All posts by Admin

LỊCH SỬ DÂN TỘC KHMER | CHƯƠNG VI – VỊ NỮ VƯƠNG CỦA NGƯỜI KHMER

Lịch sử Khmer ghi nhận rằng, người Khmer có nữ vương đầu tiên tên là «Liu Ye» (柳葉 , Việt đọc là «Liễu Diệp»), một số người khác thì gọi nữ vương này là «Sauma», trong khi các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Khmer ở phương Tây thì gọi vị nữ vương này là nữ vương «Lá Liễu», do dịch từ «Liu Ye» (柳葉) theo các ghi chép của Tàu. Và vì sử liệu của người Tàu được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu cho nên «Liu Ye» (Liễu Diệp hay Lá Liễu) được toàn thế giới biết đến là tên vị nữ vương đầu tiên của người Khmer.

Vấn đề này hết sức thú vị và rất có ý nghĩa trong việc truy tìm lịch sử thật sự của người Khmer. Thế giới biết đến lịch sử của người Khmer căn cứ vào các thư lịch cổ của người Trung Hoa từ thế kỷ thứ II, thứ III Tây lịch, sau sự kiện đi sứ của hai sứ thần Trung Hoa là Kangtai (Khang Thái) và Zhu Ying (Chu Ứng) đến vương quốc Khmer trong khoảng từ năm 245 đến năm 250. Những ghi chép của hai nhân vật này trong hành trình đến vương quốc Khmer đều được ghi lại trong «Phù Nam Truyện» (扶南傳), theo đó khởi thủy vương quốc này có một nữ vương, thủa thiếu thời có tên là «Bà Liu Ye»

Nữ vương đầu tiên của người Khmer có tên là «Bà Liu Ye». Câu hỏi đặt ra là, đây là tên do người Tàu đặt, là một từ có nghĩa trong tiếng Tàu hay là một phiên âm tiếng Khmer của người Tàu? Ông Paul Pélliot, chuyên gia Hán ngữ của viện Viễn Đông Bác cổ khẳng định, đây là tiếng Tàu chứ không phải là từ ghi lại tiếng Khmer, theo đó «Liu» (柳) nghĩa là «Liễu» và « Yè» (葉) nghĩa là «Lá». «YèLiu» (葉柳) có nghĩa là «Lá Liễu».

Nhà sử học Pháp Eveline Porée-Maspero trong cuốn Études sur les rites agraires des Cambodgiens thì cho rằng viết «YèLiu» (葉柳) là viết sai bởi không đúng ngữ pháp tiếng Tàu, nên viết lại là «LiuYè» (柳葉) mới đúng nghĩa. Nếu viết theo đúng tiếng Tàu (柳葉) thì tên vị Nữ Vương Khmer là «LiuYè» hay «Liu Ye». 

Lý thuyết của bà này có vẻ hợp lý hơn nên người ta thừa nhận rằng người Khmer có nữ vương đầu tiên là là «Liu Ye». Ngày nay, trên toàn thế giới, người ta cho là nữ vương đầu tiên của người Khmer là «Liu Ye»  (柳葉).

Riêng nhà nghiên cứu G. Cœdès thì gọi tên nữ vương đầu tiên của vương quốc Funan là Bà «Lá Liễu» mà không hề giải thích gì cả.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý một điểm hết sức quan trọng là liễu là một chi thực vật mọc ở khu vực ôn đới và hàn đới thuộc Bắc bán cầu, và quan trọng hơn cả là xứ Khmer không hề có giống cây liễu. Điều này cũng được nhắc đến trong các ghi chép của Zhou Daguan (Chu Đạt Quan).

Thật khó có thể tin rằng nữ vương có thể tên là «Lá Liễu» trong khi cả vương quốc ấy không ai biết «Liễu» là cây gì.

Thực ra, Tầu viết «Ye Liu» (葉柳) hoàn toàn chính xác bởi nó không phải là từ có ý nghĩa trong tiếng Tàu mà đơn giản là người Tàu ghi lại âm của từ «Yeay Liu» (យាយលីវ – Bà Độc Thân) của tiếng Khmer. 

Tại sao «Yeay» lại được Tàu ghi lại là «Ye»? 

Có hai lý giải có vấn đề này, thứ nhất Trong tiếng Tàu chỉ có các âm ai, ei, ui; ao, ou, iu; ie, üe; er; ia, iao; ua, uo, uai, an, en; in, un, ün; ang, eng, ing, ong; ian, iang, iong; uan, uang,  ian, iang, iong, họ không đọc được từ «Yeay» (âm iai) nên có thể họ nghe được là hoặc phải đọc chệch lại là «Ye». 

Giả thuyết thứ hai, trong tiếng Khmer cổ, «Yeay» có thể được đọc là «jɛɪ», gần giống như «ye» vậy, cụ thể là hiện nay một số khu vực ở Kampuchea Krom như Khleang, Polleav, cũng có người Khmer Krom đọc «Yeay»  thành «Ye»  hoặc «Yé».

«Yeay Liu»  là gì?

«Yeay» (យាយ – Bà ) ngoài dùng để gọi người phụ nữ sinh ra cha, mẹ hoặc dùng để gọi một phụ nữ lớn tuổi, từ này còn dùng để gọi một phụ nữ có quyền lực, thể hiện sự tôn trọng theo truyền thống của người Khmer. Ví dụ như hiện nay người Khmer còn thờ Yeay Mao (người Việt gọi là Dì Mao) trên núi Bokor, hay Yeay Dat ở khu vực Pailin. Riêng những phụ nữ ít quyền lực hơn hoặc trẻ tuổi hơn thì được gọi là Neang, ví vụ như Neang Chan (mộ của bà này hiện còn được bảo vệ ở Sóc Trăng), Neang Neath, Neang Kantaoung Khieu, …

«Liu» có thể là លីវ (Độc thân), sở dĩ gọi là «Độc thân»  do nữ vương của người Khmer khi đó vẫn chưa có chồng. Vấn đề này cũng được Khang Thái và Chu Ứng ghi chép lại. 

Hơn nữa, cũng như các dân tộc khác, người Khmer không bao giờ gọi tên của người lớn tuổi hoặc có địa vị cao, việc gọi tên có thể được xem làm sự xúc phạm với vị đó. Như vậy, việc người Khmer gọi nữ vương của mình là «Yeay Liu» tức «Bà Độc Thân» là thể hiện sự tôn trọng là hoàn toàn hợp lý.

Theo các tài liệu khắc trên đá của người Khmer và người Chăm, Nữ vương của người Khmer có tên là Sauma (សោមា).

Sauma là tổ tiên của tất cả các vị vua được ghi nhận là đã trị vì vương quốc Khmer từ khởi thuỷ đến thời kỳ Angkor bị Siem chiếm đóng. Sử liệu này được khắc lại trên bia đá trong đền Baksei Chamkrong được vua Reajintreah Varman cho xây dựng hồi năm 947.

Càng đặt biệt hơn nữa, Sauma cũng là tổ tiên của dòng dõi vua chúa của Chăm, bắt đầu từ vua Prakāsa Dhamivī Varman. Các bia cổ của người Chăm được phát hiện khắc hồi năm 658 ở Mỹ Sơn miêu tả rằng đức vua này có nguồn gốc từ dòng họ của nữ vương Sauma do Mẫu thân của đức vua này người thuộc hoàng gia Khmer tên là Sārava Vaṇṇī là công chúa con vua Isan Varman Đệ Nhất.

Sauma là tên được đặt cho nữ vương Khmer sau khi bà kết hôn và trở thành hoàng hậu của quốc vương Kaundinya. Trong tiếng Sanskrit, Sauma nghĩa là mặt trăng, là hóa thân của thần Krishna (Kṛṣṇa). Krishna lại là một trong hóa thân của thần Vishnu.

Dù Kaundinya lên làm quốc vương của người Khmer và thành lập quốc gia theo Bà La Môn giáo thì nữ vương Sauma vẫn là người đứng đầu dòng dõi hoàng tộc của người Khmer với tên gọi là « Sauma Vaingsa» (Dòng dõi Mặt Trăng). 

Kết luận, nữ vương đầu tiên của người Khmer mà người nước ngoài biết đến không phải tên là «Ye Liu»  hay «Liu Ye» hay «Lá Liễu». Hay thậm chí có người gọi nữ vương đầu tiên của người Khmer là «Lá Dừa» đi chăng nữa cũng hoàn toàn không hợp lý.

– Tên của Nữ vương được dân chúng gọi là «Yeay Liu» (យាយ​លីវ – Bà Độc Thân)

– Tên của Ngài khi trở thành hoàng hậu của vua Kaundinya là «Sauma» (សោមា)

– Tên tục của Bà khi chưa trở thành Hoàng hậu, tức khi là nữ vương của vương quốc Khmer theo tín ngưỡng dân gian là gì? Đó vẫn là một bí mật lớn.

2 công nhân bị đánh chết vì nói tiếng Khmer ở Bình Dương

RIPVN | Hồi đêm 11 tháng 4 năm 2021, một nhóm nhân người Khmer Krom ở thị trấn Tân Uyên tỉnh Bình Dương đã bị một nhóm công nhân người Việt hành hung khiến 2 người chết và  1 người khác bị thương nặng.

Hai công nhân Khmer Krom bị đâm chết là Thạch Chiên (sinh năm 1998) và Thạch Chum Rơne (sinh năm 1996) là hai cậu cháu ruột, cùng quê ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. 

Theo thông tin của người nhà nạn nhân, sau khi đi hát karaoke về, nhóm công nhân Khmer Krom nói chuyện với nhau bằng tiếng Khmer thì bị nhóm 8 người Việt đánh và bị đâm khiến Thạch Chiên và Thạch Chum Rơne chết, và Kim Hồng Chương bị thương nặng.

Tin tức do báo chí nhà nước Việt Nam đưa thì hung thủ giết người tên Nguyễn Đức Thành, quê Kiên Giang,  đã bị bắt vào chiều 18 tháng 4 năm 2021. 

Trò chuyện với chúng tôi, K.T., một công nhân Khmer Krom chứng kiến vụ việc cho biết, đêm 11 tháng tư, khi ra khỏi phòng hát karaoke và nói chuyện với nhau bằng tiếng Khmer thì họ bị nhóm người Việt liếc nhìn với ánh mắt thù nghịch mà không hề biết lý do gì. 

Anh này chia sẽ: «Nhóm tụi em đi ăn liên hoan chia tay nhau để về quê ăn Chol Chhnam, trước khi ra về, nhóm em 4 người tụm lại nói chuyện thì có một nhóm người Việt vì không hiểu tụi em nói gì nên họ nghĩ nói xấu họ nên họ đến đánh và dùng dao đâm vào nhóm tụi em». 

Cũng đang làm việc tại Bình Dương , anh Sơn H., từng tốt nghiệp Cử nhân ngành Xã hội học, cho biết việc ẩu đả đến chết người là một trường hợp nghiệm trọng, tuy nhiên việc công nhân Khmer Krom bị công nhân người Việt gây gổ đánh đập không phải là chuyện hiếm. 

Đặt biệt, theo anh Sơn H., ở các quán nhậu hoặc các địa điểm ăn uống thường xảy ra các mâu thuẫn với lý do đơn giản là người Khmer Krom thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Khmer, trong khi đó các công nhân người Việt thì cho rằng nhóm người Khmer đang «nói xấu» hoặc «chửi rủa» mình.

Cũng trong sự kiện này, theo báo nhà nước, có 2 công nhân Khmer Krom khác là Thạch Tấn (sinh năm 2002), và Thạch Hiệp (sinh năm 2000) cũng bị Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ vì «hành vi gây rối trật tự». 

Liên quan đến vấn đề này anh Sơn H. nhận định cả Tấn và Hiệp là nạn nhân của hành vi bạo lực liên quan đến nạn kỳ thị sắc tộc ở Việt Nam và đáng lý phải được nhà nước bảo vệ chứ không phải bị bắt như tội phạm hình sự. 

Thạch Phirum

Nhà thơ người Chăm bị công an mời «làm việc» rồi mất tích

RIPVN | Một nhà thơ người Chăm mất tích 3 ngày sau khi bị công an mời lên làm việc

Đến tối ngày 10 tháng 4 gia đình và bạn bè của nhà thơ người Chăm – Đồng Chuông Tử, tên thật là Nguyễn Quốc Huy vẫn không liên lạc được với ông này sau hơn hai ngày bị công an đưa đi làm việc.

Theo thông tin từ bạn bè thì ông Huy vào trưa ngày 7 tháng 4 nhắn tin cho bạn bè biết ông bị công an thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đưa về làm việc không rõ lý do, và cũng không ai trong số người thân của ông được nhìn thấy nội dung của thư mời. 

Vợ của ông Nguyễn Quốc Huy đang hái cà phê ở tỉnh Bình Phước cũng không hay biết gì về tin tức của chồng mình.

Một người bạn cho biết ông Đồng Chuông Tử làm thơ, viết báo và thời gian qua có kêu gọi hỗ trợ người dân nghèo, học sinh ở thị trấn Ma Lâm và xây dựng thư viện thiện nguyện cho người dân đến đọc sách.

Trong một bài đăng trên Facebook cá nhân hồi tháng 6 năm 2020, nhà thơ cho biết «sẽ tự ứng cử Đại biểu Quốc hội để chăm lo cho đồng bào Chăm của mình». 

Theo ông dù biết sẽ chắc chắn là sẽ bị loại, nhưng nhìn thấy các đại biểu Quốc người bản địa chủ yếu «để làm kiểng» nên ông quyết định tự ứng cử.

Hồi ngày 17 tháng 02 năm 2020, một thanh niên người Chăm là Báo Anh Ty cũng đột ngột mất tích trên đường từ nhà ở Ninh Thuận vào Sài Gòn đi làm, đến 16 tháng 5 năm 2020, gia đình anh này nhận được lệnh báo của công an cho biết anh này chết tại đồn công an, nguyên nhân cái chết được phía công an khẳng định là bị bệnh. 

Bị sách nhiễu vì in áo thun có chữ «Khmer Krom»

Thượng tá công an Võ Văn Liệt trong một đợt đi tuyên truyền về cái gọi là «bảo vệ an ninh tổ quốc»

RIPVN | Một chủ cơ sở in áo thun ở tỉnh Trà Vinh liên tục bị công an sách nhiễu, doạ nạt vì nhận in áo thun có dòng chữ «Khmer Krom Chào mừng Quốc tế Phụ nữ 8 /3» bằng chữ Khmer. 

Kể từ đầu tháng 3 năm 2021 đến nay, anh Thạch Sang, một người Khmer Krom ở xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, là chủ cơ sở in ấn liên tục bị công an xã, huyện sách nhiễu và đe doạ. 

Anh Sang cho biết, hồi ngày 4 tháng 3 năm 2021, lợi dụng lúc anh đi quay phim thuê ở ngoài, một toán công an do phó trưởng công an huyện Cầu Kè Võ Văn Liệt đi đầu, đã đến nhà anh và «tịch thu» 18 chiếc áo thun được khách hàng đặt in để mặc dịp Quốc tế phụ nữ 8 tháng 3. 

Vị đại diện công quyền này cho biết công an tịch thu áo vì có in chữ «Khmer Krom» là cụm từ bị cấm ở Việt Nam do mang hàm ý phân biệt dân tộc. 

Sau đó, anh liên tục nhận được «giấy mời» từ công xã, huyện để làm việc xung quanh việc anh in áo có chữ «Khmer Krom», cũng như điều tra về khách hàng đặt in áo.

Liên tục sau đó cho đến gần đây nhất là ngày 29 tháng 3 năm 2021, anh Thạch Sang nhận được giấy mời đến cơ quan công an để «làm việc», cũng như phải đón tiếp các cuộc «kiểm tra» của chính quyền địa phương liên quan đến các vấn đề như «giấy phép kinh doanh», «an toàn lao động», …

Không những thế, các chức sắc địa phương còn đe doạ anh Sang phải xoá bỏ tất các các hình ảnh, bài viết, video mà anh này đã đăng trên mạng xã hội Facebook liên quan đến các đợt sách nhiễu của công an.

Về phần mình, anh Sang khẳng định bản thân luôn chấp hành đúng pháp luật nhà nước và các quy định của chính quyền sở tại và không chính quyền địa phương phải chấm dứt việc hạch sách vô cớ này. 

Thạch Tha