RIPVN | Ông Thạch Rine, một người bản địa Khmer Krom ở xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, hôm 14 tháng 10 vừa qua đã bị công an huyện bắt giam với tội danh «lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân».
Theo đó công an Trà Vinh cáo buộc ông Rine «xúc phạm chân dung lãnh tụ» do ông đăng tải hình ảnh chân dung của Hồ Chí Minh đã bị chỉnh sửa «có tính chất xúc phạm lãnh tụ».
Theo tìm hiểu của chúng tôi trên Facebook «Thach Rine» có đăng một ảnh động trong đó có gương mặt của một người đàn ông lớn tuổi, được người ta cho là Hồ Chí Minh, gương mặt này từ từ biến dạng thành một gương mặt xấu xí như mặt quỷ.
Cũng công an Trà Vinh cáo buộc ông Rine đăng tải hình ảnh này là nhằm «tuyên truyền, xuyên tạc sai về lịch sử vùng đất Tây Nam bộ».
Ông Thạch Rine, 61 tuổi, là một tín hữu Tin lành thuộc Giáo hội Cơ đốc phục lâm Việt Nam, thường có các hoạt động thiện nguyện trong cộng đồng người Khmer Krom ở Trà Vinh.
Hồi tháng 7 năm 2021, ông Rine cũng đã bị công an huyện bắt giữ, chiếm lấy điện thoại và ba chiếc áo thun, trong đó có một chiếc áo ghi 17 chỉ tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam có tham gia ký, một áo thun khác có in bản đồ Kampuchea Krom cùng với dòng chữ tiếng Khmer là «kỷ niệm 72 năm ngày Pháp giao vùng đất Khmer Krom cho Việt Nam».
Công an Trà Cú cũng cho biết thêm là họ có thu thập được tài liệu về việc ông Thạch Rine thường xuyên đăng tải, chia sẻ biểu tượng, tài liệu liên quan đến tổ chức phản động bên ngoài, tuy nhiên họ không đề cập là những tổ chức nào.
Người Khmer Krom là người bản địa, chủ nhân của vùng đất Kampuchea Krom (mà ngày nay là Nam Bộ ở Việt Nam, kéo dài từ Đồng Nai – Vũng Tàu đến Cà Mau).
Người Khmer Krom phần lớn theo Phật giáo Nguyên thủy, một số ít theo các hệ phái Tin Lành, cả Phật tử và Ki-tô hữu Khmer đều sống chan hòa, thờ Phật, kính Chúa và gìn giữ truyền thống văn hóa, ngôn ngữ dân tộc.
Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam luôn tìm mọi biện pháp đồng hóa người Khmer Krom, cấm đoán việc dạy ngôn ngữ, chữ viết không theo định hướng của chính quyền, và liên tục bắt giam, đe dọa những người phổ biến văn hóa, lịch sử dân tộc, và lãnh thổ Kampuchea Krom.
RIPVN | Chính phủ Việt Nam đã thừa nhận rằng họ đã bắt giữ một nhà hoạt động vì quyền của người bản địa vì người này sở hữu bản dịch «Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của người bản địa».
Trong một tuyên bố bất thường gửi cho Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đề ngày 20 tháng 9 năm 2021 nhưng vừa mới được công bố, chính phủ Việt Nam đã thừa nhận có bắt giữ một thanh niên Khmer Krom, tên Dương Khải hồi ngày 13 tháng 4 năm 2021.
Tuy nhiên, thay vì xin lỗi người bị hại và hứa sửa sai, Việt Nam đã biện minh rằng vụ bắt giữ này là cần thiết để bảo vệ chính sách đoàn kết dân tộc ở Việt Nam, cũng như nặn ra cái cớ hợp pháp cho việc bắt giam này là «Dương Khải vi phạm luật báo chí và xuất bản».
Xin nhắc lại thêm rằng hồi tháng 4 năm 2021, hàng chục công an Việt Nam đã bao vây nhà trọ của Dương Khải, người Khmer Krom, quê Sóc Trăng, là công nhân khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, tịch thu 120 quyển sách Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền của người bản địa (UNDRIP), máy tính xách tay, điện thoại di động, và đưa anh này về đồn công an.
Vào tháng 6 năm 2021, một nhóm chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc đã viết Thư cáo buộc chung gửi chính phủ Việt Nam yêu cầu câu trả lời và bày tỏ «lo ngại rằng những mối đe dọa được báo cáo này có thể liên quan đến nỗ lực của ông trong việc phổ biến các tài liệu của Liên hợp quốc, đặc biệt là việc phổ biến và dịch UNDRIP ra các ngôn ngữ, và có thể có tác động tiêu cực đến việc thừa nhận các tài liệu của Liên Hiệp Quốc, thậm chí là đối với những người bảo vệ nhân quyền, những người quan tâm đến các vấn đề về người thiểu số và người bản địa trong nước».
Tuyên bố của Liên hợp quốc về quyền của người bản địa được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 13 tháng 9 năm 2007 với 144 phiếu thuận, 11 phiếu trắng và 4 phiếu chống.
Việt Nam là một trong 144 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ ngay từ ngày đưa ra bản tuyên bố.
Trớ trêu thay Việt Nam nhất quyết tuyên bố rằng ở nước này không có «người bản địa», bất chấp sự thật là người dân bản địa chiếm khoảng 15% dân số Việt Nam, có khu vực định cư cụ thể, có văn hóa, lịch sử, truyền thống bản địa, bao gồm người Khmer Krom, người Chăm, các sắc dân Tây Nguyên, Tây Bắc, ..
Trường hợp của Dương Khải là một cơ sở đáng lo ngại cho tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.
Nếu, ở Việt Nam, một người có thể bị hình sự hóa chỉ vì sở hữu và phổ tiền các tài liệu về nhân quyền của Liên hợp quốc mà đặc biệt là có sự tham gia soạn thảo từ chính phủ Việt Nam, thì không thể không có khả năng nhà nước này sẽ thẳng tay đàn áp công dân và xóa bỏ quyền tự do ngôn luận. và bày tỏ chính kiến.
RIPVN | Mới đây, có 10 người bản địa đã bị công an bắt trong một vụ đàn áp tôn giáo tại tỉnh Đắk Lắk.
Các video clip và hình ảnh được đăng tải lên mạng xã hội của một người dùng tên Y Quynh Dap thì hồi 16 tháng 7 vừa qua, tại một số buôn làng trong tỉnh Đắk Lắk, công an đã tiến hành các cuộc đàn áp những người Montagnards theo đạo Tin Lành, kết quả là có 10 người tại 3 buôn đã bị bắt.
Theo đó, hàng trăm công an đã đến một số buôn người Montagnards thuộc các huyện Krông Buk, Buôn Đôn và cả thành phố Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk để «lục soát nhà ở, áp giải các lãnh đạo và tín đồ thuộc Hội Thánh Tư Gia Độc Lập».
«Hội Thánh Tư Gia Độc Lập» là một hệ phái Tin Lành không nằm trong hệ thống tôn giáo được chính quyền cộng sản Việt Nam chấp thuận cho hoạt động và cũng như không chịu sự chỉ huy, hay phục vụ theo các nhu cầu chính trị của nhà nước.
Trong đợt bố ráp này, có năm người ở buôn Dhiă, xã Cu Ne, huyện Krong Buk bị bắt, tên là Y Kheng Kpă (sinh năm 1990), H Lisa Niê (sinh năm 2000), H Lana Niê (sinh năm 2006), Y Roet Mlo, và Y Sak Mlo.
Buôn Cuôr Knia 3, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn có ba người bị bắt là Y Kreč Bya (sinh năm 1978), Yuăn Byă (sinh năm 1966) và Y Et Byă (sinh năm 1992).
Tại đây, công an đã lục soát và chiếm lấy điện thoại, tiền (7 triệu đồng của ông Y Krec Bya) và rất nhiều sách của Giáo Hội.
Còn tại buôn Ako Mlieo, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột thì công an đã bắt hai người là Y Čoi Bkrong (sinh năm 1975) và Y Nguyêt Bkrong (sinh năm 1985).
Tuy nhiên, cũng theo Facebooker Y Quynh Dap công an không thể bắt được thầy truyền đạo Ykhen Bdap do thầy được người dân bảo vệ, kháng cự lại công an hết sức dữ dội.
Trong bản phúc trình thường niên gửi chính phủ và Quốc Hội hồi ngày 21 tháng 4 năm 2021, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) vẫn xếp Việt Nam là một trong 14 quốc gia trên thế giới vào danh sách «Các nước cần quan tâm đặc biệt» (CPC) vì tình trạng đàn áp quyền tự do tôn giáo.
RIPVN | Thời gian gần đây, càng có rất nhiều người bản địa ở Việt Nam nhận được một tờ giấy khổ A5 (A4 gập đôi), với nội dung tương tự nhau là «đúng … giờ, ngày … tháng … năm … phải có mặt tại cơ quan công an để trao đổi một số vụ việc», tuy nhiên, cơ sở pháp lý của loại giấy tờ này là gì? Giá trị của nó như thế nào? Khi nhận được «giấy mời», bà con phải làm gì?
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Thạch Thị Quỳnh Loan đang làm việc tại Hà Nội và được giải thích như sau:
Điều luật nào quy định về giấy mời?
Cho đến hiện tại, luật pháp Việt Nam vẫn chưa có một cơ sở pháp lý nào cho việc ban hành và thực thi «giấy mời», cụ thể là trong Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 cũng không đề cập đến «giấy mời» nhưng có quy định về «giấy triệu tập». Khi nhận được giấy từ cơ quan công quyền, bà con nên kiểm tra nó là «giấy mời» hay «giấy triệu tập».
Tại sao tôi lại nhận được giấy mời?
Giấy mời là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan công an, tòa án (hay nói chung là các cơ quan tiến hành tố tụng) mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc.
Được sử dụng trong các hoạt động không thuộc phạm vi của tố tụng hình sự (chưa khởi tố vụ án, chưa cấu thành vụ án)
Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, loại giấy tờ không có cơ sở pháp lý này cũng là một dạng thức được công an hay các lực lượng pháp chế địa phương lạm quyền sử dụng nhằm gây phiền hà, sách nhiễu, làm ảnh hưởng đến công việc làm ăn của bà con.
Nhận được giấy mời, tôi phải làm gì?
Khi nhận được giấy mời, bà con phải bình tĩnh vì loại giấy không có giá trị pháp lý và cũng không có nghĩa là bà con có liên quan đến một vụ án hình sự nào đó.
Bà con cần phải đọc chi tiết tờ giấy mời và xem mục đích cơ quan công quyền mời bà con để làm gì. Nếu nội dung không rõ ràng, bà con có thể hỏi lại người đưa giấy mời cho bà con để được giải thích cụ thể hơn. Nếu bà con vẫn không hiểu mình được cơ quan công quyền mời với mục đích gì, bà con có thể từ chối không đi.
Thêm nữa, xin hãy xem thời gian mời bà con và hãy hỏi người đưa «giấy mời» về thời gian làm việc. Nếu thời gian làm việc có ảnh hưởng để cuộc sống, hoặc công việc làm ăn của bà con hoặc việc mời này quá gấp gáp và bà con không có thời gian chuẩn bị chu đáo, bà con có thể từ chối không đi.
Xin lưu ý, nếu bà con có ý định sẽ không có mặt tại cơ quan công quyền như «giấy mời» (không đi), xin bà con viết rõ lý do trên «giấy mời» và gửi lại cho cán bộ đưa «giấy mời» mời cho bà con. Lý do cụ thể là «Tôi, ABC, không thể có mặt vì nội dung làm việc không rõ ràng», «Tôi, ABC, không thể có mặt vì bận công việc vào thời gian trên».
Xin bà con đừng nhận «giấy mời» rồi giữ mà không đi vì bà con có thể bị vu tội «không hợp tác với cơ quan điều tra».
Bà con cũng lưu ý, nếu bà con nhận được «giấy triệu tập» có nghĩa là bà con đã có liên quan đến một vụ án nào đó, bà con phải đến cơ quan điều tra để làm việc, nếu không, bà con có thể bị cưỡng chế bắt giam, hoặc bị truy nã, …
Tuy nhiên. «giấy triệu tập» đôi khi cũng bị lạm dụng gửi mà không đúng với quy định pháp luật, bởi giấy này chỉ được gửi cho:
Triệu tập và hỏi cung bị can;
Triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
Lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ;
Triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự;
Nếu bà con xem xét thấy mình không thuộc bất kỳ đối tượng nào ở trên, bà con có quyền yêu cầu nhân viên công quyền giải thích thêm, và yêu cầu cung cấp đủ giấy tờ chứng minh bà con có liên quan đến vụ án hình sự đang điều tra đó.
Nếu bị triệu tập, tôi đã lên cơ quan công an, tôi phải làm gì?
Trước khi làm việc với cơ quan nhà nước, bà con phải yêu cầu cơ quan điều tra cho biết lý do triệu tập? Bị triệu tập với tư cách gì trong vụ việc? Nội dung buổi làm việc?
Nội dung làm việc đã ghi trong «giấy triệu tập», bà con chỉ có trách nhiệm trả lời và làm việc theo nội dung đó, những thông tin khác với nội dung được ghi trong «giấy triệu tập», bà con tuyệt đối không trả lời.
Khi làm việc với cơ quan điều tra, bà con cần suy nghĩ cẩn thận trước khi nói, những gì có liên quan đến buổi làm việc, nếu bà con chắc chắn thì hãy trả lời. Những chi tiết chưa nhớ rõ hoặc cần tài liệu đối chiếu thì không vội vàng trả lời.
Trước khi ký bản khai, tôi cần kiểm tra gì?
Tự đọc lại kiểm tra đúng nội dung đã trả lời trước đó;
Yêu cầu cán bộ điều tra gạch những phần để trống (vì có khả năng họ sẽ ghi thêm chữ vào đó);
Những chữ gạch xóa viết lại phải có chữ ký xác nhận ngay tại phần gạch xóa đó; ký từng trang và trang cuối ký ghi rõ họ tên.
Khi cảm thấy bị đe dọa, bà con hãy mạnh dạng bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Bà con có thể tìm sự hỗ trợ của người có chuyên môn, các văn phòng luật sư bảo vệ quyền lợi bà con, hoặc thậm chí, bà con có thể sử dụng mạng internet để vụ việc của bàn con được toàn xã hội biết đến, làm như thế sẽ hạn chế được sự lạm quyền của cơ quan công quyền Việt Nam.
RIPVN | Hồi ngày 25 tháng 6 năm 2021, công an xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã chặn xe máy của ông Thạch Tha, người Khmer Krom, để thực hiện cái gọi là «kiểm tra phòng chống COVID», và sau đó đã ngang nhiên cướp lấy 150 quyển sách trên xe của ông Tha.
Trong biên bản «tạm giữ tài liệu» được viết và không đề rõ ngày tháng, ông Dương Quốc Túy (Tủy?) phó trưởng công an xã cho biết việc tịch thu với lý do là người chở (tức ông Tha) không xuất trình được nguồn gốc số sách này.
Trong một video được lan truyền trên mạng xã hội bởi ông Tô Hoàng Chương, một người hoạt động phổ biến quyền người bản địa ở Việt Nam, cho thấy số sách bị công an thu giữ này gồm 2 loại là «Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền», và «Tuyên ngôn của Liên hiệp quốc về quyền người bản địa», cả hai sách này đều bằng tiếng Khmer, được in và phổ biến bởi Văn phòng Cao ủy LHQ Phụ trách về nhân quyền tại Kampuchea từ tháng 9 năm 2006.
Trong một diễn biến khác, cũng hồi ngày 25 tháng 6 năm 2021, một người Khmer Krom khác là Thạch Rine đã bị công an tỉnh Trà Vinh tạm giữ điều tra hơn 10 giờ đồng hồ vì anh này mặc áo thun có logo của Chương trình «17 Mục tiêu phát triển bền vững»(17 Sustainable Development Goals – SDGs).
Điều đáng nói là hai tài liệu về quyền con người trên và chương trình SDGs đã được LHQ thông qua và đề xướng, các tuyên ngôn và chương trình này cũng được chính quyền Việt Nam ký tên công nhận, cũng như cam kết phổ biến rộng rãi, và phổ biến thực hiện ở Việt Nam.
Điểm 2, Điều 11 của Tuyên ngôn LHQ về quyền người bản địa nêu rõ:
«Nhà nước cần có những biện pháp hiệu quả để đảm bảo rằng quyền này được bảo vệ và cũng đảm bảo rằng các dân tộc bản địa có thể hiểu và được hiểu trong các thủ tục về chính trị, pháp lý và hành chính, khi cần thiết thông qua việc cung cấp thông ngôn hay các biện pháp thích hợp khác».
Theo đó. việc người Khmer Krom in, tặng, chia sách về nhân quyền và quyền người bản địa và phổ biến các mục tiêu phát triển bền vững là góp phần cùng với nhà nước Việt Nam phổ biến các Tuyên ngôn, Công ước quốc tế, các chương trình LHQ mà Việt Nam là thành viên bảo trợ.
Các hành động này đáng được tuyên dương và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền Việt Nam, hơn nữa, Hà Nội cũng nên giáo dục để chính quyền các cấp địa phương có thể học tập để nhận biết được các tài liệu, tuyên ngôn, công ước quốc tế đã được nước CHXHCN Việt Nam thông qua.
RIPVN | Các tín hữu Hội thánh Tin lành Đấng Christ, một hội thánh Tin lành của người Montagnards (Tây Nguyên), mới đây vừa bị chính quyền xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên sách nhiễu, đấu tố.
Ông Y Coan Nie, tên thường gọi là Ama Toang, 50 tuổi, thầy truyền đạo cho khoảng 40 tín hữu tại xã Ea Lâm cho biết chính quyền ngăn cấm đạo Tin lành Đấng Christ và liên tục sách nhiễu những người theo Hội thánh này.
«Nhà cầm nghiêm cấm không cho nhóm họp, công an nói dứt khoát không cho đăng ký. Người ta bắt đi tù, bắt nhốt, tra tấn. Họ ngăn không cho nhóm, không cho đọc kinh, không cho cầu nguyện».
«Cậu vợ tôi, Ma Tương, bị họ đánh đập, bị mời lên Uỷ ban nhân dân xã miết».
Liên quan đến vấn đề này, Mục sư A Đảo, Hội Thánh tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, người vừa được trả tự do vào tháng 9 năm ngoái sau 4 năm bị cầm tù, hiện đang sống ở Kon Tum cho biết:
«Hội thánh Tin lành Đấng Christ ở tỉnh Phú Yên bị họ ngăn trở, không cho nhóm thờ phượng, họ ngăn trở niềm tin tôn giáo của người dân».
Vào cuối tháng 3, trong bài viết Cảnh giác với «Tin lành đấng Christ», báo Phú Yên cho biết các tín hữu Hội thánh này là những người «nhẹ dạ cả tin, nhận thức còn hạn chế đã mắc mưu, nghe lời xúi giục của các đối tượng phản động Fulro lưu vong đi theo đạo ‘Tin lành Đấng Christ’».
Riêng đài truyền hình ANTV của Bộ Công an Việt Nam thì cáo buộc rằng « ‘Hội thánh Tin lành Đấng Christ Việt Nam’, hay còn gọi là ECCV, là một tổ chức phản động đội lốt tôn giáo được các đối tượng FULRO lưu vong tại Mỹ câu kết, móc nối với một số đối tượng trong nước lén lút dựng lên».
Thầy truyền đạo Ama Toang và Mục sư A Đảo bác bỏ cáo buộc trên của chính quyền Việt Nam, nói rằng Tin lành Đấng Christ đơn thuần là một tôn giáo được đông đảo người bản địa ở Tây Nguyên thờ phượng.
Thầy truyền đạo Ama Toang cho biết đã nhiều lần làm đơn xin cơ quan chức năng cho đăng ký hoạt động như một tổ chức tôn giáo, tuy nhiên chính quyền liên tục từ chối, và dọa nạt, đánh đập họ.
Trước sự sách nhiễu này, hồi ngày 14 tháng 5, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) vừa lên tiếng báo động và kêu gọi chính quyền địa phương cho phép hội thánh được thực hành đức tin của họ «mà không có sự can thiệp của chính quyền tại Việt Nam».
Ủy viên USCIRF James W. Carr nêu rõ «USCIRF rất quan ngại trước cuộc đàn áp của chính quyền tỉnh Phú Yên nhắm vào Hội thánh Tin lành Đấng Christ của người Thượng Tây Nguyên».
RIPVN | Hồi đêm 11 tháng 4 năm 2021, một nhóm nhân người Khmer Krom ở thị trấn Tân Uyên tỉnh Bình Dương đã bị một nhóm công nhân người Việt hành hung khiến 2 người chết và 1 người khác bị thương nặng.
Hai công nhân Khmer Krom bị đâm chết là Thạch Chiên (sinh năm 1998) và Thạch Chum Rơne (sinh năm 1996) là hai cậu cháu ruột, cùng quê ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Theo thông tin của người nhà nạn nhân, sau khi đi hát karaoke về, nhóm công nhân Khmer Krom nói chuyện với nhau bằng tiếng Khmer thì bị nhóm 8 người Việt đánh và bị đâm khiến Thạch Chiên và Thạch Chum Rơne chết, và Kim Hồng Chương bị thương nặng.
Tin tức do báo chí nhà nước Việt Nam đưa thì hung thủ giết người tên Nguyễn Đức Thành, quê Kiên Giang, đã bị bắt vào chiều 18 tháng 4 năm 2021.
Trò chuyện với chúng tôi, K.T., một công nhân Khmer Krom chứng kiến vụ việc cho biết, đêm 11 tháng tư, khi ra khỏi phòng hát karaoke và nói chuyện với nhau bằng tiếng Khmer thì họ bị nhóm người Việt liếc nhìn với ánh mắt thù nghịch mà không hề biết lý do gì.
Anh này chia sẽ: «Nhóm tụi em đi ăn liên hoan chia tay nhau để về quê ăn Chol Chhnam, trước khi ra về, nhóm em 4 người tụm lại nói chuyện thì có một nhóm người Việt vì không hiểu tụi em nói gì nên họ nghĩ nói xấu họ nên họ đến đánh và dùng dao đâm vào nhóm tụi em».
Cũng đang làm việc tại Bình Dương , anh Sơn H., từng tốt nghiệp Cử nhân ngành Xã hội học, cho biết việc ẩu đả đến chết người là một trường hợp nghiệm trọng, tuy nhiên việc công nhân Khmer Krom bị công nhân người Việt gây gổ đánh đập không phải là chuyện hiếm.
Đặt biệt, theo anh Sơn H., ở các quán nhậu hoặc các địa điểm ăn uống thường xảy ra các mâu thuẫn với lý do đơn giản là người Khmer Krom thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Khmer, trong khi đó các công nhân người Việt thì cho rằng nhóm người Khmer đang «nói xấu» hoặc «chửi rủa» mình.
Cũng trong sự kiện này, theo báo nhà nước, có 2 công nhân Khmer Krom khác là Thạch Tấn (sinh năm 2002), và Thạch Hiệp (sinh năm 2000) cũng bị Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ vì «hành vi gây rối trật tự».
Liên quan đến vấn đề này anh Sơn H. nhận định cả Tấn và Hiệp là nạn nhân của hành vi bạo lực liên quan đến nạn kỳ thị sắc tộc ở Việt Nam và đáng lý phải được nhà nước bảo vệ chứ không phải bị bắt như tội phạm hình sự.
RIPVN | Một nhà thơ người Chăm mất tích 3 ngày sau khi bị công an mời lên làm việc
Đến tối ngày 10 tháng 4 gia đình và bạn bè của nhà thơ người Chăm – Đồng Chuông Tử, tên thật là Nguyễn Quốc Huy vẫn không liên lạc được với ông này sau hơn hai ngày bị công an đưa đi làm việc.
Theo thông tin từ bạn bè thì ông Huy vào trưa ngày 7 tháng 4 nhắn tin cho bạn bè biết ông bị công an thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đưa về làm việc không rõ lý do, và cũng không ai trong số người thân của ông được nhìn thấy nội dung của thư mời.
Vợ của ông Nguyễn Quốc Huy đang hái cà phê ở tỉnh Bình Phước cũng không hay biết gì về tin tức của chồng mình.
Một người bạn cho biết ông Đồng Chuông Tử làm thơ, viết báo và thời gian qua có kêu gọi hỗ trợ người dân nghèo, học sinh ở thị trấn Ma Lâm và xây dựng thư viện thiện nguyện cho người dân đến đọc sách.
Trong một bài đăng trên Facebook cá nhân hồi tháng 6 năm 2020, nhà thơ cho biết «sẽ tự ứng cử Đại biểu Quốc hội để chăm lo cho đồng bào Chăm của mình».
Theo ông dù biết sẽ chắc chắn là sẽ bị loại, nhưng nhìn thấy các đại biểu Quốc người bản địa chủ yếu «để làm kiểng» nên ông quyết định tự ứng cử.
Hồi ngày 17 tháng 02 năm 2020, một thanh niên người Chăm là Báo Anh Ty cũng đột ngột mất tích trên đường từ nhà ở Ninh Thuận vào Sài Gòn đi làm, đến 16 tháng 5 năm 2020, gia đình anh này nhận được lệnh báo của công an cho biết anh này chết tại đồn công an, nguyên nhân cái chết được phía công an khẳng định là bị bệnh.
RIPVN | Hôm 6 tháng 4 năm 2021 vừa qua, Văn phòng các Tổ chức Khmer Kampuchea Krom tại Kampuchea (SKKKA) ra thông cáo báo chí lên án công an quận Gò Vấp sách nhiễu, hành hung thanh niên Khmer Krom đang làm việc tại Sài Gòn.
Theo bản thông cáo thì hồi lúc 10 giờ tối đêm 4 tháng 4 năm 2021, khoảng 10 công an thường phục và sắc phục cùng chính quyền phường 16, quận Gò Vấp xông vào tiệm trang điểm của anh Thạch Cương, với lý do anh này «tàng trữ tài liệu phản động».
Cái cớ cho việc sách nhiễu là chính quyền nghi ngờ anh Cương đang giữ khoảng 100 quyển in của sách «Ánh sáng quyền dân tộc tự quyết», viết bởi một nhà sư Khmer Krom đang sống tại Hoa Kỳ và được phổ biến trên mạng internet, và chờ phân phát cho các thanh niên Khmer Krom.
SKKKA cho biết thêm rằng, dù không tìm được bất kỳ quyển sách nào, nhưng công an Gò Vấp liên tục có hành vi hung hãn với anh Cương như bóp cổ, vặn tay khi anh này lên tiếng khán cự việc công an lục soát nơi ở của mình.
Không những thế, công an còn cướp lấy hai điện thoại di động của anh Cương và tự ý mở xem, chụp lại tất cả các cuộc gọi và nội dung tin nhắn mạng xã hội trên điện thoại.
Khoảng 30 phút, sau khi không tìm được sách, cũng như ép buộc anh Cương ký vào cam kết «không in ấn sách báo và áo thun», công an trao trả điện thoại và không quên lời đe dọa «cấm không cho báo tin này cho ai khác, nhất là người Khmer Krom nào ở nước ngoài».
Theo SKKKA, Thạch Cương là nhà hoạt động vì quyền công nhân Khmer Krom tại Sài Gòn và các vùng lân cận.
Cùng với một số người bạn của mình, anh Cương đã nhiều lần kiến nghị chính quyền Hà Nội cho phép công nhân người Khmer Krom được phép nghỉ không bị trừ lương trong dịp năm mới của người Khmer (Chol Chhnam Thmey).
Hồi tháng 6 năm 2020, anh Thạch Cương cũng từng bị Sở TTTT tỉnh Trà Vinh phạt số tiền 7 triệu đồng vì chia sẽ trên mạng xã hội thông tin chính quyền phát gạo kém chất lượng cho người Khmer nghèo.
SKKKA là liên hiệp các tổ chức, hội đoàn Khmer Krom tại Kampuchea, hiện do ông Sambath Sina, tổng thư ký Hội Ái hữu Khmer Kampuchea Krom (FKKKA) làm chủ tịch luân phiên.
Trong bản thông cáo, SKKKA kịch liệt lên án và yêu cầu chấm dứt ngay lập tức hành vi bạo lực, đe dọa có hệ thống cũng như việc xâm phạm thông tin riêng tư hết sức thô bạo của công quyền Việt Nam lên bất kỳ một người Khmer Krom nào.
Thượng tá công an Võ Văn Liệt trong một đợt đi tuyên truyền về cái gọi là «bảo vệ an ninh tổ quốc»
RIPVN | Một chủ cơ sở in áo thun ở tỉnh Trà Vinh liên tục bị công an sách nhiễu, doạ nạt vì nhận in áo thun có dòng chữ «Khmer Krom Chào mừng Quốc tế Phụ nữ 8 /3» bằng chữ Khmer.
Kể từ đầu tháng 3 năm 2021 đến nay, anh Thạch Sang, một người Khmer Krom ở xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, là chủ cơ sở in ấn liên tục bị công an xã, huyện sách nhiễu và đe doạ.
Anh Sang cho biết, hồi ngày 4 tháng 3 năm 2021, lợi dụng lúc anh đi quay phim thuê ở ngoài, một toán công an do phó trưởng công an huyện Cầu Kè Võ Văn Liệt đi đầu, đã đến nhà anh và «tịch thu» 18 chiếc áo thun được khách hàng đặt in để mặc dịp Quốc tế phụ nữ 8 tháng 3.
Vị đại diện công quyền này cho biết công an tịch thu áo vì có in chữ «Khmer Krom» là cụm từ bị cấm ở Việt Nam do mang hàm ý phân biệt dân tộc.
Sau đó, anh liên tục nhận được «giấy mời» từ công xã, huyện để làm việc xung quanh việc anh in áo có chữ «Khmer Krom», cũng như điều tra về khách hàng đặt in áo.
Liên tục sau đó cho đến gần đây nhất là ngày 29 tháng 3 năm 2021, anh Thạch Sang nhận được giấy mời đến cơ quan công an để «làm việc», cũng như phải đón tiếp các cuộc «kiểm tra» của chính quyền địa phương liên quan đến các vấn đề như «giấy phép kinh doanh», «an toàn lao động», …
Không những thế, các chức sắc địa phương còn đe doạ anh Sang phải xoá bỏ tất các các hình ảnh, bài viết, video mà anh này đã đăng trên mạng xã hội Facebook liên quan đến các đợt sách nhiễu của công an.
Về phần mình, anh Sang khẳng định bản thân luôn chấp hành đúng pháp luật nhà nước và các quy định của chính quyền sở tại và không chính quyền địa phương phải chấm dứt việc hạch sách vô cớ này.
Thạch Tha
Thông tin về các sắc dân bản địa ở Việt Nam: Khmer Krom, Cham, Dega: Rhade, Jrai, K'hor, Mnong, Stieng, etc.)