RIPVN | Jakarta: Hồi ngày 21 tháng giêng năm 2022, các tổ chức bảo vệ nhân quyền tại Indonesia cho biết hàng chục ngàn người thuộc cộng đồng các sắc dân bản địa trên đảo Borneo đang phải đối mặt với nguy cơ bị đuổi khỏi lãnh thổ tổ tiên vì dự án dời thủ đô đã được quốc hội nước này thông qua.
Liên minh các sắc dân bản địa trên quần đảo (AMAM) tại Borneo cho biết, có hơn hai vạn người thuộc hai mươi mốt cộng động người bản địa, chủ nhân của đảo Borneo, thủ đô mới của Indonesia, đã không nhận được quyền bảo vệ đất đai của mình.
Không những thế, dự án xây dựng thủ đô mới đã được chính quyền thông qua trong khi người bản địa đang phải đối mặt với những khó khăn vì mất đất.
Giám đốc Vận động Chính sách, Pháp luật và Nhân quyền của AMAM cho biết dự án di dời thủ đô đã tạo ra nhiều hệ lụy và các hành vi xâm phạm đến lợi ích người bản địa như việc cưỡng chiếm đất đai, phá hoại khu vực văn hóa bản địa và khả năng làm tăng số lượng các vụ bạo lực lên những người bảo vệ quyền người bản địa.
Dự án dời đô của Indonesia cũng vấp phải sự phản đối của những người bảo vệ môi trường do lo ngại về khả năng tàn phá hệ sinh thái, ảnh hưởng đến khu vực trồng cọ dầu, rừng tự nhiên và môi trường sinh sống của động vật hoang dã.
Hiện tại, người bản địa ở Borneo cũng đang có tranh chấp đất đai với các tập đoàn trồng cọ dầu do việc chính quyền cấp hơn ba vạn héc-ta đất của người bản địa làm đất trồng trọt.
Như vậy, người bản địa Borneo vừa phải đối mặt với các tập đoàn lớn và chính quyền với dự án dời đô này.
Dự án di dời thủ đô của Indonesia được khởi động hồi năm 2020 nhưng bị trì hoãn do dịch bệnh và hiện đang được tiếp tục thực hiện và dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2045.