên lãnh thổ này, các vị vua,chúa Khmer cho đào hệ thống các kênh rạch dẫn nước dài hơn 200km phục vụ cho việc tưới tiêu nên ngành nông nghiệp ở đây phát triển hết sức rực rỡ.

Người Khmer Krom hiện nay chính là hậu duệ trực tiếp của sắc dân là chủ của vương quốc «Funan».

Thủ đô của vương quốc Funan là thành phố Angkor Borei, hiện nay nằm trên địa phận tỉnh Takeo như ông Chaude Jacques đã chứng minh trong quyển Le Pays Khmer avant Angkor, ấn bản tạo Paris năm 1986 chứ không phải là Vyadhapura (វ្យាធបុរៈ – nay thuộc huyện Ba Phnom tỉnh Prey Veng) như một số ý kiến trước đây.

Hơn nữa một số nhà nghiên cứu cho rằng Vyadhapura có nghĩa là «sợ săn bắn» cũng hoàn toàn không hợp lý. «Vyadha» trong tiếng Sanskrit có nghĩa là «bị đâm thủng bởi mũi tên». «Pura» có nghĩa là thành phố. Như vậy Vyadhapura có nghĩa là «Thành phố có sức mạnh của mũi tên». 

Cũng như vậy, Singapura có nghĩa là thành phố có nhiều sư tử mà là thành phố có mà là thành phố có sức mạnh, oai lực của sư tử.

Đặc điểm của vương quốc Khmer thời bấy giờ không phải là quốc gia đi theo chủ nghĩa hoà bình, mềm yếu, không khiến các quốc gia khác liên kết hoà bình mà ngược lại khiến các quốc gia khác phải sợ hãi, thuần phục. Chính sách mà Vương quốc Khmer thời bấy giờ theo đuổi, nếu dùng thuật ngữ hiện đại gọi là «Chính sách răng đe» (Politique de dissuasion), tức là mạnh và đánh trước để kẻ thù có ý định xâm lược mình.

Vương quốc Funan là vương quốc hùng mạnh nhất trong các tiểu vương quốc khác của người Khmer. Quốc vương Funan là Đại quốc vương, là người có tầm ảnh hưởng là là thống lĩnh của quốc vương các tiểu quốc khác của người Khmer khác, như vương quốc «Zhenla»  chẳng hạn.

Vì là Vương quốc hùng mạnh nhất trong các vương quốc của người Khmer, Funan cũng là đại diện cho tất cả các quốc gia khác của người Khmer thực hiện các vấn đề về đối ngoại, bởi các nước chư hầu hoặc lệ thuộc không có quyền thực hiện các nghi thức ban giao với nước ngoài. 

Chính vì thế, ở thời điểm Khương Thái đi sứ đến xứ Khmer, Funan là quốc gia duy nhất của người Khmer có quan hệ ban giao với Trung Hoa cũng như một số quốc gia khác ở Ấn Độ. 

Năm 503, Hoàng đế Trung Quốc tấn phong cho Quốc vương Funan Kaundinya Jayavarman chức Đại Tướng.

Về đặc điểm dân cư ở đây, Khang Thái viết rằng: «Người xứ này có hình dạng xấu xí, tóc xoăn, nam giới thì ở trần. Người ta không biết trộm cắp. Chén dĩa đựng đồ ăn toàn làm bằng bạc. Người ta biết lấy vàng bạc, ngọc trai, mã não và nước hoa làm lễ vật đóng thuế. Người ta có sách và có thư viện lưu trữ các tài liệu của họ, …» 

Một số người thấy Khang Thái viết rằng người Khmer « ở trần»  và trong khi chép của ông này cũng có đề cập đến từ «man di», hiểu lầm rằng sứ thần Trung Hoa này đánh giá thấp về người Khmer và cho rằng người Khmer thời bấy giờ còn kém phát triển, chưa đạt đến trình độ văn minh. 

Tuy nhiên, hầu như trong tất cả các tài liệu cổ của mình, người Trung Hoa luôn gọi các dân tộc khác là «người man» (di), điều này không phải để đánh giá mà chỉ cốt để đề cao dân tộc Trung Hoa của họ. 

Đối với vua chúa Trung Hoa thì mọi người dân đều là «nan di», và đối với người Trung Hoa, tất cả các dân tộc khác, bao gồm Khmer, Mongol, Nhật Bản, Việt, (mà không phải là người Hán)… tất cả đều là «Man di», «dị chủng»  cả.

Người Khmer «ở trần» là không mặc áo chứ không phải là không mặc gì cả, và ghi chép này của Khang Thái là hoàn toàn đúng bởi đặc điểm văn hóa này vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Ngày nay, nam giới người Khmer vẫn còn giữ thói quen cởi trần (và quấn xà rông hoặc mặc quần ngắn) khi ở nhà.

Việc người Khmer ở thời kỳ này biết dùng chén bát bằng bạc, biết đen vàng, dầu thơm để đóng thuế, và đặc biệt là có sách ghi chép lịch sử và thư viện chứng tỏ người Khmer ở «vương quốc Funan» đã phát triển đến một trình độ hết sức cao trong nghề luyện kim và nghệ thuật.

Vị Đại đế cuối cùng của vương triều Funan là Rudravarman (Rutreah Varman – រុទ្រ​វរ្ម័ន) là con của Jayavarman Kaundinya nhưng không phải con của Hoàng hậu Hoàng Hậu Kulaprabhāvatī (កុល​ប្រភាវតី – Kolah Propheaveahtey.

Rudravarman lên ngôi sau khi giết thái tử Guṇṇavarman (គុណ្ណ​វរ្ម័ន – Kunna Varman) là anh em cùng cha và là con ruột của Hoàng hậu Kulaprabhāvatī. 

Vua Rudravarman theo tôn giáo Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna) và là vị vua đầu tiên của người Khmer lấy Phật giáo làm quốc giáo.

Tất cả các sự kiện này làm cho đất nước Khmer có nhiều chuyển hết sức quan trọng.

Rudravarman lên ngôi vào năm 545 (Tây Lịch) cũng là năm Ngài đón tiếp đoàn đi sứ của người Trung Hoa đến xin Khmer hỗ trợ dịch thuật kinh tạng Phật giáo. Ngài nhập lời thỉnh cầu của Trung Hoa và thỉnh Đại đức Guṇratanā (គុណ​រតនា – Kun Ratana, tức Ân Bảo hay Ân Bửu ), là nhà sư có gốc từ Ấn Độ để đến Trung Hoa dịch kinh sách theo thỉnh cầu của họ.

Vua Rudravarman không có con trai nối ngôi. Dòng dõi của Thái tử Guṇṇavarman lại có ý đồ chiếm lại vương quyền.

Vua Bhavavarman (ភេវវរ្ម័ន – Pheaveah Varman), quốc vương vương quốc «Zhenla» (Chân Lạp) thời bấy giờ là cháu ngoại của Rudravarman, cũng muốn giành quyền nối ngôi vua Funan thay ông ngoại mình. Vua Bhavavarman của Zhenla xua quân đánh chiếm vương quốc Funan. 

Sau khi vua Bhavavarman băng hà, Tướng Citttrāsenā (ចិត្ត្រា​សេនា – Chettrasena) là em họ của ông nối ngôi vua lấy hiệu là Mahendravarman (មហិន្ទ្រ​វរ្ម័ន – Mohentreah Varman) tiếp tục công cuộc chinh phạt Funan. 

Tiếp sau đó là vua Isāṇavarman (ឥសាណ​វរ្ម័ន – Isan Varman) là con của vua Mahendravarman đã hoàn thành cuộc chinh phạt Funan, chiếm được thủ đô Angkor Borei (nay thuộc tỉnh Takéo, vương quốc Campuchia) vào năm 630 Tây lịch. 

Vương quốc Funan được sát nhập vào lãnh thổ vương quốc «Zhenla» (tức Kampuchea), mất đi vai trò là Đại vương quốc mà trở thành một quốc gia chư hầu của đế chế Khmer, cũng kể từ đó, văn bản Trung Hoa không còn nhắc tới tên vương quốc Funan, hay Phù Nam này nữa. 

Về tên gọi vương quốc Funan

Theo Giáo sư S. Cœdès, «Funan có nguồn gốc từ chữ Phnom (ភ្នំ – núi) hay Vnom (វ្នំ) và vương quốc Khmer thời bấy giờ có tên là Nagara Phnom (នគរ​ភ្នំ – Nokor Phnom, Vương quốc Núi). Cũng theo Giáo sư S. Cœdès Thủ đô của vương quốc Khmer này nằm ở nơi mà ngày nay là huyện Ba Phnom, gần Banam, tỉnh Prey Veng là tên của một ngon núi. Vì vương quốc có thủ đô là núi, nên gọi là «Vương quốc Núi»

Quốc vương của nước này là một «Śailēndra» (សៃលិន្ទ្រ –Sai Lin ) tức là «Chúa Núi». 

«Śailēndra»  là chúa tể của của núi hoặc núi lớn nhất trong các núi chứ không phải là vị chúa tể của một tộc người sống trên núi. 

Vua của một số vương quốc ở Nam Ấn, Indonesia (Nam Dương), đảo Sumatra, đảo Java đều là các «Śailēndra», điểm đáng lưu ý là các quốc gia này hoàn toàn không có nhiều đồi núi mà ngược lại là những dãy đồng bằng ven biển.

Trở lại lập luận cho rằng Ba Phnom có nghĩa là núi như ông Cœdès từng phân tích.

Yếu tố «Ba» trong các tên gọi ở đây không có ý nghĩa là «Núi», «Ba» có nghĩa là «Cha» do người Khmer có truyền thống tôn thờ «Me – Ba» tức mẹ-cha. Người Khmer đặt tên sông, nước là «me» (ví dụ như Mekong), đặt tên núi là «ba», ví dụ như «Banam» đọc trại từ  «Ba Norm» (បា​នាំ – Cha dẫn) tức là «Vị cha dẫn dắt dân tộc., «Ba Thae»  (បា​ថែ – Cha bảo vệ, người Việt đọc chệch thành Núi Ba Thê), «Ba Deang»  (បាដែង – Cha Mạnh mẽ, người Việt cố ý gọi chệch là núi Bà Đen).

Như đã đề cập ở các kỳ trước, người Khmer có nguồn gốc tổ tiên từ Ấn Độ và Bà La Môn Kaundinya, vị vua nam đầu tiên của Vương quốc Khmer được biết đến cũng là người gốc Ấn.

Khi trở thành Quốc vương của người Khmer, ông cho xây dựng xã hội Khmer theo khuôn mẫu sao chép từ xã hội của Ấn Độ thời bấy giờ. Và theo đó, rất có thể người Khmer (cũng như người Ấn Độ thời đó) đã lấy tên quốc gia của mình theo tên của vị Quốc vương hoặc tên của Thành phố mà Quốc vương sống.

Marilia Albansése viết trong cuốn Angkor, Splendeurs de l’art khmer rằng, «Các văn tự trên bia cổ của người Khmer không đề cập đến tên Funan hay Zhenla gì cả. Họ lấy tên Thủ đô đặt tên cho Vương quốc của mình».

Như vậy, «Funan» không phải là tên của quốc vương, tên thủ đô hay tên của một vương quốc của người Khmer. 

Giả thuyết cho rằng «Nokor Phnom» (Vương quốc Núi) được Tàu đọc chệch là «Funan»  hoàn toàn không hợp lý. 

Thực vậy, «Funan»  (扶南,  Việt đọc là Phù Nam) chỉ đơn thuần là một cái tên gọi mà người Tàu dùng để gọi vùng đất này với nghĩa là «Vùng đất ở phía Nam».

Vấn đề đề người Tàu đặt tên cho một vùng đất nào đó không phải là một hiện tượng lạ, họ có thói quen đặt tên Tàu cho nhiều địa danh trên thế giới, mà nếu trường hợp tương tự như «Funan» có thể kể đến vương quốc «Fusang» (扶桑, Việt đọc là Phù Tang, tức đất nước Nhật Bản ngày nay). 

Vậy vương quốc của người Khmer mà người Tàu gọi là «Funan»  thực chất có tên gọi là gì? 

Như đã trình bày ở trên, thủ đô của vương quốc này là thành phố Angkor Borei. Vương quốc Khmer mà người nước ngoài biết đến đầu tiên nhất, và người Tàu gọi là «Funan»  được người Khmer gọi với cái tên chính thức là là Vương quốc Angkor Borei (Nokor Angkor Borei).

Vương Quốc Champa: Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử | Địa dư | Vùng cao nguyên của Champa

Miền tây của đồng bằng duyên hải Trung Việt có một hình thái thiên nhiên rất khác biệt giữa phía bắc và phía nam của núi Bạch Mã (Thừa Thiên và Đà Nẵng). Về phía bắc của núi này, các đồi đá cứng xuất hiện giống các mắc xích theo hướng tây-bắc / đông-nam (núi Voi Mẹp, núi Đông Ngai). Về phía nam là khu vực có các đồi núi (núi Chùa ở Quảng Ngãi, núi Kontum, núi Ba ở Bình Định), kết hợp thành một dãy rất cao và có độ dốc đứng thẳng theo chiều bắc nam xuống các vùng đất thấp. Về phía tây của độ dốc này là dãy cao nguyên trùng điệp. Bắt đầu từ núi Vọng Phu đến mũi Varella là khu vực địa dư có hình thái xếp ngang xuất phát từ những ngọn núi Châk Yang, núi Bi Dup (Khánh Hòa), núi Langbian (Lâm Đồng), núi Brah Yang, núi Yung (Bình Thuận) chạy dài liên tục, hết núi này sang núi kia, đi xuống về phía bờ biển tạo thành các vùng đồng bằng nhỏ hẹp như đã đề cập ở phần trên.

Mặc dù không hoàn toàn là một dãy Trường Sơn (cordillère) mà ngược lại là mép rìa (rebord) của cao nguyên hướng về phía nước Lào có độ cao không quá 2610 mét, các dãy đỉnh cao này chạy dài từ ngọn núi Ataouat (2500 mét) nằm trên bắc vĩ tuyến 16 cho đến núi Vọng Phu (Nha Trang) kết thành một bức màng ngăn chận khí hậu giữa miền duyên hải của miền trung Việt Nam chịu ảnh hưởng của gió mùa cũng như các trận bão nhiệt đới và nước Lào có thời tiết mùa đông hoàn toàn khác hẳn.

Tựa lưng vào tuyến cao điểm ngự trị cả đồng bằng duyên hải bắt đầu từ núi Bạch Mã là khu vực bao gồm những vùng cao nguyên đi xuống thoai thoải từng chồng, chạy về mạn sông Cửu Long (Mékong). 

Cao nguyên đầu tiên của Tây Nguyên là cao nguyên Kontum mà phần phía nam trải dài ra khỏi biên giới Pleiku đã nhận một lượng nước mưa trung bình 2500 mm giữa năm 1950 và năm 1960. Cao nguyên này có chiều cao không quá 800 mét là khu vực có núi lửa hoạt động xưa kia đã lưu lại các di tích của chóp núi lửa như núi Hodrung, các hồ nước trên miệng núi lửa như hồ Tonueng và các đất đai thích hợp cho việc trồng trọt. Các vùng đất này xưa kia là rừng rậm mà một phần bị con người tàn phá. Vào năm 1950, người ta thấy khu vực này có nhiều chỗ bị tàn phá để biến thành rừng cây tre, như cao nguyên Pleiku (vùng Gia Lai). Về phía đông cao nguyên này là bậc thềm đi xuống đồng bằng duyên hải như vùng An Khê với độ cao khoảng 400 mét ăn nước tưới dồi dào và có một ngọn đèo mang tên đèo An Khê tiếp giáp bờ biển, với độ cao ngang với Qui Nhơn. Về phía nam của cao nguyên An Khê là thung lũng Cheo Reo (Phú Bổn) trải dài theo các con sông Ya Ayun và sông Ba, tức là nơi cao điểm của sông Đà Rằng chảy xuống biển gần Tuy Hòa.

Tiếp theo cao nguyên Kontum chạy xuôi về phía nam là cao nguyên Dak Lak đã tiếp thu vào các năm 1950-1960 một lượng nước trung bình 1500 mm. Với độ cao từ 600 đến 700 mét, cao nguyên này hiện ra giữa Cheo Reo và Ban Mê Thuột như một tấm thảm đá bazan hơi gợn sóng. Đất trồng của nó rất màu mỡ ăn nước sông Srê Pốc (Srépok) thượng, một phụ lưu của sông Mé Kong, bị cắt đoạn bởi nhiều thác nước như thác Dray Hlinh. Càng đi sâu về phía nam, người ta thấy những thung lũng rộng lớn lẫn lộn với những khu vực có mô hình không rõ rệt thường hiện ra các hồ nước, như hồ Lak, các ao nước và các đầm lầy. Về phía đông của cao nguyên này là khu vực bậc thềm kết hợp với các vùng đất thấp, vùng đất sụp của Khánh Dương (M’Drak) cấu thành một đồng bằng khoáng chất với đá bazan mà đèo Yok Kao (Phượng Hoàng) mở cửa xuống vùng Ninh Hòa. Gần một thế kỷ qua, ngoài các khu vực đã được sử dụng để trồng trọt, đất đai chung của vùng này, nhất là khu vực phía bắc, vẫn còn là quang cảnh của những khu rừng thưa, những bãi trống, những đồng cỏ và về phía nam là những khu rừng rậm rất tươi tốt.

Về phía nam của cao nguyên Dak Lak là một loạt các đỉnh núi lửa mà một số có độ cao đến 2400 mét, như ngọn Chưk Yang, ngự trị trên một cao nguyên gọi là cao nguyên Langbian với độ cao trung bình là 1500 mét. Cao nguyên này với độ cao rất gồng gềnh, gồm các loại đá núi lửa mà một số tác giả còn gọi cao nguyên Đà Lạt, có nhiều thung lũng và hồ nước như hồ Mê Linh và thác nước như thác Cam Ly. Cao nguyên này là khu vực trù phú phát xuất từ các rừng thông, các bãi cỏ, các hoa mầu. Về phía đông nam, cao nguyên này chạy dài về phía biển theo một loạt khu đất bậc thang (terrasse), chẳng hạn khu đất bậc thang Dran (Đồn Dương) rất là nổi tiếng. Nếu cao nguyên này đi về các hướng khác, thì nó thường chấm dứt bằng các sườn núi hơi dốc đứng.

Về phía tây của cao nguyên Langbian là cao nguyên ba biên giới Đak Nông, còn được gọi là cao nguyên Chhlong thượng. Thực ra nó chỉ nối dài cao nguyên Dak Lak về cạnh nam-tây-nam và có quang cảnh của các ngọn đồi phủ lấp bởi đá sạn. Với độ cao trung bình 1000 mét, cao nguyên này bị chia cắt thành những thung ung sâu với các bờ sườn có độ dốc đứng. Phủ lớp bởi đá cát, đá xít (diệp thạch) và đôi lúc bởi đá bazan, đất đai của ba biên giới Đak Nông không phì nhiêu cho lắm. Thêm vào đó, nhiều sườn núi dốc đứng của nó đã tạo ra những con lạch vào mùa mưa và tình trạng thiếu nước vào mùa hạn.

Về phía nam cao nguyên Langbian là cao nguyên Di Linh hiện ra như là bực thang thấp của Langbian. Với độ cao từng bậc giữa 800 mét và 1000 mét, cao nguyên này là một đồng bằng lõm gồm có đá cát và đá bazan, bị chia cắt thành nhiều khu vực bởi con sông Đồng Nai Thượng và các phụ lưu của nó tạo ra. Cao nguyên Di Linh thường có những thung lũng với đất đai trồng trọt rất là màu mỡ. Ăn nước mưa dồi dào với lượng nước mưa trung bình hằng năm là 2115 mm, cao nguyên này là khu vực rừng rậm lúc ban đầu tại các vùng cao, nhưng thường nhường chỗ cho các khu rừng xuống cấp do con người gây ra.

Khí hậu miền cao nguyên ở miền trung Việt Nam thay đổi theo từng vùng. Nhưng đại thể, người ta ghi nhận rằng từ tháng năm đến tháng chín Tây Lịch là mùa ẩm thấp với mây mưa và sương mù. Vào tháng mười cho đến tháng tư thì là mùa khô, tức là thời kỳ tươi mát nhất tùy theo độ cao. Cao nguyên Langbian, nhiệt độ thường xuống đến 10 độ C vào tháng hai. Nhiệt độ trung bình hằng năm thay đổi tùy theo kinh tuyến và vĩ tuyến (+20 độ C / -2 độ C ở phía bắc cao nguyên Kontum và 24,6 độ C trung bình để rồi xuống cho đến 8 độ C tại trung tâm của cao nguyên Laắk Lắk). 

Cho đến thế kỷ XX, các vùng cao nguyên này vẫn là khu rừng rậm với nhiều hương thơm khác biệt gồm các loại cây hương trầm như loại cây aloès, cây bàng, cây santal cấu thành một thị trường dành cho nguời Ả Rập và người Nhật. Cao nguyên này cũng có nhiều loại thú rừng như con voi tại cao nguyên Dak Lak, vùng ba biên giới và Di Linh mà các chiếc ngà đã được xuất khẩu đi khắp Á Châu; bò rừng và trâu rừng trên các cao nguyên Kontum, An Khê và Langbian; con họ hươu (cervidé) trên khắp cao nguyên và bình nguyên; cọp rừng mà da của nó thường ghi lại trong danh dách hàng hóa của thương thuyền di chuyển từ Đà Nẵng đến Malithit (Phan Thiết) trong vương quốc Champa thời đó; con tê giác mà sừng và xương cốt của nó cấu thành các món hàng thương mại rất quí giá. 

Đến giữa thế kỷ XX, dân cư trên các vùng cao nguyên Kontum, Pleiku, Dak Lak, Dinh Linh và vùng Ba Biên Giới chỉ gồm những người dân bản địa Đông Dương. Họ chuyên sống về nông nghiệp phá rừng làm rẫy du canh theo mùa, di chuyển từ vùng này sang vùng khác sau khi đất đai đã hết màu mỡ. Tỉ lệ dân số trong vùng này rất thấp và nơi cư trú rất là thưa thớt (J. Boulbet, “Le Miir, du canh nương rẫy bỏ hoang rừng ở nước Maa”, đăng trong tạp chíBulletin de l’École Francaise d’Extrême OrientLIII-1, 1966, trg 77-98). *

Như chúng ta vừa nhìn qua, đồng bằng nằm dọc theo bờ biển của Champa có ít đất trồng trọt và vì thế chỉ có thể cung cấp một sản lượng nông nghiệp rất là hạn chế và cố định. Sản lượng nông nghiệp là yếu tố góp phần vào việc gia tăng dân số rất nhanh chóng, với điều kiện là vương quốc Champa phải gia tăng diện tích trồng trọt. Nhưng vì lý do tôn giáo, Champa không thể mở rộng đất đai của mình ra khỏi biên giới được qui định bởi thần linh của vương quốc này. Chính đó là nguyên nhân giải thích tại sao các cuộc chiến do Champa khởi xướng không phải là cuộc chiến xâm chiếm đất đai. Và sau những cuộc chiến thắng quân sự, vương quốc này cũng không bao giờ sáp nhập đất đai của nước láng giềng thua trận vào lãnh thổ của quốc gia mình (“La notion de frontière dans la partie orientale de la peninsule indochinoise” trong tác phẩmLes bin giới Việt Nam, Paris, L’Harmattan, 1989, trg.18- 19). Điều này cũng giải thích thêm tại sao dân số tại các vùng đồng bằng Champa đã không thay đổi trong suốt chiều dài của lịch sử. 

Cao nguyên của Champa bao gồm nhiều khu vực rộng lớn chứa nhiều rừng rậm, nhưng dân cư của vương quốc này không biết cách khai thác, chỉ bám vào hệ thống nông nghiệp cổ truyền bằng cách đốt rừng khai hoang để chuẩn bị đất trồng. Phương pháp này không cho phép phát triển ngành trồng trọt một cách liên tục trên một khu đất vì chu kỳ màu mỡ của lớp đất chỉ có giới hạn. Chính đó là nguyên nhân làm suy giảm năng suất thu hoạch. Đây cũng là yếu tố đã làm cho dân số đọng lại nếu không canh tân hệ thống sản xuất như chính sách nông nghiệp đã từng phát triển vào giữa thế kỷ XX. 

Điểm cuối cùng mà người ta không thể bỏ qua được đó là sự chia cắt đất đai vùng ven biển bởi trạng thái thiên nhiên của địa dư và hệ thống sản xuất đốt rừng khai hoang trên các vùng cao nguyên đã ngăn trở việc liên đới chặt chẽ giữa các dân cư Champa. Tại miền duyên hải, dân cư sinh sống ít khi liên hệ với nhau vì các chướng ngại núi non mặc dù có thể vượt qua dễ dàng. Trên cao nguyên, các dân cư cũng bị cô lập từng khu vực bởi các vùng đất bỏ hoang chờ cho đất mầu tái sinh. 

Hằng bao thế kỷ qua, yếu tố địa dư đã làm trì hoãn đi đà phát triển dân số và hệ thống tổ chức của xã hội Champa. Trong khi đó, bên kia phía bắc ranh giới của Champa, dân tộc Việt làm chủ một địa bàn canh tác vô cùng rộng lớn bao gồm châu thổ của sông Hồng Hà cũng như các đồng bằng miền bắc như vùng Thanh Hóa chẳng hạn, và không ngừng sản xuất vụ mùa hằng năm. Đó cũng là yếu tố đã làm gia tăng dân số dân tộc Việt một cách nhanh chóng và phát triển hệ thống liên đới của họ một cách chặt chẽ hơn. Một khi cuộc chiến bùng nỗ giữa hai quốc gia lân bang, vấn đề địa dư đã trở thành một yếu tố thuận lợi cho phía Đại Việt và bất lợi cho vương quốc Chămpa.

LỊCH SỬ DÂN TỘC KHMER | CHƯƠNG 3 – VƯƠNG QUỐC KHMER

Cho đến ngày nay, người ta chỉ biết lịch sử của người Khmer qua một nguồn duy nhất là các thư tịch cổ của các triều đại Trung Hoa. Người Trung Hoa viết về Khmer lần đầu tiên nhất vào giữa thế kỷ thứ III Tây lịch sau khi ông Kang Tai (康泰, Việt đọc là Khương Thái) và Zhu Ying (朱應, Việt đọc là Chu Ưng), là hai học giả người Dong Wu (吴国, Việt đọc là Ngô Quốc, hay Đông Ngô) đã đến và sinh sống ở vương quốc Khmer trong thời gian 5 năm, từ năm 245 đến năm 250, Tây lịch. 

Những ghi chép của hai ông này được viết lại và lưu giữ trong thư tịch của Đông Ngô.

Theo đó, người Trung Hoa gọi đất nước của người Khmer là «扶南» (Funan – Hán cổ đọc là Phu Nam, người Việt đọc là Phù Nam). 

Đến thế kỷ thứ VII, vào thời nhà Đường (唐朝), người Trung Hoa lại gọi tên đất nước của người Khmer là «真臘» (Zhēnlà – Hán cổ đọc là Zan Laap, Việt đọc là Chân Lạp), tức là «Sáp nguyên chất», «真»(Chân) nghĩa là thực, còn «臘» (Lạp) nghĩa là sáp ong. Do người các thuyền buôn của người Trung Hoa thường mua được sáp ong nguyên chất ở khu vực Kramuon Sar (nay người Việt gọi là Kiên Giang). 

Vì trong cổ tịch Trung Hoa tồn tại hai vương quốc «Phù Nam» và «Chân Lạp» nên nhiều người không hiểu mối quan hệ giữa hai «hai vương quốc» này, và vương quốc nào là vương quốc của người Khmer? Vương quốc của người Khmer là Phù Nam hay Chân Lạp? Hay là một quốc gia nào khác nữa?

Theo tiêu chuẩn Châu Âu, một khu vực địa lý được gọi là một quốc gia khi nó hội đủ 3 tiêu chí là: Có lãnh thổ riêng, có biên giới bao bọc, và có một thủ đô riêng. Thiếu một trong số ba tiêu chí trên thì người ta không thể khẳng định được vùng lãnh thổ đó là một quốc gia.

Về vấn đề này, Giáo sư Xavier Galand trong cuốn Histoire de la Thaïlande viết rằng «Sở dĩ chúng ta công nhận Phù Nam là một quốc gia riêng biệt là do người Trung Hoa cố ý làm cho Phù Nam có những đặc điểm của một quốc gia để họ có thể nhận cống phẩm từ quốc gia này. Cũng có khi những người đứng đầu các nhóm Khmer nhỏ lẻ tập trung lại để có đặc điểm là một quốc gia duy nhất để cống vật phẩm cho Trung Hoa mà thôi».

Nhận định này cho chúng ta thấy rằng, người Pháp không tin rằng người Khmer cổ có khả năng sắp xếp xã hội để thành lập một quốc gia. Người ta cho rằng người Khmer thời bấy giờ sống thành những nhóm nhỏ, những bộ lạc như người Bản địa (Indians) ở Châu Mỹ vậy.

Nhận định này hoàn toàn sai lầm, nó còn cho thấy người phương Tây hoàn toàn không biết rõ về xã hội và quốc gia của người Khmer cũng như người Trung Hoa thời cổ đại. Thực chất, người Khmer đã sắp xếp được xã hội từ rất lâu đời, thậm chí lâu hơn nhiều người vẫn tưởng.

Trong suốt chiều dài lịch sử, người Khmer đã có những quốc gia của mình, và các hình thái quốc gia – xã hội này đã thay đổi theo thời gian. Nếu tính theo các mốc thời gian, các hình thức nhà nước của người Khmer có thể chia theo 3 giai đoạn chính là: 

– Từ trước Tây lịch

– Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ XIV

– Từ sau thế kỷ XIV

1. Trước Tây lịch

Trước Tây lịch, Quốc gia của người Khmer có cấu trúc như các quốc gia hiện đại trên thế giới. Vương quốc của người Khmer thời bấy giờ là một quốc gia thuần nhất, một quốc gia duy nhất của một dân tộc duy nhất và có một nhà nước duy nhất. Chế độ cai trị là chế độ Quân chủ theo Mẫu hệ, nghĩa là có một nữ vương quản lý đất nước. Chế độ mẫu hệ này, người Khmer thừa hưởng từ tổ tiên là người Munda và cũng là chế độ nhà nước của họ có từ mấy ngàn năm trước.

Lãnh thổ của Vương quốc Khmer thời bấy giờ rất rộng. Phía Bắc giáp với dãy núi Vân Nam (thuộc Trung Hoa ngày nay), Phía Nam kéo dài đến giáp với lãnh thổ mà nay là Malaysia, phía Đông giáp với Biển Trung Hoa kéo dài từ bắc Prey Nokor (Việt gọi là Sài Gòn, tức biên giới với Champa) đến Tirk Khmau (Việt gọi là Mũi Cà Mau), phía Tây giáp với eo biển Bengal. Dù thế nào đi chăng nữa, đây là châu lục của người Khmer vì các dân tộc mà hiện nay đang sinh sống gần với người Khmer, vào thời kỳ này vẫn chưa xuất hiện.

Dân tộc Siam mà người Trung Hoa gọi là «暹» (Việt gọi là Xiêm), lúc này vẫn còn ở phía tây Hoàng Hà. Dân tộc này di cư xuống phía Nam ở phía đông dãy núi Vân Nam, thành lập vương quốc «Nanzhao» (南詔, Việt gọi là gọi là Nam Chiếu). Dân tộc này đặt chân lên lãnh thổ của người Khmer đầu tiên vào năm 1238, năm mà họ đánh chiếm được thành phố Sokhaotey (Người Siam gọi là «Sukhothai» สุโขทัย).

Người Việt, có nguồn gốc từ Nam sông Yangtze (Việt gọi là Trường Giang hoặc Sông Dương Tử), cũng di cư xuống phía Nam, và chỉ mới đến vùng đất mà nay là vùng Bắc Kỳ vào khoản năm 257 trước Tây lịch.

Riêng người Chăm, dân tộc này có nguồn gốc từ từ đảo Java và Malaysia. Người Chăm cũng có được vương quốc đầu tiên của mình vào năm 197 Tây lịch do nữ vương Rama dựng nên.

Các dân tộc lân bang của người Khmer thời đó chỉ có người Vân Nam ở phía Bắc, người Mon ở phía Tây. Dân tộc Vân Nam rất yếu và không có tầm ảnh hưởng gì đối người người Khmer, tuy nhiên, người Mon lại là một mối nguy hiểm lớn cho người Khmer, nhất là vào thời Angkor.

Riêng người Hoa, biên giới phía Nam của họ sông Dương Tử, nơi tận cùng phía Nam mà người Hoa cai trị là thành phố của người Quảng Đông là thành phố «Hanhai» (南海, Việt gọi là Nam Hải). Riêng trong triều đại nhà Tần, được xem là triều đại thống nhất Trung Quốc thành lập năm 221 thì lãnh thổ cực Nam cũng chỉ đến «Qiyang» ( 祁陽, Việt gọi là Kỳ Dương, nay thuộc tỉnh Hunan, tức Hồ Nam).

Người Khmer gọi nước «Tần» (秦, Qin) là Chen. Và từ này vẫn được sử dụng cho đến ngày nay để gọi các dân tộc và quốc gia Trung Hoa.

Thời đó, người Khmer không có quan hệ bang giao với nước ngoài. Lãnh thổ rộng lớn, dân số không đông, nói cách khác, người Khmer thời bấy giờ có đủ đất sống. Bởi thế nên, người ta không quan tâm đến biên giới và địa giới lãnh thổ và vương quốc của người Khmer không có biên giới.

Người Khmer không có định nghĩa về «Biên giới», thậm chí cho đến ngày nay, phạm trù biên giới không rõ ràng đối với người Khmer, người Khmer quan niệm rằng «Nơi nào có người Khmer sinh sống, nơi đó là đất đai của người Khmer». 

Người ta cũng không rõ Kinh đô của người Khmer thời đó tên là gì. Và cũng không thể xác định rõ vị trí của nó. Tuy nhiên, vương quốc của người Khmer tất nhiên phải có kinh đô là nơi nữ vương sinh sống.

Tuy vậy, người ta lại biết rất rõ tên của vương quốc Khmer vào thời đó. Người Khmer tự gọi vương quốc là «Srok Khmer» (Xứ Khmer). Những nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Khmer luôn bắt gặp từ «Srok Khmer» , tuy nhiên họ lại không chú ý đến tên này mà ngược lại họ cố gắng quan tâm đến các tên mà người Trung Hoa gọi đất nước của người Khmer, là «Funan» hay «Chenla».

Người Khmer gọi vương quốc của mình là «Srok Khmer» từ rất sớm, có thể là vào đầu thời gian họ đến sống ở vị trí hiện tại, tức là khoảng 6,000 năm trước Tây lịch. Ngày nay, tất cả mọi người Khmer, già hay trẻ, lớn hay nhỏ, vẫn đều gọi đất nước của mình là «Srok Khmer». «Srok Khmer» có nghĩa là xứ sở của người Khmer chứ không phải là xứ sở của một sắc tộc nào hay một dòng họ lãnh chúa nào khác.

Việc đặt tên như vậy không phải là một chuyện ngẫu nhiên mà nó phù hợp với sự phát triển rực rỡ của dân tộc Munda. Hồi 10,000 năm trước Tây lịch, người Munda đã thành lập được hơn 10 Nhà nước Cộng hòa.

2. Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ XIV Tây lịch

Là giai đoạn mà Bà La Môn giáo du nhập vào Srok Khmer.

Bắt đầu là vào khoảng năm 50 Tây lịch, Bà La Môn Kaundinya có nguồn gốc là người Khlaing (từ người Khmer gọi người có nguồn gốc từ Ấn Độ, đã được đề cập ở chương trước) trở thành vua của Srok Khmer. Từ đó, trên tổng thể, cấu trúc xã hội Khmer được sắp xếp theo cấu trúc xã hội của một quốc gia Bà La Môn giáo, tức tương tự như cấu trúc nhà nước của người Ấn thời đó, cấu trúc này khác hoàn toàn so với các quốc gia khác như Trung Hoa và các nước phương Tây.

Người ta không thể đưa ra các nhận định gì về vương quốc của người Khmer nếu chưa tìm hiểu về các vương quốc ở Ấn Độ thời bấy giờ.

Vì không hiểu nhiều về cấu trúc của các vương quốc Ấn Độ cổ, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây không thừa nhận rằng, người Khmer có một quốc gia hoàn thiện như các quốc gia khác. Số khác thì hoài nghi, không hiểu tại sao người Khmer lại có hai quốc gia «Funan» và «Chenla»

Vương quốc Kalinga (hay Ấn Độ ngày nay), có diện tích rất rộng, từ dãy núi Himalaya xuống đến vịnh Comorin và từ Punjab kéo sang đến vịnh Bengal và có thủ đô là thành phố Delhi, mãi đến thế kỷ thứ XIX mới có sự phân bố và cấu trúc như hiện nay. Cấu trúc hiện nay được người Anh thiết lập và vẫn còn tồn tại, dù Anh không còn thực dân vùng đất này nữa.

Trước đây, bán đảo Ấn Độ có rất nhiều tiểu vương quốc và các vương quốc lớn hơn, con số các vương quốc ở Ấn Độ có thể lên đến 600 vương quốc. Có nhiều vương quốc nhỏ chịu sự thống trị của một vương quốc lớn (quan hệ mẫu quốc và tiểu quốc). Ở Ấn Độ có Vương quốc có một vua đầy quyền lực và cũng trong vương quốc ấy có các lãnh chúa cai quản các diện tích lãnh thổ nhỏ hơn, dưới quyền của quốc vương. Quan trọng hơn cả, các vương quốc này không hề đánh chiếm đất đai của quốc gia láng giềng, họ chỉ đơn giản muốn các quốc gia khác trở thành quốc gia phụ thuộc quốc gia mình mà thôi.

Theo truyền thống Ấn Độ cổ, người ta lấy tên của hoàng gia cai trị vùng đất hay tên thủ đô đặt tên cho vương quốc của họ.

Các vương quốc Maurya Gupta và vương quốc Chalukya được đặt theo tên dòng họ cai trị vùng đất đó. Các vương quốc được đặt tên theo tên của thủ đô có thể kể như là Nocca , Uttara Jini, Vijayanagara, …

Vương quốc Khmer thời Bà La Môn giáo có cấu trúc hoàn toàn giống như vương quốc của người Ấn, tức trên lãnh thổ của dân tộc Khmer có rất nhiều quốc gia lớn nhỏ khác nhau, có vị Đại vương và cũng có các tiểu vương cai trị những vùng đất phụ thuộc. Người Khmer cũng sử dụng tên hoàng tộc cai trị vùng đất đặt làm tên quốc gia. Ví dụ như vương quốc Kampuchéah được đặt theo tên của Bà La Môn Kampu là người thành lập vương quốc này. Cũng như người Ấn, người Khmer còn sử dụng tên kinh đô đặt cho vương quốc của mình.

Trường hợp này có thể kể đến rất nhiều như: Angarpura (hay Angkor Borey, nay thuộc tỉnh Takéo, Campuchia), Bhavapura (hay Pheaveah Borey, nay là khu vực Wat Phu, Champasak thuộc Lào), Sampurnapura (hay Sambo Borey, nay thuộc tỉnh Kratié, Campuchia), Indrapura (hay Intreah Borey, nay thuộc Kampong Cham, Campuchia), Isanapura (Hay Eysan Borey (nay là khu vực Sambor Preykuk thuộc tỉnh Kampong Thom, Campuchia) , Aninadittapura (hay Anineahtitta Borey, nay là khu vực Rlous, Campuchia), Malayang (nay thuộc Battambang, Campuchia), Lavoteya (nay là khu vực Lopburi, Thái Lan), Sokhaoteya (hay Sukhothai, nay thuộc Chiang Mai, Thái Lan), Candapura (hay Chan Borey, nay thuộc Chonburi, Thái Lan), Nokor Reach Seyma (nay là Nakhon Si Thammarat, Thái Lan), Nokor Reach (nay là Korat, Thái Lan), … tổng cộng có đến 60 vương quốc của người Khmer dưới thời vua Suryavarman II. 

Mãi cho đến thế kỷ thứ VII của Tây lịch, Vương quốc phát triển hùng mạnh nhất và trở thành nước thống trị các tiểu vương quốc khác là Angkor Borey (ngày nay là tỉnh Takeo và khu vực thuộc An Giang, Kiên Giang), mà người Trung Hoa gọi là Funan (Việt gọi là Phù Nam). 

Các vương quốc khác đều có các tiểu vương cai trị.

Đến năm 630, Vương quốc Kampuchéah (Tầu gọi là Zhēnlà, Việt gọi là Chân Lạp) trở nên hùng mạnh hơn, đánh bại Angkor Borey và trở thành Vương quốc thống trị.

Kể từ đó Quốc vương của Kampuchéa là vua thống trị toàn lãnh thổ Khmer và quốc vương Angkor Borey (hay biết đến là Phù Nam) vẫn quản lý tiểu quốc của mình và không còn là vị đại vương  thống trị các tiểu vương của các tiểu quốc khác nữa.

Hai quốc gia Angkor Borey (Funan, Phù Nam) và Kampuchéa (Zhenla, Chân lạp) và nhiều tiểu vương quốc khác nữa, đều là những vương quốc của người Khmer. 

Một số nguồn sử Việt viết rằng Chân Lạp, nguyên là một nước chư hầu của Phù Nam, phát triển hùng mạnh và đánh bại vương quốc Phù Nam. Thực tế đúng là như vậy, tuy nhiên, «Đánh bại» ở đây không phải là xâm chiếm lãnh thổ như người Tầu xâm chiếm lãnh thổ người Việt hay người Việt đánh chiếm lãnh thổ người Chăm, mà là sự tranh giành địa vị thống trị giữa các quốc vương. 

Hơn nữa, sử Việt do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, một quốc gia – dân tộc với chủ trương «thống nhất thiên hạ» đã không thể hiểu rằng cả hai quốc gia Angkor Borey (Phù Nam) và Kampuchéah (Chân Lạp) và hơn 60 tiểu quốc khác đều là các vương quốc của người Khmer, thế nên có chăng là sự tranh giành ảnh hưởng của các quân chủ chứ không phải là chiến tranh giữa các quốc gia.

Hơn nữa, người Việt căn cứ vào sự kiện Vương quốc Kampuchéa đánh bại Angkor Borey rồi cho rằng người Khmer (nước Chân Lạp) đánh chiếm đất đai của người Phù Nam (không rõ của dân tộc nào?) và dựa theo luận điểm đó, họ tuyên bố người Khmer không phải là chủ đầu tiên của vùng đất hạ nguồn sông Mekong, mà ngày nay được gọi là lãnh thổ Kampuchea Krom. 

Điều này chứng tỏ, người Việt, có nguồn gốc từ Trung Hoa, hoàn toàn không hiểu gì về lịch sử vùng đất, dân tộc, văn hóa Đông Nam Á mà chỉ căn cứ vào những tên gọi khác biệt trong thư tịch của Tàu rồi diễn dịch sao cho có lợi cho dân tộc họ.

Với cấu trúc Đại quốc và các tiểu quốc chư hầu như vậy, các nước chư hầu phải cống nạp và cung cấp quân đội cho Đại quốc theo yêu cầu. 

Đại Quốc vương có trách nhiệm bảo vệ và đảm bảo hòa bình cho các nước chư hầu và là người thay mặt cho toàn bộ các vua, chúa trên lãnh thổ Khmer thực hiện việc bang giao với các nước khác. Chính vì lý do này mà người Trung Hoa, trong hai lần đi sứ đến lãnh thổ Khmer thì gọi vương quốc của người Khmer bằng 2 tên khác nhau là Funan (Phù Nam) và Zhenla (Chân Lạp). Hơn nữa, khi lần đi sứ đến Phù Nam, họ không hề nghe đến vương quốc Chân Lạp, và lần đi sứ Chân Lạp họ không được nghe nhắc đến đến vương quốc Phù Nam nữa.

3. Giai đoạn từ thế kỷ thứ XIV

Từ thế kỷ XIV đến ngày nay là giai đoạn của Phật giáo Nguyên Thủy (Theravāda). Trong giai đoạn này, có 3 sự kiện quan trọng diễn ra trên lãnh thổ Khmer:

a. Phật giáo Theravāda chính thức trở thành Quốc giáo của người Khmer, cùng với đó là sự suy vong của Bà La Môn giáo.

b. Sự thay đổi vương triều. Vương triều của các Varman bị mất quyền cai trị và thay thế bằng Vương triều mới, cai trị đến tận ngày nay.

c. Sự phát triển của dân tộc Siam (Người Xiêm)

Tất cả các sự kiện này đều có liên quan đến nhau. Kết quả là dân tộc Khmer suy yếu vì bị người Siam đánh bại và thâu tóm hết tất các các vương quốc chư hầu như: Lavoteya, Kampuchéa, khu vực Ubun, Udon, Surin và Ratchasima, thậm chí người Siam còn đánh chiếm đến nơi thờ Preah Linga giáp với biên giới vương quốc Malaysia.

Một hậu quả cũng nghiêm trọng không kém là người Siam đánh chiếm thành phố Angkor, người Khmer phải rời bỏ thủ đô. Đại vương quốc Khmer bị thu nhỏ dần và còn lại một mảnh đất nhỏ hẹp như hiện nay. 

Tên Kampuchéa vẫn được người ta sử dụng và hiện nay người ta gọi lãnh thổ này là Preah Réachéa Nachâk Kâmpuchéa (tức Vương Quốc Kampuchea).

Vương Quốc Champa: Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử | Địa dư | Vùng duyên hải

Mãi đến cuối thế kỷ thứ XX, các nhà nghiên cứu thường cho rằng lãnh thổ Champa trong những thời vàng son nhất vào thế kỷ thứ IX chỉ nằm trên dải đất của miền duyên hải chạy dài từ mũi Hoành Sơn ở phía bắc cho đến sông Dinh (Bà Rịa-Vũng Tàu) ở phía nam và bề rộng của vương quốc này rất eo hẹp bị giới hạn từ bờ biển Nam Hải cho đến chân núi của dãy Trường Sơn mà thôi. Hay nói một cách khác, lãnh thổ của Champa chỉ bao gồm các vùng đồng bằng duyên hải của miền trung Việt Nam hiện nay. Đây chỉ là một giả thuyết không thuyết phục cho lắm, vì gần 20 năm qua, các tư liệu lịch sử, di sản khảo cổ và các văn bản còn lưu lại đã chứng minh rằng lãnh thổ Champa chẳng những nằm trên miền duyên hải ở phía đông mà còn bao gồm, tùy theo giai đoạn của lịch sử, cả khu vực Tây Nguyên của dãy Trường Sơn nằm ở phía tây, có độ dốc chạy thoai thoải cho đến sông Cửu Long (Mékong).

Vào năm 914, các bia ký thuộc giáo phái Phật Giáo đại thừa tìm thấy ở khu vực Kon Klor (Kontum) cho biết lãnh thổ Champa bao gồm cả vùng cao nguyên Kontum. Một bia ký khác viết vào thế kỷ XII nằm trong khu vực của Mỹ Sơn cũng nhắc đến cộng đồng Vrlas và Randaiy, tức là một tập thể tộc người Tây Nguyên có địa bàn dân cư nằm trên khu vực Lâm Đồng, Gia Lai (Pleiku) và Đắk Lắk đã từng phục tùng vua chúa Champa. Điều này đã ám chỉ rằng Tây Nguyên là khu vực nằm trên lãnh thổ phía tây của vương quốc Champa trước kia. 

Bước sang thế kỷ thứ XIII, một số chú thích trong tác phẩm Yuan-che (CCX 55a) của Trung Hoa và nhật ký của Marco Polo liên quan đến cuộc tiến quân của Mông Cổ nhằm chinh phạt Champa vào năm 1283-1285 cũng công nhận rằng lãnh thổ Champa vào thời kỳ đó bao gồm cả khu vực cao nguyên Kontum và Pleiku. Thêm vào đó, sự hiện diện của các đền tháp Champa vào thế kỷ thứ XIV và XV tại thôn Phú Thọ gần Pleiku, một số đền tháp khác nằm trong tỉnh Phú Bổn (Cheo Reo), thung lũng Ia Ayun và Sông Ba và xa hơn nữa, tại khu vực Yang Prong thuộc về phía nam của Đắk Lắk (Ban Mê Thuột) cấu thành một yếu tố vững chắc nhằm xác nhận rằng Tây Nguyên là khu vực nằm trong biên giới chính trị của vương quốc Champa thời trước. Cuối cùng, các tư liệu viết bằng chữ Hán, chữ Chăm, các hồi ký của những thương thuyền Âu Châu vào thế kỷ thứ XVII-XIX cũng như các truyền thuyết dân gian của các tộc người bản địa tại miền trung Việt Nam và Lào quốc cũng thường đưa ra những yếu tố nhằm minh định rằng kể từ thế kỷ thứ XVI cho đến ngày diệt vong của Champa vào năm 1832, lãnh thổ của vương quốc này bao gồm một phần đất đai của dãy Trường Sơn và khu vực đồng bằng nằm về phía tây.

Tóm lại, về mặt địa dư, đất nước Champa là một vương quốc nằm ở miền trung Việt Nam bao gồm miền duyên hải, khu vực Tây Nguyên kể cả các dãy núi của Trường Sơn. 

Vùng duyên hải của Champa 

Từ bắc xuống nam, miền duyên hải Champa trải dài khoảng 800 cây số và không quá 50 cây số chiều ngang, bao gồm các vùng đồng bằng và châu thổ (delta) nhỏ hẹp, thường tách rời với nhau bởi các mũi đá nhô nối liền từ chân núi Trường Sơn cho đến bờ biển Nam Hải (Vũ Tự Lập, Việtnam. Données géographiques, Hanoi, 1977). 

Các mũi đá nhô này thường chia cắt miền đồng bằng thành nhiều vùng eo hẹp rất khó băng qua. Tư thế địa dư thiên nhiên này đã biến Champa thành nhiều khu vực tự trị có bản sắc và đặc thù riêng mà các bia ký và văn bản thường nhắc đến.

Lúc ban đầu, Champa là một quốc gia có đất đai rộng lớn. Vào năm 1069 và 1306, vương quốc này đã nhường lại cho Đại Việt hai khu vực nằm trên lãnh thổ của tỉnh Bình-Trị-Thiên có ranh giới phía bắc là mũi Hoành Sơn và ranh giới phía nam là đèo Hải Vân (núi Bạch Mã), vốn là một bức màng ngăn chận khí hậu một cách tự nhiên. Về phía đông của Bình-Trị-Thiên là khu vực eo biển không cao cho lắm, thường là nạn nhân của các luồng gió, dòng nước, hồ nước mặn và nhất là nạn nhân của các sóng biển và trận bão nhiệt đới thường xảy ra hàng năm vào tháng 9 và tháng 10. Phía tây của khu vực này là các ngọn núi với các đỉnh cao vượt từ 1200 đến 1500 thước. Buồng ngăn này bao gồm nhiều vùng đồng bằng (Ròn, Đồng Hới, Lệ Thủy, Thừa Thiên, v.v…) mà bề ngang không bao giờ vượt quá 20 cây số mà phần đất phì nhiêu để canh tác thường bị thu hẹp lại và được tưới bởi nhiều dòng nước.

Về phía nam của đèo Hải Vân là khu vực Đà Nẵng (Tourane) có biên giới phía nam là núi Chùa, biên giới phía tây là đỉnh núi với bề cao hơn 1000 thước. Bên cạnh chân núi có nhiều gò cao lớn và nhỏ. Về phía đông là các hồ nước mặn với các cồn cát của bờ biển. Ở trung tâm là đồng bằng của tỉnh Quảng Nam gồm các thung lũng rộng lớn chạy dọc theo các bờ sông của nó. Đất đai phì nhiêu của đồng bằng thường sản xuất nhiều vụ mùa lúa quan trọng. Giữa các thế kỷ VII và XIII, vùng này là trung tâm văn hóa và chính trị của vương quốc Champa. Các di tích lịch sử nằm ngổn ngang trên khu vực Trà kiệu, quần thể Mỹ Sơn và Đồng Dương v.v. cấu thành những yếu tố cụ thể để chứng minh cho lý thuyết của chúng tôi.

Về phía nam của núi Chùa là đồng bằng Quảng Ngãi. Vùng này được tưới nước bởi những dòng sông nhỏ, thường bị ngăn cách với nhau bởi các dãy núi đá cứng. Các con sông này vào mùa mưa thường hay lũ lụt và vào mùa khô thì khô ráo. Các dấu tích còn hiện hữu nằm trong tiểu vương quốc Amaravati, tức là khu vực Quảng Nam-Quảng Ngãi, đã giải thích thế nào là công trình dẫn thủy nhập điền vô cùng đồ sộ mà vua chúa Champa đã thực hiện trong quá khứ. 

Ở phía nam Quảng Ngãi là đồng bằng bị ngăn lại ở phía tây bởi các ngọn núi Bình Định có chiều cao từ 1000 đến 1500 thước. Nằm ngay bên chân núi là cánh đồng ruộng lúa bậc thang chồng lên nhau từng lớp được xem như là một kỹ thuật dẫn thủy nhập điền của tiểu vương quốc Vijaya tồn tại cho đến năm 1471. Phía nam của cánh đồng này là đèo Cù Mông. Phía đông của nó là bờ biển san hô và một số mỏm đá lởm chởm. Từ bắc xuống nam của khu vực này có nhiều cánh đồng, như cánh đồng Bồng Sơn, Phú Mỹ và Qui Nhơn, thường bị tách rời với nhau bởi các mũi núi nhô. Được tưới nước bởi nhiều con sông, các cánh đồng này cấu thành một khu vực có đất đai rất là màu mỡ.

Đi xuống về phía nam của tiểu vương quốc Vijaya (Bình Định) là lãnh thổ của tỉnh Phú Khánh hiện nay thuộc tiểu vương quốc Kauthara. Khu vực thứ nhất của nó nằm giữa đèo Cù mông và mũi Varella, nối dài đến hòn Vọng Phu bao gồm nhiều cánh đồng nhỏ hẹp nằm ép với chân núi với chiều cao khoảng 1000 thước có vị trí rất gần với bờ biển gồ ghề. Một khu vực ngoại lệ là đồng bằng Tuy Hòa nằm trên châu thổ và trên thung lũng có độ cao trung bình của sông Đà Rằng. Qua khỏi mũi Varella xuống về phía nam là những ngọn núi nhỏ biệt lập và những vịnh nước biển đôi khi rất sâu thường bị khép lại bởi những bán đảo như vịnh Cam Ranh hay bởi những hòn đảo như vịnh Nha Trang. Vị trí địa dư này thường làm eo hẹp lại diện tích của các cánh đồng thiên nhiên, như cánh đồng Ninh Hòa, Nha Trang hay Ba Ngòi. Vì đất xấu và khô ráo hàng năm, đồng bằng này không mang lại nguồn sản xuất nông nghiệp đáng kể. Khu vực thứ hai nằm trong tiểu vương quốc Kauthara là cồn cát trải dài từ chân núi đến bờ biển. 

Qua khỏi khu vực Kauthara (Nha Trang) là đồng bằng của tiểu vương quốc Panduranga nằm trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện nay. Đây là vùng địa dư có rất nhiều cồn cát, chia thành ba miền riêng biệt. Về hướng bắc là cánh đồng Phan Rang trải dài đến tận mũi Dinh còn gọi là Cap Pandaran và bị chặn lại phía tây bởi các núi đá dốc. Cánh đồng này có những ngọn núi rải rác và biệt lập, ăn nước sông Kinh Dinh và các phụ lưu của nó, nhưng chịu sức nóng do ánh sáng mặt trời gay gắt và ít mưa. Lượng nước trung bình ít hơn 700mm, vì dãy trường sơn và hướng biển đã ngăn nó khỏi các cơn mưa mùa đông. Đồng bằng Phan Rang là khu vực thường bị áp đảo bởi các luồng gió khô ráo, thường trở thành một vùng địa dư có khí hậu rất là khô hạn, đòi hỏi việc cung cấp nước để trồng trọt. Chính vì thế, công việc dẫn thủy nhập điền đã trở thành một ngành kỹ nghệ nông nghiệp hàng đầu của người dân Panduranga xưa kia. Phía đông của cánh đồng này là cồn cát chạy dài đến tận Mũi Dinh tiếp nối với ruộng muối Cà Ná đã được khai thác từ nhiều thế kỷ qua. Và cuối cùng là tiểu cánh đồng Tuy Phong. Về phía nam của Tuy Phong là cánh đồng Phan Rí có hiện tượng khí hậu rất gần gũi với khu vực ở Phan Rang. Cánh đồng này bị giới hạn về phía đông bởi các bờ biển đất cát và phía tây bởi núi đồi. Lượng nước mưa của nó gia tăng từ từ khi đi vào miền nam, nhưng không kém hơn đồng bằng Phan Rang. Hết khu cồn cát là cánh đồng Phan Thiết rộng hơn bốn lần so với cánh đồng Phan Rí. Mặc dù với lượng nước mưa trung bình 1200mm hằng năm và được tưới bởi nhiều dòng sông ngắn, cánh đồng này cũng cần hệ thống dẫn thủy nhập điền để phát triển nông nghiệp, bởi vì đất đai canh tác của nó là đất cát nằm chồng lên lớp đất biển.

Sau cánh đồng Phan Thiết là cồn cát nằm phủ lên các bờ biển và các bãi cát nối tiếp với các vùng đầm lầy. Khu vực hoang vu này là biên giới tự nhiên giữa Trung Việt và Nam Việt và cũng là biên giới phía nam của Champa trước đây.

Nhìn qua bản đồ địa hình của Trung Việt xưa kia, người ta có thể đưa ra kết luận rằng diện tích đồng bằng đất thấp của Champa rất thu hẹp, vì dãy Trường Sơn chạy dài từ mũi Hoành Sơn nằm quá kề cận với vùng biển đã làm rút ngắn lại chiều dài của các con sông. Ngoài ra, các độ dốc từ vùng núi thường bị các dòng nước thượng lưu khoét mòn, mang theo đá sỏi và cát bồi xuống vùng đất thấp. Những vật liệu này, nhất là ở miền trung, đã tô bồi các vịnh nước, các hồ nước mặn và cuối cùng cấu thành các đồng bằng hiện tại. Ngược với dòng nước thượng lưu, các dòng hạ lưu của các con sông này có một độ dốc rất là yếu kém cho nên đôi khi khó kiếm một lối thoát ra biển và thường băng qua các khoảng cách rất dài chạy song song với biển trước khi thoát vào đại dương.

Ai cũng biết rằng khí hậu hải phận của Champa rất nóng nực và ẩm thấp. Nhiệt độ trung bình thay đổi giữa 30 độ C vào tháng bảy Tây Lịch và 20 độ C vào tháng giêng Tây Lịch, nhưng nhiệt độ tối đa nằm giữa 40 độ C và 15 độ C ở Huế. Khí hậu này chịu ảnh hưởng của gió mùa. Vào mùa đông, các luồng gió thổi từ đông-bắc sang tây-nam và vào mùa hạ, từ tây-nam sang đông-bắc. Các luồng gió này có tác dụng đến sự sinh hoạt của nghề hàng hải cho đến sự ra đời của ghe thuyền chạy bằng hơi nước. Về lượng nước mưa, nó thay đổi tùy theo vĩ tuyến cũng như hướng biển và hướng núi. Các cơn mưa diễn ra tối đa từ tháng chín đến tháng giêng Tây Lịch ở ven biển miền trung và từ tháng mười đến tháng mười hai Tây Lịch ở miền nam. Lịch trình của các mùa mưa này phát xuất từ hệ thống gió mùa diễn ra vào mùa đông, từ áp lực không khí rất là đặc biệt và nhất là từ các trận bão nhiệt đới – trung bình chín trận hằng năm – thường hay càn quét bờ biển vào tháng mười và mười một. Ngược lại, vào mùa hạ là mùa khô kéo dài một thời gian khá lâu, bồi thêm bởi các ngọn gió nóng cháy da từ hướng tây thổi xuống theo các khe núi của dãy Trường Sơn. Tình trạng mùa khô càng ngày càng gia tăng bởi sự bốc hơi quá cao.

Các lớp đất của vùng đồng bằng thường là đất phù sa. Số còn lại thường chứa một loại đất đá cứng và một số khác rất hiếm chứa loại đất đá bazan của núi lửa. Loại đất thứ nhất thường rút nước rất nhanh, bởi vì nguyên liệu gồm có đất cát. Càng xuống về phía nam thì nguyên liệu đất cát càng tăng thêm. Cộng với các yếu tố sinh thái địa phương, loại đất này chỉ nuôi dưỡng cho một loại cây cối thường có gai. Bởi vì thế, nếu muốn biến khu vực này thành đất đai để trồng trọt thì người ta phải phát triển mạnh việc dẫn thủy nhập điền. Đây là công trình mà người dân Champa sống ven biển trước kia đã từng thực hiện. Các di tích còn lưu lại tại miền trung Việt Nam cho đến hôm nay đã chứng minh cho các nỗ lực về kỹ thuật dẫn thủy nhập điền mà vương quốc Champa đã từng phát triển nhằm khai thác các khu vực quá khô ráo (Nguyen Thieu Lau, “Les étangs desséchés de la région de Mường-Mán”, trong Viện Nghiên cứu Con người Đông Dương – Institut Indochinois pour l’Etude de l’Homme – V-1, 1942, trg. 131-134 + 5 planches). Tuy nhiên ngành kỹ nghệ này vẫn không bao giờ cho phép phát triển nhanh chóng việc sản xuất nông nghiệp để làm gia tăng dân số của vương quốc Champa.

Vương Quốc Champa: Địa Dư, Dân Cư và Lịch Sử |Lời mở đầu

Champa là một vương quốc xuất hiện tại miền trung Việt Nam từ thế kỷ thứ II cho đến đầu thế kỷ thứ XIX. Vào những thời kỳ vàng son nhất, lãnh thổ Champa bao gồm vùng đồng bằng duyên hải và cả khu vực cao nguyên của miền trung Việt Nam hiện nay, nằm giữa hai bán vĩ tuyến 18 và 11.

Thế kỷ thứ X là thời kỳ đánh dấu cho trang sử huy hoàng nhất của Champa, nhưng cũng là giai đoạn mà vương quốc này bắt đầu đối phó với Đại Việt vừa mới thoát ra khỏi nền đô hộ của Trung Hoa để tạo cho mình một quốc gia có chủ quyền. Kể từ đó, vương quốc Đại Việt khởi đầu làm áp lực với Champa càng ngày càng lớn mạnh, gây ra sự sụp đổ thủ đô Vijaya (Đồ Bàn) vào năm 1471, kéo theo cuộc Nam Tiến nhằm xâm chiếm lãnh thổ phía bắc của Champa đồng thời phá tan cả truyền thống Ấn Giáo, vốn là yếu tố cơ bản trong tiến trình phát triển nền văn minh của vương quốc này. Mặc dầu lãnh thổ Champa bị thu hẹp vào khu vực ở phía nam kể từ thế kỷ thứ XV nhưng vương quốc Champa vẫn còn tồn tại với danh nghĩa là một quốc gia độc lập có chủ quyền, tiếp tục biểu dương sức năng động của mình để củng cố lại hệ thống tổ chức xã hội và dung nạp thêm các giá trị tinh thần mới để xây dựng cho mình một nền văn minh có đặc thù rất là riêng biệt. 

Trên bình diện bang giao quốc tế, Champa không ngừng gia tăng các mối quan hệ với các nước lân bang. Trước sức ép không ngừng của Đại Việt, một quốc gia láng giềng ở phía bắc với dân số phát triển càng ngày càng đông đúc, vương quốc Champa phải đương đầu với bao biến cố để bảo vệ biên giới của mình càng ngày càng thu hẹp lại. Một khi không đủ sức ngăn chặn cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt, Champa chỉ còn cách là làm trì hoãn lại bước tiến của họ về phía nam của bán đảo Đông Dương trong suốt ba thế kỷ rưỡi, vì nhà Nguyễn chỉ thành công chiếm trọn lãnh thổ của quốc gia này vào năm 1832.

Sau khi bị xóa tên trên bản đồ thế giới, vương quốc Champa chỉ để lại cho thế hệ hôm nay một chuỗi di tích lịch sử cổ xưa, một số văn bản ghi khác trên bia đá hay trên đến tháp, một số tư liệu viết trên các lá buông cũng như trên giấy và một cộng đồng chủng tộc rất tự hào cho mình là những người thừa kế một nền văn minh từng đánh dấu những nét vàng son trên trang sử của bán đảo Đông Dương.

Cho đến đầu thế kỷ XXI này, những thành tựu nghiên cứu về Champa chỉ phát triển trong một tầm mức rất là giới hạn. Chính vì thế, các công trình nhằm xây dựng lại một cách khái quát về quá trình của Champa, về dân cư của vương quốc này kể cả dân cư còn sống sót hôm nay cũng như các phương án nhằm phân tích lại một cách khách quan hơn những yếu tố lịch sử của nó, đã trở thành một chủ đề cần thiết và hữu ích nằm trong tác phẩm này.

LỊCH SỬ DÂN TỘC KHMER CHƯƠNG 2 – NGUỒN GỐC DÂN TỘC KHMER

– Khmer có nguồn gốc từ đâu?

– Dân tộc Khmer đã xuất hiện đầu tiên nhất trên lãnh thổ hiện hay hay từ đâu đến?

Nhiều người nhận thấy rằng dân tộc Chăm xuất thân từ đảo Java, nằm ở phía nam lãnh thổ Vương quốc Khmer, và họ cũng cho rằng Khmer cũng xuất thân từ phía Nam như dân tộc này. Người ta cũng từng đặt Khmer trong nhóm Java, Indonesia, Malaysia và Melanesia. Thực ra các dân tộc này có dùng một nhóm austronesien, hay còn gọi là nhóm Nam Đảo.

Thế nhưng Khmer lại khác. Khmer thuộc nhóm Mon – Khmer (hay Khmer – Mon). Dân tộc Khmer và dân tộc Mon cùng có chung một nguồn gốc. Dân tộc Khmer và Mon cùng có chung nguồn gốc ở Ấn Độ với tổ tiên là người Munda.

Trong cuốn «Histoire de L’Inde» (Lịch sử Ấn Độ), ông Alain Daniélou có viết rằng : «Dân tộc Khmer nằm trong nhóm Munda», và việc xây dựng được đền Angkor Wat cho thấy xã hội của người Khmer có rất nhiều đặc điểm phát triển rất cao và hết sức đặc biệt.

Ông William Smith cũng viết rằng: « Dân tộc Khmer và dân tộc Munda có cùng một ngôn ngữ, có hình dáng và đặc điểm văn hóa giống nhau và khác xa các nhóm Tamoul, Arya, và Mongol»

Dân tộc Munda là dân tộc có mặt đầu tiên nhất ở Ấn Độ. Người ta tìm thấy rằng dân tộc này đã tồn tại trên lãnh thổ Ấn Độ ngày nay sớm nhất là 30,000 năm trước Tây Lịch. Dân tộc Munda từng được gọi là người Nishada (hay niṣāda), người Ấn ngày nay thừa nhận họ là Adivasi, tức dân tộc Gốc hay người bản địa. Mấy ngàn năm trước Tây lịch, dân tộc này đã có nền kinh tế, văn hóa phát triển rất cao. Dân tộc này không có tôn giáo, cũng không tin vào bất kỳ đấng thần linh nào. Họ theo chế độ mẫu hệ và tôn thờ cha mẹ, thờ mẹ đất, mẹ nước, và tin vào « Néak Ta ». Tất cả các đặc điểm này được người Khmer thừa hưởng đến tận ngày nay.

Trong tiếng Khmer bình dân, người ta gọi tất cả các sắc dân từ Ấn Độ là «Khlaing» (Khlâng). Sở dĩ người Khmer có thói quen gọi người Ấn như vậy là do dân tộc đầu tiên ở Ấn Độ đến lãnh thổ của người Khmer để làm ăn buôn bán đến từ Vương quốc Kalinga (कलिङ्ग) tương đương với bang Orissa của Ấn Độ ngày nay.

Người Khmer tiếp xúc với 2 nhóm người Khlaing trên lãnh thổ của mình là Khlaing Trắng và Khlaing Đen. 

Rất có thể người Khlaing Đen là những người gốc Châu Phi đã đến Ấn Độ khoảng 10,000 năm trước Tây Lịch. Người Châu Âu gọi nhóm người này là Dravidian. Tuy nhiên, tộc dan tự gọi bản thân của dân tộc này là người Tamil. 

Người Khlaing Trắng xuất hiện ở Ấn Độ vào khoản 2,800 trước Tây lịch. Dân tộc này có nguồn gốc từ Trung Đông, ở phía Tây của Mông Cổ ngày nay. Dân tộc này tự gọi mình là Arya, tức dân tộc Thượng Đẳng.

Ấn Độ không chỉ có 3 tộc người Munda, Tamil và Arya mà hầu như tất cả các chủng tộc trên thế giới đều đến Ấn Độ, trong đó có người Perse đến hồi năm 520 trước Tây lịch, người Hy Lạp của Alexander Đại đế cũng đánh chiếm vùng đất này vào năm 362 trước Tây Lịch, rồi đến năm 206 trước Tây lịch, người Siry, và người Saka vào năm 18 Tây lịch, tiếp theo đó là làn sóng di cư của các dân tộc Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ, … và cuối cùng là các dân tộc Châu Âu như: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, và cả Pháp.

Các dân tộc này đến Ấn Độ không phải bằng phương pháp hòa bình và bằng con đường chiến tranh hết sức man rợ ác liệt. Các dân tộc đến sau man rợ hơn và đánh bật dân tộc đã đến trước.

Thế nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì dân tộc đến sau và dân tộc đến trước cũng sống hòa lẫn vào nhau và tạo nên một nền văn hóa mới, tiên tiến và tốt đẹp. Tuy nhiên, có một dân tộc không chấp nhận sống chung với các ngoại tộc cũng như không muốn sống chung với sự hiện diện của dị chủng, đó là dân tộc Munda, tổ tiên của người Khmer.

Vì không chịu sự cai trị của dân tộc khác, người Munda rời bỏ quên hương sống ở những khu vực khác như rừng sâu, khu vực núi hẻo lánh, đến tận biên giới phía Tây như vùng Assam, hay vùng Vịnh Kumari (Phương Tây gọi là vùng vịnh Comorin).

Tuy sống ở đâu đi chăng nữa thì dân tộc Munda này, thậm chí cho đến ngày nay, vẫn giữ những truyền thống, văn hóa cổ truyền của mình mà có rất ít sự thay đổi.

Sau khi Ấn Độ giành độc lập, giai cấp lãnh đạo sợ rằng những người Munda và các dân tộc bản địa (hay dân tộc Adivasi) khác đòi lại đất đai và quyền lợi của mình, người ta không gọi người Adivasi (người gốc) nữa mà gọi họ là những Vannavasi (वऩवासी), có nghĩa là «Dân tộc trong rừng». 

Trở lại dân tộc Munda, dân tộc này này không chỉ chạy trốn vào các khu rừng hoặc vào khu vực núi non hẻo lánh để tránh các dân tộc khác mà họ còn di cư ra khỏi lãnh thổ Ấn Độ và có mặt ở hầu như tất cả mọi nơi trên thế giới.

Dân tộc Munda và các dân tộc khác ở Ấn Độ rời khỏi quốc gia này theo 3 hướng chính:

Hướng Tây: Nhóm người Munda đi đến các đảo Socotra, Madagascar, Ai Cập, và Babylon.

Hướng Nam: bằng đường này, người Munda đến đảo Sri Lanka, Nicobar, Malaysia, Indonesia, Melanesia, Australia, Đảo Pak (thuộc Papua New Guinea ngày nay), và thậm chí là đến khu vực Chili thuộc Nam Mỹ.

Hướng thứ 2 này là con đường mà các dân tộc ở Ấn Độ thường nhắm đến khi trốn chạy kẻ thù. Sau cuộc di cư của người Munda, vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, người Tamil, hay người «Khlaing Da Đen» đã chạy trốn khỏi Vương quốc Kalinga theo con đường này đến sống ở nhiều quốc gia Nam Á hiện nay.

Sau đó, người Ấn theo đạo Phật Mahāyāna (Đại thừa) và đạo Islam cũng rời khỏi Ấn Độ theo con đường này.

Indonesia và Malaysia có tên như hiện nay là do những người Anh và người Hà Lan đặt cho hồi thế kỷ thứ XVII. Trước đây, vương quốc Malaysia phần lớn là người Khlaing và họ quản lý vùng đất này khoảng 1,000 năm. Đảo Nicobar, tuy thuộc Ấn Độ nhưng lại có vị trí gần với Malaysia hơn. Đảo Java, trước đây là Vương quốc Langkasuka và Đảo Sri Lanka trước kia là Vương quốc Dvipa (Quốc Đảo).

Con đường thứ Ba: Đây là đường bộ, theo vịnh Bengal. Người Munda đi dọc theo bờ biển và dọc theo các sông lớn, đến tận cùng của dòng sông Mekong, đến biển Nam Trung Hoa. Dọc con đường này, người Munda lập nên nhiều vương quốc khác nhau, có những vương quốc còn tồn tại đến tận ngày nay, như Vương quốc Khali ở khu vực Assam, Vương quốc Nagapura của người Naga, Vương quốc Mon ở Burma (Miến Điện) và Vương quốc Khmer ở trên lãnh thổ Kampuchea hiện đại.

Có người cho rằng, ban đầu một tộc người di từ từ núi Tây Tạng xuống phía Nam là Ấn Độ ngày nay rồi hình thành dân tộc Munda và một nhóm khác di cư sang phía Đông và hình thành hai dân tộc Khmer và Mon. Giả thuyết này hoàn toàn không đúng.

Dân tộc Munda bắt đầu rời khỏi Ấn Độ vào khoảng 10,000 năm trước Tây lịch sau khi bị người Tamil xâm chiếm đất đai. Nhóm người Munda thành lập được vương quốc Khmer và tự đặt lên cho mình là người Khmer có mặt tại lãnh thổ hiện tại từ khoảng năm 6,000 trước Tây lịch, nếu tính đến ngày nay, người Khmer đã làm chủ vùng đất mà ngày nay là vương quốc Kampuchea và Kampuchea Krom (người Việt quen gọi là miền Nam Việt Nam) hơn 8 nghìn năm. 

Mặc dầu có tên mới là người Khmer nhưng tộc người này vẫn lưu giữ và tôn trọng tất cả các giá trị truyền thống, ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc Munda, là dân tộc tổ tiên của mình.

Người Khmer lưu giữ 3 tín ngưỡng lớn của tổ tiên là:  

– Thờ kính mẹ cha, gọi mẹ là «me» và cha là «ba». Cũng trong nghĩa này «me» có vị trí cao hơn, và lớn hơn «ba». Về chính trị, người Khmer theo chế độ mẫu hệ và người đứng đầu nhà nước luôn là nữ.

– Thờ kính đất và nước, với hình tượng Nàng Konghing và Cá Sấu là biểu tượng mà người ta vẫn thường gọi là Neang Kong-hing hay còn gọi là Preah Thorni (Dharani) tức «Mẹ Đất»

– Thờ kính Neak Ta, người Khmer cho rằng linh hồn người đã khuất sống trong các cây cổ thụ hoặc trong các khu rừng, núi.

Người Khmer bảo lưu được tất cả các đặc điểm trên cho đến năm 50 Tây lịch. 

Khoảng 6000 năm trước Tây lịch, người Munda rời Ấn Độ trốn chạy người Khaing Đen (Tamil), tạo thành dân tộc Khmer. Đến khoảng năm 50 trước Tây Lịch, người Khlaing Trắng (tức là Arya) lại theo con đường của người Munda xưa, dư cư đến lãnh thổ của người Khmer. 

Nhóm người Arya này do một Bà La Môn tên Kaundinyaa dẫn đầu, người Khmer gọi là Kaundinya. Lại có ý kiến cho rằng Bà La Môn xuất thân từ Malaysia, khi đó là lãnh thổ của người Ấn Độ. 

Tuy nhiên, dù có xuất thân từ đâu đi chăng nữa thì sau cuộc thủy chiến ác liệt giữa đội quân người Arya và hậu duệ của người Munda, Bà La Môn Kaundinya đã giành được chiến thắng và trở thành Quốc vương của Đế quốc Khmer.

Truyền thuyết kể rằng nữ vương Khmer tên Liu Yi (Theo cách ghi của sử Trung Quốc) khi thấy tàu của Bà La Môn Kaundinya thì muốn cướp lấy bèn ra lệnh cho quân tấn công đoàn quân của Bà La Môn Kaundinya. Sau đó bị thua trận và phải lấy Bà La Môn Kaundinya làm chổng rồi nhường ngôi cho chồng. 

Truyền thuyết này cốt chỉ để hạ thấp uy tín và uy quyền của nữ vương Khmer và hợp thức hóa việc xóa bỏ chế độ mẫu hệ trong xã hội người Khmer mà thôi.

Kaundinya lên ngôi vua và lấy bà Liu Yi làm hoàng hậu và sắp xếp xã hội Khmer theo cấu trúc xã hội của Ấn Độ thời bấy giờ (tức là vào năm 50 Tây lịch, sau khi người Munda mang kiến trúc xã hội của mình rời khỏi Ấn Độ khoảng 6,000 năm trước). Lấy Bà La Môn Giáo là quốc giáo. Tiếng Sanskrit là ngôn ngữ hành chính và học thuật.

Xã hội mới của người Khmer được chia thành 4 đẳng cấp theo cách chia xã hội của Bà La Môn giáo. Việc sắp xếp triều chính và quản lý xã hội được sao chép hoàn toàn từ mô hình xã hội Ấn Độ thời bấy giờ.

Mặc dầu xã hội mới của người Khmer được sắp xếp theo xã hội Bà La Môn giáo ở Ấn Độ, nhưng người Khmer vẫn gìn giữ các truyền thống của mình như tục tôn kính mẹ-cha, thần đất, nước và Néak Ta. Người Khmer cũng không bỏ ngôn ngữ, chữ viết của mình.

Người Mon, cũng là hậu duệ của người Munda như người Khmer, nhưng rời Ấn Độ đến vùng Burma (Miến Điện) ngày nay khoảng 3,000 năm trước Tây lịch, tức là sau tổ tiên của người Khmer khoản 3000 năm. 

Người Mon thành lập vương quốc của mình, đặt tên là «Suvaṇṇabammī» mà người Khmer quen gọi là « Sovanna phum». Vương quốc này có kinh đô tên Thaton, ở eo biển Martabang, phía Bắc Thái Lan ngày nay. Người Mon cũng thành lập thêm một Vương quốc nữa gần thành phố Lamphun (cũng thuộc Thái Lan ngày nay) tên là « Haribhunjaya» (ngày nay được người Thái gọi là «Hariphunchai»).

Người Mon theo Phật giáo Theravāda (Phật giáo Nguyên Thủy), được du nhập từ Sri Lanka hồi đầu Tây lịch. Người Mon cũng đã xây dựng một nền văn minh vô cùng đặc sắc ở khu vực mà ngày nay là miền trung Thái Lan gọi là nền văn mình « Dvaravati».

Năm 1057, Kinh đô Thaton bị người Burman (người Miến hiện nay) bình định, và vương quốc «Suvaṇṇabammī» của người Mon bị xóa sổ. Người Burma không thuộc nhóm Mon – Khmer và cũng không phải là hậu duệ của người Munda. Dân tộc này thuộc nhóm Tibet – Burman (Tạng – Miến) có nguồn gốc ở phía Tây núi Vân Nam (thuộc Trung Quốc ngày nay). 

Dân tộc Burman này di cư từ vùng núi Vân Nam xuống phía Nam và thành lập vương quốc Pagan vào năm 849.

Sau khi tiêu diệt dân tộc Mon, người Burman không phá hủy mà  tiếp nhận toàn bộ nền văn hóa của người Mon, biến văn hóa của người  Mon từ Phật giáo Theravāda, ngôn ngữ, chữ viết  Mon trở thành của người Burma. 

Dân tộc Karen ở Miến Điện ngày nay chính là hậu duệ của người Mon.

Vương quốc Haribhunjaya của người Mon cũng bị người Syam (Xiêm, tức người Thái) đánh tan vào năm 1281.

Trên một khía cạnh khác, theo quyển Ādhrasāstrā, một quyển sách về khoa học chính trị quan trọng của người Ấn Độ xưa được Bà La Môn Kautilya – một vị quan của vương triều Chandragupta Maurya (Vương triều Khổng Tước) viết hồi cuối thế kỷ thứ III Tây lịch, và được ông Daniélou nghiên cứu lại rằng, quân đội của Ấn Độ thời bấy giờ có 4 nhóm:

1. Quân chính quy của đẳng cấp vương quyền.

2. Quân được chọn để phục vụ trong khoản thời gian ngắn.

3. Quân được các nước chư hầu gửi đến.

4. Quân thiện chiến được chọn từ các nhóm người sống trong rừng.

Lính có được chọn từ các nhóm sống trong rừng có nhiệm vụ cản bước tiến của quân địch vì lực lượng này rất thiện chiến và quả cảm.

Trong truyện Rāmāyāna, người ta nhắc đến đội quân của vua khỉ Hanuman thực chất chính là hình ảnh của những người lính có xuất thân từ trong rừng. Trong truyện này, nàng Sitā, vợ của Rāma bị Ravana bắt cóc mang đi đảo Laṅkā. Rama, nghĩa là «tốt đẹp», chính là vua của thành Ayudhyā thuộc vương quốc Kaushalya, nay là bang Bihara. Nhờ sự giúp đỡ của đội quân khỉ của Hanumān mà Rama đánh hạ Ravana và giải cứu Nàng Sita ra khỏi đảo Lanka.

Về vấn đề này, ông Alain Daniélou cho rằng, đội quân của Hanuman không phải là đội quân khỉ thật sự. Người ta dùng hình ảnh khỉ để mô tả đội quân có xuất thân từ rừng núi, đúng như mô tả trong sách Ādhrasāstrā vậy.

Đội quân xuất thân từ trong rừng này chính là những người Vannavasi hay còn gọi là người Munda – tổ tiên của người Khmer.

Như vậy, xét về nguồn gốc người Khmer, chúng ta có 2 nguồn tư liệu chính:

Nguồn tư liệu lịch sử: Khmer có nguồn gốc từ dân tộc Munda, chủng tộc có mặt đầu tiên trên bán đảo Ấn Độ.

Nguồn truyền thuyết: Khmer chính là con cháu trực tiếp của vua Hanuman, là một chiến binh anh dũng, chưa hề chiến bại.

LỊCH SỬ DÂN TỘC KHMER | CHƯƠNG 1 – KHMER

Ai là Khmer?

Tại sao lại gọi là Khmer?

Từ « Khmer » xuất hiện từ rất lâu. Khmer là từ để gọi tên một dân tộc.

Dân tộc này có nguồn gốc từ dân tộc Munda (मुण्ड – Muṇḍa). Lãnh thổ nguyên thuỷ của dân tộc Munda ở Ấn Độ, nay thuộc khu vực Bắc Đông Ấn và một phần Bangladesh. Dân tộc Muṇḍa có truyền thống tôn trọng cha mẹ. Về chính trị, dân tộc Munda theo chế độ mẫu hệ, tức là thủ lĩnh của dân tộc này là đều là nữ, và người ta tôn sùng người này là mẹ của đất nước và là mẹ của toàn dân.

Người Khmer, là hậu duệ của dân tộc Munda ở Đông Nam Á cũng thừa hưởng văn hoá mẫu hệ. Trong tiếng Khmer cổ, »mẹ» được gọi là là « me » (mê)​, chứ không gọi là « mae » như hiện nay. Thế nên người Khmer gọi «phụ mẫu» là « me ba » tức là « mẹ cha ». Dưới chế độ mẫu hệ, giai cấp cầm quyền làm mọi thứ để người dân tin rằng « me » là lớn nhất, mọi người phải kính trọng « me », mọi người phải tuân theo huấn thị của « me ».

Để mọi người không quên đức tính này, người ta tự đặt tên cho dân tộc mình là « Kme » sau này đổi lại là « khmaer » (Khmer).

Khmer có nghĩa là người kính trọng mẹ.

Từ « Khmer » có « kh » + « me » + « r ».

Theo ngữ âm học Khmer, âm « k’ » được dùng để chỉ người có đẳng cấp thấp hơn. Ví dụ, nếu người ta có con gái tên « Vanney », bình thường ông bà, cha mẹ sẽ gọi đứa con đó là « Ah K’ney » hàm ý người này có đẳng cấp thấp hơn mình. Tuy nhiên, « Ah Khney » này không có hàm ý xem thường hay xúc phạm, mà ngược lại, nó bày tỏ sự thân thiện, gần gụi của người trên dành cho người dưới.

Mãi cho đến tận mới đây, từ « Kme » được đổi lại là « khmaer » (Khmer). Hiện nay, ở một số nơi, người Khmer Surin và Khmer Kampuchea Krom vừa bị tách ra khỏi lãnh thổ Kampuchea hồi thế kỷ xix, xx vẫn gọi tộc danh mình là người « Kme ».

Đối với người nước ngoài, người ta ít biết đến «Khmer». Trong tiếng Anh, người ta biết đến người Khmer là người « Cambodian ». Và dân tộc sử dụng tiếng Anh là dân tộc đầu tiên ở châu u sử dụng từ « Cambodian » để gọi chúng ta. Từ này, họ dịch ra từ « Kambuja» (Kampuchéah) là tên của một tiểu quốc Khmer, nằm ở phía Đông của Thái Lan hiện nay. Vương quốc Kampuchéah được lập nên bởi một Bà La Môn tên Kampu và Kampuchéah có nghĩa là Vương quốc của những con người được sinh ra từ Kampu. Tiếng Saṅskrit « Chéah » có nghĩa là « được sinh ra từ ».
Người Pháp khi bảo hộ Đông Dương cũng không biết về từ «Khmer», và gọi vương quốc của người Khmer là Cambodge, do dịch ra từ tiếng Cambodia trong tiếng Anh. Dân tộc Khmer, họ gọi là Cambodgien, tức là thêm tiếp vị ngữ «ien» sau từ «Cambodge», một hình thức ngữ pháp phổ biến trong nhiều ngôn ngữ Châu u, thêm tiếp vị ngữ sau tên quốc gia để gọi dân tộc của quốc gia đó (Ví dụ: Tiếng Anh: China – Chinese, Japan – Japanese, Russia – Russian. Tiếng Pháp: Vietnam – Vietnamien, Canada – Canadien, Inde – Indien)

Kampuchéah trong tiếng Saṅskrit được đọc theo giọng Khmer là Kampuchea.

Một số trường phái chủ trương sử dụng « Kampuchea » để gọi thay cho « Khmer », ví dụ như: « Người Kampuchea », « Tiếng Kampuchea», « Chữ Kampuchea » chứ không phải là « Người Khmer », « Tiếng Khmer», « Chữ Khmer ». Quan điểm này hoàn toàn không hợp lý bởi lẽ «Kampuchéah» chỉ là tên của một tiểu quốc của người Khmer. Hay nói cách khác, người Khmer có nhiều quốc gia, mà «Kampuchéah» là một quốc gia trong số đó, thế nên, không thể dùng từ «Kampuchéah» thay thế cho «Khmer» được.

Hơn nữa, theo lịch sử, Bà La Môn Kampu không phải là tổ tiên của dân tộc Khmer mà chỉ là một người thuộc dân tộc Khmer. Bà La Môm Kampu sống vào khoảng thế kỷ thứ 3 Tây lịch, còn dân tộc Khmer và tên gọi « Khmer » đã xuất hiện từ 6,000 năm trước Tây lịch.

Nếu truy xét nguồn tận thì dân tộc Khmer có nguồn gốc từ những người Munda đã di cư từ Ấn Độ ngày nay đến Đông Nam Á hồi 30,000 năm trước Tây Lịch. Nếu đánh đồng Khmer và Kampuchea tức là đã xóa bỏ hơn 30,000 năm lịch sử và văn hóa dân tộc Khmer.

Từ « Khmer Krom » (Khmer Dưới) là một tên gọi mới dùng cho bộ phận người Khmer sống ở khu vực hạ nguồn sông Mekong trong hệ quy chiếu với với Khmer Phnom Penh sống ở phía trên dòng chảy con sông này. Sau đó, từ « Khmer Krom » được dùng để gọi tất cả người Khmer sống trên phần lãnh thổ của người Khmer mà Pháp gọi là «Cochinchine française», tính từ phía bắc thành phố Prey Nokor (Sài Gòn) đến mũi Tirk Khmau (Cà Mau).

Hồi năm 1949, Quốc hội Cộng hòa Pháp đồng ý cho sáp nhập vùng đất mà trước kia là lãnh thổ của người Khmer vào lãnh thổ của Việt Nam. Kể từ đó, người Khmer Krom trở thành « Khmer Việt Nam», sau đó là người « Việt gốc Miên» (Việt Nam cộng hoà). Sau năm 1975, Chế độ Cộng sản Việt Nam quản lý vùng đất này, người Khmer Krom được gọi là « Khmer Nam Bộ ».

Ngược với « Khmer Krom », Đức Vua Sihanouk lập nên 1 từ mới là « Khmer Leur » (Khmer Trên) để gọi nhiều tộc người bản địa sống ở vùng núi tỉnh Ratanakiri và Mondulkiri như Stieng, Radhe, Jrai, … Tuy nhiên, các dân tộc này cũng không vừa lòng với tên gọi « Khmer Leur » vì bản thân họ không công nhận mình là người Khmer, mặc dầu cùng thuộc nhóm Mon-Khmer và nằm dưới sự quản lý của người Khmer.

Ngoài « Khmer Krom », « Khmer Leur » , người ta còn có « Khmer Kandal » (Khmer Giữa) để chỉ người Khmer đang sống trên lãnh thổ Kampuchea hiện tại như Phnom Penh chẳng hạn. Tuy nhiên, từ này ít được người ta dùng đến. « Khmer Derm » (Khmer gốc) cũng được người ta sử dụng nhiều. Khmer Derm là bộ phận người Khmer giữ được gần như đầy đủ các đặc điểm của người Khmer cổ. Phần lớn những người này sống ở khu vực rừng núi, cách xa khu vực đông dân cư.

Từ năm 1950 đến 1960, Vua Norodom Sihanouk cũng thành lập một số tên gọi Khmer khác nữa dựa theo các yếu tố tôn giáo hay chính trị chứ không liên quan đến vấn đề dân tộc học như:

Khmer Islam

Khmer Krahom (Khmer Đỏ)

Khmer Khieu (Khmer Xanh)

« Khmer Islam » không phải dùng để gọi người Khmer theo đạo Islam. Từ này dùng để gọi bộ phận người Cham và Malay đến sinh sống trên đất Khmer để tránh sự tàn sát của người Việt khi bình định vương quốc Champa hồi năm 1693. Thực ra, Islam không phải là tôn giáo gốc của người Cham, họ tiếp nhận tôn giáo này từ người Malay.

« Khmer Krahom » (Khmer Đỏ) dùng để chỉ người Khmer theo chủ nghĩa Cộng sản. Ngôn ngữ chính trị gọi những người này là « Khmer Cộng sản ».

« Khmer Khieu » (Khmer Xanh) dùng để chỉ những người Khmer chống lại chủ nghĩa Cộng sản. Ngôn ngữ chính trị gọi những người này là phe cánh hữu, hay hữu khuynh, ngược với phe cộng sản là cánh tả, hay tả khuynh. « Khmer Khieu » hiện nay không còn được sử dụng và ít được nhắc đến.