Category Archives: Người bản địa Thế giới

LHQ dịch tài liệu nhân quyền ra tiếng người bản địa Kampuchea

RIPVN | Tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa dịch tài liệu về quyền con người sang tiếng Tampuan, một sắc dân bản địa ở Kampuchea, với mong muốn nâng cao sự hiểu biết về các quyền cơ bản của con người nhằm phát triển cộng đồng. 

Đây là tài liệu nhân quyền đầu tiên được dịch sang ngôn ngữ của người bản địa ở Kampuchea, dưới sự yểm trợ của Học viện Raoul Wallenberg Cambodia (RWI Cambodia). 

Tài liệu được dịch là Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người (UDHR), bộ nguyên tắc toàn cầu về quyền con người, được Đại hội đồng LHQ thông qua hồi năm 1948, khẳng định về «nguyên tắc cơ bản về tự do, công bằng, và hòa bình trên thế giới». 

Trong buổi lễ công bố bản dịch Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền tiếng Tampuan, ông Ali Al Nasan, Giám đốc RWI Cambodia cho biết, người bản địa Tampuan, với dân số khoản 3 vạn người, hiện vẫn chưa biết nhiều về nội dung của bản tuyên ngôn quốc tế này. 

Để có thể phổ biến hơn nữa về kiến thức quyền con người, RWI Cambodia cũng tổ chức phổ biến Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền dưới dạng ghi âm, cùng với việc in ấn sách và phát hành tại các khu vực sinh sống của người bản địa Tampuan. 

Ông Ali Al Nasan cũng cho biết cơ quan này cũng có kế hoạch dịch các tài liệu phổ biến nhân quyền sang nhiều ngôn ngữ bản địa khác nữa. 

Cũng trong sự kiện này, ông Teuk Vannra, Giám đốc điều hành Diễn đàn các tổ chức phi chính phủ tại Kampuchea cho biết dịch sách sang tiếng người bản địa là phương pháp tốt nhất để giúp người bản địa ở Kampuchea hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình và có thể tham gia tích cực trong việc phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực sinh sống của mình. 

Theo một báo cáo của bộ Phát triển Nông thôn Kampuchea công bố hồi năm 2021, vương quốc này có 22 sắc dân bản địa với dân số hơn 18 vạn người, chiếm 1.34% dân số cả nước.

Thanh Hà

Nam Dương dời đô, dân bản địa lo mất đất

RIPVN | Jakarta: Hồi ngày 21 tháng giêng năm 2022, các tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Indonesia cho biết hàng chục ngàn người thuộc cộng đồng các sắc dân bản địa trên đảo Borneo đang phải đối mặt với nguy cơ bị đuổi khỏi lãnh thổ tổ tiên vì dự án dời thủ đô đã được quốc hội nước này thông qua. 

Liên minh các sắc dân bản địa trên quần đảo (AMAM) tại Borneo cho biết, có hơn hai vạn người thuộc hai mươi mốt cộng động người bản địa, chủ nhân của đảo Borneo, thủ đô mới của Indonesia, đã không nhận được quyền bảo vệ đất đai của mình. 

Không những thế, dự án xây dựng thủ đô mới đã được chính quyền thông qua trong khi người bản địa đang phải đối mặt với những khó khăn vì mất đất. 

Giám đốc Vận động Chính sách, Pháp luật và Nhân quyền của AMAM cho biết dự án di dời thủ đô đã tạo ra nhiều hệ lụy và các hành vi xâm phạm đến lợi ích người bản địa như việc cưỡng chiếm đất đai, phá hoại khu vực văn hóa bản địa và khả năng làm tăng số lượng các vụ bạo lực lên những người bảo vệ quyền người bản địa. 

Dự án dời đô của Indonesia cũng vấp phải sự phản đối của những người bảo vệ môi trường do lo ngại về khả năng tàn phá hệ sinh thái, ảnh hưởng đến khu vực trồng cọ dầu, rừng tự nhiên và môi trường sinh sống của động vật hoang dã. 

Hiện tại, người bản địa ở Borneo cũng đang có tranh chấp đất đai với các tập đoàn trồng cọ dầu do việc chính quyền cấp hơn ba vạn héc-ta đất của người bản địa làm đất trồng trọt. 

Như vậy, người bản địa Borneo vừa phải đối mặt với các tập đoàn lớn và chính quyền với dự án dời đô này. 

Dự án di dời thủ đô của Indonesia được khởi động hồi năm 2020 nhưng bị trì hoãn do dịch bệnh và hiện đang được tiếp tục thực hiện và dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2045.

Phụ nữ bản địa Mỹ tiếp tục bị đe dọa

RIPVN | Là quốc gia phát triển và tự do dân chủ nhất thế giới, người bản địa ở Hoa Kỳ cũng phải đối mặt với những bất công và các mối đe dọa từ các cá nhân, tổ chức phi bản địa. 

Hồi đầu tháng Giêng năm 2022, Tổng chưởng lý bang Washington, ông Bob Ferguson và Dân biểu bang, bà Debra Lekanoff đã ra thông cáo chung yêu cầu hành pháp bang này thành lập hệ thống thông tin về các trường hợp người bản địa bị mất tích. 

Nếu được thiết lập, đây sẽ là hệ thống thông tin về việc mất tích liên quan đến người bản địa đầu tiên tại bang này, sau khi xảy ra một số trường hợp phụ nữ và trẻ em gái người bản địa bị mất tích không lý do. 

Hệ thống thông tin này sẽ đăng tin về người bị mất tích trên các trục đường lớn, trên các cơ quan truyền thông, thông cáo của chính quyền, báo in, truyền hình trong bang, cũng như ở các địa phương lân cận. 

Điều này giúp nhanh chóng tìm ra người bị mất tích cũng như dễ dàng hơn trong việc điều tra thủ phạm gây án. 

Trong năm 2021, bang Washington đã ghi nhận tới hơn 110 trường hợp thiếu nữ người bản địa bị mất tích. 

Ngoài ra, người ta cũng tin rằng có nhiều trường hợp mất tích khác đã không được báo cáo cho cảnh sát và cũng không được giới chức bang này quan tâm, điều tra.

Cảnh sát Washington cho biết các vụ mất tích xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em gái cả người bản địa và người da trắng, tuy nhiên, nạn nhân là người bản địa chiếm đến 80%.

Trong thông cáo của mình, Tổng chưởng lý  Bob Ferguson khẳng định, các vụ bắt cóc và giết người mà nạn nhân là người bản địa đang là vấn nạn lớn của bang Washington. 

Đồng thời ông cũng tuyên bố sẽ tìm nhiều biện pháp có hiệu quả hơn nữa ngoài hệ thống thông tin này để giúp nhanh chóng giải cứu các nạn nhân và ngăn chặn các vụ bắt cóc. 

Cũng  liên quan đến vấn đề này, hồi tháng 12 năm 2021, đại diện 12 sắc dân bản địa ở Washington, với dân số hơn 140 ngàn người đã tổ chức hội nghị chung đầu tiên để yêu cầu chính quyền bang này có các biện pháp bảo vệ và điều tra các vụ bắt cóc, giết người liên quan đến người bản địa. 

Hồng Ngọc

Nước Úc trả rừng cho người bản địa

RIPVN | Hồi ngày 29 tháng 9 năm 2021, Chính quyền bang Queensland của Liên bang Úc đã tổ chức long trọng buổi lễ trao trả khu vực rừng cổ về cho chủ nhân, là cộng đồng người bản địa Kuku Yalanji Tây Úc. 

Công viên quốc gia rừng nhiệt ​đới Daintree được xác định là đã tồn tại hơn 135 triệu năm và là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật quý hiếm. 

Daintree cũng được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới hồi năm 1988. 

Trong buổi lễ trao trả, Ông Meaghan Scanlon, Bộ trưởng bộ Môi trường của bang Queensland, khẳng định rằng việc trao trả đất cho người bản địa thể hiện thiện chí hoà giải dân tộc, mong muốn xây dựng tình đoàn kết giữa người bản địa và người da trắng, cũng như hàn gắn các đau thương của lịch sử. 

Úc, hay Australia là vùng đất phía nam bán Địa cầu, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là nơi sinh sống của các sắc dân bản địa. 

Năm 1788, người Anh đặt chân lên vùng đất này và tiến hành thực dân hoá. Nhiều người bản địa chị giết hại, trục xuất khỏi các vùng đất phù nhiều của mình. 

Chính quyền bang Queensland thừa nhận rằng, sắc dân Kuku Yalanji là một trong những tộc người cổ đại nhất thế giới còn tồn tại đến ngày nay, và việc trao trả đất đai về cho người bản địa để thừa nhận tính sở hữu hợp pháp của người bản địa đối với đất đai tổ tiên mình. 

Ngoài Daintree, Úc cũng đang xúc tiến trao trả lãnh thổ rộng hơn 160 ngàn héc-ta cho thổ dân với mục đích thừa nhận chủ nhân của đất đai và hòa giải dân tộc. 

Giám mục Philippines kêu gọi chấm dứt dự án đập nước ảnh người bản địa

RIPVN | Trong dịp ngày người bản địa Phillipines, 13 tháng 10, Giám mục giáo xứ Bontoc-Lagawe, Valentin Dimoc một lần nữa kêu gọi người dân chung tay ngăn chặn dự án xây dựng đập trữ nước Kaliwa vì dự án này ảnh hưởng xấu đến cộng đồng các sắc dân bản địa ở hai tỉnh Rizal và Quezon, gần th​ủ đô Manila. 

Dự án đập Kaliwa được cho là một phần của hệ thống cung cấp nước sạch mới cho thủ đô Manila và các vùng phụ cận. 

Dự án xây đập dài gần 28 cây số, đi qua 2 tỉnh đã bắt đầu xây dựng hồi năm 2019 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024, dưới vốn tài trợ phát triển của Trung Quốc. 

Giám mục Valentin cho rằng dự án này không nên được thực hiện do gây tác động xấu đến môi trường, động vật hoang dã, và các cộng đồng người bản địa trong khu vực. 

Riêng đối với hai cộng đồng người bản địa Dumagat và Remontado sinh sống trong khu vực dự án thì dự án này họ phải đối mặt với việc bị trục xuất khỏi lãnh thổ tổ tiên và phải sống trong khu vực mới, có các đặc điểm hoàn toàn xa lạ với văn hoá truyền thống của mình. 

Người đại diện giáo xứ Bontoc-Lagawe khẳng định rằng người bản địa phải được bảo vệ bởi họ có quyền được sống, có quyền bảo vệ đất đai thuộc sở hữu của mình.  

Tuyên bố của LHQ về quyền người bản địa khẳng định rõ, bất cứ hành động, hoặc chính sách nào làm ảnh hưởng đến người bản địa, đất đai, tài nguyên trong lãnh thổ của người bản địa, bắt buộc phải có sự tham vấn và đồng ý của ngư​​ bản địa thông qua các đại diện của mình. 

Thu Hà

Chính phủ Thái vui mừng vì di sản văn hóa thế giới mới, người bản địa lo

RIPVN | Hồi tháng 7 năm 2021, vườn Quốc gia Kaeng Krachan của Thái Lan được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới, quyết định này khiến giới chức và người dân Thái Lan vui mừng hãnh diện, tuy nhiên từ đây cũng bắt đầu những nỗi lo cho người bản địa vì đối mặt với nguy cơ bị trục xuất khỏi lãnh thổ của mình. 

Vườn quốc gia Kaeng Krachan thuộc tỉnh Phetchaburi, giáp biên giới với Miến Điện và là vườn quốc gia lớn nhất nước của Thái lan, với diện tích toàn bộ gần 2,900 cây số vuông.

Khu vực này có nhiều loài động vật và cây cổ thụ quý hiếm và cũng là lãnh thổ của hơn 30 cộng đồng người bản địa  Karen. 

Karen là một sắc dân bản địa có địa bàn cư trú trãi dài trên lãnh thổ Miến Điện và Thái Lan, riêng khu vực thuộc vườn quốc gia Kaeng Krachan cũng được người bản địa Karen tuyên bố là lãnh thổ truyền thống của mình. 

Tuy vậy, vào năm 1981, chính phủ Thái Lan quyết định thành lập vườn quốc gia này, theo luật bảo vệ rừng, lãnh thổ của người Karen bị thu hẹp lại, chỉ còn 10% so với trước đó. 

Đến năm 2010, chính phủ Thái Lan soạn dự thảo luật công nhận và cho phép người bản địa Karen có quyền sống, canh tác, khai thác tài nguyên rừng theo truyền thống dân tộc. Tuy nhiên dự luật này đã không được thông qua. 

Mãi cho đến ngày nay, các cộng đồng người bản địa Karen này vẫn đang sinh sống «bất hợp pháp» trên đất đai tổ tiên mình. 

Bởi «cư trú bất hợp pháp», người bản địa Karen phải đối mặt với nguy cơ bị đuổi ra khỏi lãnh thổ của mình và buộc phải di cư sang nơi khác nếu chính quyền áp dụng luật bảo vệ di sản thế giới. 

Bởi thế, trái với người Thái hãnh diện vì sẽ thu được nhiều nguồn lợi từ du lịch sau khi Kaeng Krachan trở thành di sản thế giới, người Karen cảm thấy đây là một nguy cơ lớn và chắc chắn họ sẽ bị mất lãnh thổ tổ tiên trong một ngày không xa. 

Sơn Trung

Hoa Kỳ công bố ngày Người Bản địa 2021

https://vi.ripvn.org/wp-content/uploads/2021/10/hoa-ky-cong-nhan-ngay-nguoi-ban-dia-1.mp3

RIPVN | Hồi ngày 8 tháng 10 năm 2021, Tổng thống Joseph Biden, tổng thống thứ 46 của Liên bang Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ đã trở thành tổng thống đầu tiên trong suốt 233 năm lịch sử của nước này chính thức thừa nhận «Ngày ​ người bản địa» để công nhận vị thế của người bản địa cũng như để vinh danh những đóng góp của các cá nhân, cộng đồng người bản địa cho sự phát triển thịnh vượng của Hoa Kỳ. 

Ngày Người Bản địa Hoa Kỳ năm nay được quyết định để thay thế «Ngày Columbus», tức ngày kỷ niệm nhà thám hiểm Châu Âu Christopher Columbus đặt chân lên vùng đất mà ngày nay là Châu Mỹ, đánh dấu sự xâm lược và thuộc địa hoá của người da trắng lên lãnh thổ của người bản địa. 

Có hơn 100 thành phố lớn của Hoa Kỳ đã chính thức xóa bỏ ngày Columbus và thay thế vào đó là Ngày Người Bản địa, để tưởng nhớ đến một giai đoạn lịch sử đau thương mà người bản địa Mỹ phải hứng chịu sau khi Christopher Columbus «phát hiện vùng đất mới». 

Cũng trong buổi lễ công bố, Tổng thống Hoa Kỳ đã bày tỏ lòng biết ơn đến những người bản địa đang làm việc trong các cơ sở công quyền, lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, văn hoá, kinh tế, … đặc biệt là những người bản địa đang hoạt động trong hàng ngũ quân đội Hoa Kỳ đang cố gắng phục vụ vì hòa bình và phát triển của đất nước. 

Ông Joseph Biden cũng khẳng định Chính phủ Hoa Kỳ tuyệt đối ủng hộ sự phát triển và bình đẳng mà người bản địa đáng được có, thuận theo các quyền của người bản địa Hoa Kỳ và Thế giới thừa nhận. 

Liên bang hiệp chúng quốc Hoa Kỳ là ngôi nhà chung của các sắc dân bản địa, bao gồm các bộ lạc người bản địa Châu Mỹ (gọi chung là người Indian, hay người da đỏ), người bản địa Alaska, và người bản địa Hawai’i. 

Các sắc dân bản địa này có ngôn ngữ và văn hoá riêng biệt. 

Hiện tại Chính phủ Liên bang Hoa Kỳ thừa nhận và ủng hộ người bản địa lập các lãnh thổ và các chính quyền tự trị trên vùng đất lịch sử của các sắc dân ấy. 

Trần Nam Thương

Canada tổ chức quốc lễ tưởng niệm người bản địa

Hồi ngày 30 tháng 9 năm 2021, Thủ tướng Canada Justin Trudeau chủ trì buổi quốc lễ đầu tiên của nước này để tưởng niệm người bản địa đã bị sát hại trong thời kỳ người da trắng thuộc địa hoá Canada. 

Lễ này được Quốc hội Canada thông qua để trở thành ngày quốc lễ (Lễ cấp quốc gia) hồi ngày 3 tháng 6 năm 2021. 

Trước khi được công nhận là ngày lễ quốc gia, ngày lễ này vẫn được người bản địa Canada tổ chức hằng năm với các cuộc tập trung và diễu hành để tưởng nhớ các trẻ em người bản địa xấu số đã chết thảm trong các trại tập trung cưỡng bách, cũng như thể hiện tình liên đới với gia đình các nạn nhân và những người còn sống sót. 

Cũng trong dịp này, Nữ hoàng Anh và Liên hiệp thịnh vượng chung Elizabeth Đệ Nhị cũng gửi thư cho cộng đồng người Canada thể hiện sự chia buồn đối với các cộng đồng bản địa có người bị chết trong các vụ diệt chủng và hy vọng Canada sẽ hoá giải hận thù, các dân tộc cùng xây dựng một nước Canada thịnh vượng. 

Ngày lễ này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013 với tên gọi là «Lễ áo cam», vì người tham dự đều mặc áo màu cam, cũng là áo mà một bé gái người bản địa đã mặc khi rời gia đình đến trường học tập trung, tại đó, bé đã bị bắt cởi hết quần áo và giết chết thảm. 

Hồi cuối thế kỷ 19 đến những năm 90 của thế kỷ 20, có hơn 150,000 trẻ em thuộc các sắc dân bản địa Canada đã bị ép đến học trong các trường n​​ội trú tập trung cho nhà thờ quản lý. 

Tại đây, các em đã bị hành hạ về thể xác, bị xâm hại tình dục, và khủng bố tinh thần vì các em là người bản xứ, khác văn hoá và ngôn ngữ của người da trắng (tiếng Anh). 

Người ta tin rằng có khoảng 1000 trẻ em bản địa đã bị chết do bị đánh đập, bỏ đói và bệnh tật, và con số hơn 1000 người khác đã bị mất chức năng hoặc bị chấn thương tâm lý dẫn đến tự kỷ, và các vấn đề tâm lý khác do bị hành hạ quá mức. 

Daneth 

Việt Nam vẫn là quốc gia không có tự do Internet

RIPVN | Việt Nam tiếp tục bị xếp vào nhóm các quốc gia không có tự do trên mạng Internet trong báo cáo năm 2021 của tổ chức Freedom House vừa được công bố hồi ngày 21 tháng 9. 

Báo cáo mang tên The Global Drive to Control Big Tech, tức «Nỗ lực Toàn cầu nhằm kiểm soát các công ty công nghệ l​ớn».

Theo thang đánh giá với số điểm tự do nhất là 100 và ít tự do nhất là 0, Việt Nam năm nay ở mức 22 điểm, trong đó 12 điểm về những trở ngại tiếp cận, 6 điểm về giới hạn nội dung và 4 điểm về những vi phạm quyền của người sử dụng.

Trong phần về chủ quyền dữ liệu là cớ để giám sát, báo cáo nêu ra dự thảo nghị định do bộ Công an Việt Nam soạn thảo và đưa ra hồi tháng hai năm 2021 nhằm quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng. 

Nghị định có thêm những yêu cầu đối với các công ty mạng về việc lưu trữ dữ liệu tại máy chủ ở Việt Nam. Những dữ liệu phải lưu trữ bao gồm tên tuổi người dùng, quốc tịch, giấy chứng minh, số thẻ tín dụng, các thông tin sinh trắc, sức khỏe.

Báo cáo của Freedom House cho rằng những căn cứ mơ hồ liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự xã hội được đưa ra trong dự thảo nghị định nhằm cho phép cơ quan chức năng có thể tiếp cận dữ liệu của người dùng.

Việc các công ty mạng xã hội tuân thủ hoàn toàn những quy định của Việt Nam, giới hoạt động, nhà báo, các nhà bảo vệ nhân quyền sẽ đối mặt nguy cơ trước sự đàn áp nặng nề tiếng nói bất đồng chính trị của chế độ.

Chính phủ Hà Nội là một trong ít nhất 55 nhà cầm quyền trên thế giới áp dụng chính sách điều tra, bắt giữ và kết tội những người đưa lên mạng xã hội những bài viết của người dân.

Hồng Ngọc

Dân bản địa Peru chiến thắng, lập lãnh thổ bảo tồn cho người Kakataibo

RIPVN | Cộng đồng các sắc dân bản địa ở Peru đã giành được thắng lợi hết sức to lớn khi thành công buộc chính phủ phải xây dựng khu vực bảo tồn bất khả xâm hại dành cho người Kakataibo, một sắc dân bản địa không tiếp xúc với nền văn minh bên ngoài.

Khu bảo tồn rộng 150 000 héc-ta là kết quả của quá trình đấu tranh kiên trì kể từ năm 1993 của các sắc tộc bản địa Peru, đại diện bởi Tổ chức Các dân tộc Bản địa Amaron Peru (AIDESEP), với sự tham gia của các tổ chức người bản địa khác là Liên minh Các bộ lạc bản địa Kakataibo (FENACOKAO), ORPIO và ORAU, cũng như hơn 7000 người yểm trợ trên toàn cầu. 

Tin mừng này cũng xảy ra đồng thời với một chiến thắng khác của người bản địa là vài tháng trước đây, Peru cũng đã thành lập một khu bảo tồn bất khả xâm phạm cho sắc bộ tộc Yavari-Tapiche, cũng là một sắc dân bản địa không tiếp xúc với bên ngoài.

Peru được xem là quốc gia có các bộ lạc bản địa không tiếp xúc với bên ngoài nhiều thứ hai trên thế giới sau Brazil. 

Hiện tại, các tổ chức người bản địa Peru đang vận động để thành lập thêm 4 khu bảo tồn khác nữa dành cho người bản địa. 

Các khu bảo tồn này xác định lãnh thổ cư trú của người bản địa và quy định tính bất khả xâm phạm của những người từ các cộng đồng khác, bao gồm việc di cư hoặc khai thác rừng trong khu vực. 

Trong những năm gần đây, Peru, Đài Loan, Ukraine, … là những quốc gia hết sức tiến bộ trong việc thực thi quyền của người bản địa, và là tấm gương để chính quyền Việt Nam học tập.

Hồng Ngọc